[In trang]
Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia
Thứ sáu, 30/06/2023 - 08:01
Những ngày này, đường dây 500kV Bắc Nam phải truyền tải công suất cao, đưa điện từ miền Trung, miền Nam ra cấp điện cho miền Bắc. Cán bộ, công nhân viên truyền tải điện ở nhiều nơi phải tăng cường ứng trực 24/24 giờ, không có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật để quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Ảnh: Ngọc Hà.
Nếu như trước đây, đa phần công việc trong công tác quản lý, vận hành lưới điện phải thực hiện thủ công, người lao động rất vất vả do lưới điện Việt Nam trải dài, đi qua nhiều địa hình phức tạp, đồi núi hiểm trở, khó khăn thì ngày nay, nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, áp dụng công nghệ mới đã giúp phát hiện nhanh các sự cố để xử lý, thực hiện nhiều việc trên lưới điện đang mang tải… qua đó, vừa giúp giảm sức lao động nặng nhọc, vất vả, vừa góp phần đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục, ổn định cho kinh tế và đời sống.
Ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải Điện quốc gia (EVNNPT) đã trao đổi với phóng viên trang tin ngành điện (Icon.com.vn).
PV: Thưa ông, xin ông cho biết thực tế công tác truyền tải cao trên lưới điện 500kV trong mùa khô 2023 – truyền tải điện ra Bắc như thế nào?
Ông Lưu Việt Tiến: Trong tháng 5 và tháng 6, do các các hồ thủy điện về mực nước chết, lưu lượng nước về thấp, một số tổ máy nhiệt điện than bị sự cố nên miền Bắc bị thiếu điện, 2 mạch ĐZ 500kV Hà Tĩnh – Nghi Sơn 2 – Nho Quan phải truyền tải cao từ miền Trung ra miền Bắc khoảng 2.400-2.600MW để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc. Các ĐZ 220kV Hà Tĩnh – Hưng Đông cũng mang tải cao, tại một số khoảng cột vượt đường giao thông, do dây dẫn mang tải cao kết hợp thời tiết nắng nóng nên độ võng tăng, anh em công nhân phải ứng trực thường xuyên để đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện cũng như đường dây. Đồng thời do nhiệt độ môi trường tăng cao, nhiều thiết bị như dao cách ly, mối nối tại các TBA 500kV Vũng Áng, Hà Tĩnh, Nho Quan bị phát nhiệt. Công nhân tại các TBA và đội đường dây của EVNNPT phải trực 24/24, tăng cường công tác kiểm tra, soi phát nhiệt, tranh thủ các thời điểm tải giảm xin cắt điện để kịp thời xử lý các khiếm khuyết phát nhiệt.

Ảnh: Quang Thắng/PTC2.
PV: EVNNPT đã ứng dụng các công nghệ cụ thể gì trong công tác quản lý vận hành, xử lý nhanh các sự cố/ nguy cố sự cố… để đảm bảo an toàn truyền tải điện công suất cao trên lưới điện quốc gia?  
Ông Lưu Việt Tiến: Để kịp thời phát hiện các bất thường, khiếm khuyết, các điểm phát nhiệt, các chuỗi cách điện bị bẩn do bụi từ các nhà máy, công trường, EVNNPT đã ứng dụng thiết bị bay UAV mang theo camera độ phân giải cao để chụp ảnh, phân tích, xác định các điểm có nguy cơ sự cố và xử lý sớm. Việc ứng dụng UAV giúp tăng năng suất lao động, giảm thiểu rủi ro mất an toàn cho người lao động khi trèo cao, nhất là vào thời điểm nắng nóng. 
Bụi bẩn tích tụ trên bề mặt cách điện tăng gây ra tổn hao điện, nếu xuất hiện độ ẩm cao hoặc sương mù, sương muối có thể làm phóng điện dọc theo bề mặt của chuỗi cách điện gây ra sự cố làm gián đoạn khả năng truyền tải điện. Trước đây, việc vệ sinh là một công việc rất khó khăn và nguy hiểm do người thợ phải trèo lên từng chuỗi cách điện và dùng giẻ để vệ sinh lau chùi từng bát cách điện. Truyền tải điện phải đăng ký cắt điện đường dây để thực hiện vệ sinh cách điện gây ảnh hưởng đến kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.
Hiện nay, EVNNPT đã ứng dụng thiết bị rửa sứ hotline để vệ sinh các chuỗi cách điện trên đường dây, đặc biệt là các vị trí cột gần các nhà máy xi măng, các mỏ khai thác đá… Thiết bị này dùng nước đã lọc có điện trở suất cao với áp lực đủ mạnh để rửa sạch các lớp bụi bẩn bám trên chuỗi cách điện trong tình trạng đường dây đang mang điện. Đây là một công nghệ thông dụng và tiên tiến đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới. Thông qua đề tài nghiên cứu khoa học, EVNNPT đã chế tạo và ứng dụng rộng rãi thiết bị với giá thành rẻ hơn nhiều lần so với thiết bị nhập ngoại.
Không chỉ hỗ trợ tích cực trong công tác phát hiện khiếm khuyết / sự cố trên lưới điện, thiết bị bay UAV còn giúp công tác giám sát, nghiệm thu các công trình truyền tải điện. 

Ảnh: Quang Thắng/PTC2.
PV: Thưa ông, việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ như thế nào trong quản lý đầu tư, giám sát, nghiệm thu các công trình truyền tải điện quốc gia ?
Ông Lưu Việt Tiến: Trong bối cảnh các dự án đầu tư xây dựng đường dây, trạm biến áp trải dài trên toàn quốc, lực lượng quản lý xây dựng của các Ban A mỏng, việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho công tác quản lý đầu tư, giám sát, nghiệm thu là rất cần thiết. 
Đối với các công trường xây dựng trạm biến áp, EVNNPT ứng dụng camera giám sát trực tuyến, qua đó nắm được tiến độ xây dựng, nhân lực và phương tiện trên công trường. 
Đối với các dự án xây dựng đường dây, EVNNPT ứng dụng thiết bị bay UAV để chụp ảnh, hỗ trợ công tác nghiệm thu, đánh giá chất lượng đối với các thiết bị trên cao.
Hồ sơ dự án, tiến độ triển khai, khối lượng thực hiện, tình hình chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, thanh quyết toán của các công trình xây dựng được quản lý trên hệ thống phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (IMIS).
PV: Được biết, trong những năm qua, cùng với việc đầu tư mạnh mẽ hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia (cấp điện áp 220kV và 500kV), EVNNPT cũng là đơn vị đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số của ngành điện để hiện thực hoá mục tiêu trở thành doanh nghiệp số của EVN vào năm 2025. Xin ông cho biết về các giải pháp EVNNPT triển khai cũng như kết quả cho đến thời điểm này?
Ông Lưu Việt Tiến: Thực hiện lộ trình chuyển đổi số ngành điện để hiện thực hoá mục tiêu trở thành doanh nghiệp số của EVN vào năm 2025, EVNNPT đã tập trung chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực quan trọng là quản lý đường dây, trạm biến áp và thí nghiệm. Nhờ đó EVNNPT thay đổi tổng thể và toàn diện về cách làm việc và phương thức tổ chức sản xuất cho gần 5.000 người lao động trực tiếp trong 3 lĩnh vực nêu trên. Đặc biệt, việc ứng dụng thiết bị bay UAV, phân tích hình ảnh do UAV thu thập được bằng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp thay đổi toàn diện công tác quản lý vận hành đường dây.
Đồng thời, EVNNPT ứng dụng camera xử lý hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI) lắp đặt trên đỉnh cột đường dây tại một số vị trí đặc biệt; trang bị hệ thống quan trắc, cảnh báo sét nhằm cảnh báo sớm về sự hình thành, xuất hiện của các cơn giông - sét tiềm năng gây nguy hiểm tới lưới điện truyền tải, định vị và xác định các thông số của cú sét; trang bị hệ thống định vị sự cố cho các đường dây 500 – 220kV quan trọng, nhân viên vận hành xác định nhanh được điểm sự cố với sai số trong khoảng 200m và quản lý lưới điện truyền tải thông qua hệ thống thông tin địa lý (GIS); chuyển các trạm biến áp 220kV sang vận hành không người trực, lắp đặt nhiều thiết bị giám sát trực tuyến như khí phân hủy trong dầu máy biến áp (DGA)… mang lại hiệu quả tích cực trong việc tăng năng suất, tăng hiệu quả, giảm chi phí truyền tải điện.

Ảnh: Trần Việt Hùng/PTC3.
PV: Nhờ vào chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, đã có hàng trăm TBA 220kV được điều khiển tích hợp bằng máy tính, thao tác điều khiển từ xa, 100% dữ liệu thiết bị trên lưới truyền tải điện đã được số hóa và Việt Nam cũng đã có TBA số đầu tiên được EVNNPT đưa vào vận hành. Điều này đem lại thuận lợi như thế nào trong công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia, thưa ông?
Ông Lưu Việt Tiến: Hiện nay EVNNPT đang vận hành 160 trạm biến áp 500-220kV điều khiển tích hợp bằng máy tính trong đó có 01 trạm biến áp 220kV tại Thủy Nguyên, Hải Phòng là trạm biến áp số 220kV đầu tiên của Việt Nam, đạt tỷ lệ 86%. Các trạm biến áp này cho phép giám sát chặt chẽ tình trạng vận hành của thiết bị; thu thập, lưu trữ đầy đủ các dữ liệu vận hành của thiết bị, phục vụ cho công tác đánh giá, quyết định sửa chữa, bảo dưỡng đồng thời cho phép áp dụng các giải pháp tự động hóa trạm biến áp.
EVNNPT đã chuyển 118 trạm biến áp 220kV sang thao tác xa từ các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền đạt tỉ lệ 79%, nhờ đó tiết giảm gần 600 lao động so với trạm biến áp có người trực thao tác tại chỗ.
EVNNPT đang xây dựng các trung tâm giám sát vận hành trạm biến áp không người trực tại 4 Công ty Truyền tải điện, dự kiến hoàn thành trong quý 3/2023.
Bên cạnh đó, 100% dữ liệu thiết bị trên lưới truyền tải điện đã được số hóa trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, 100% dữ liệu công tơ đã được kết nối vào hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm MDMS.
PV: Đâu là những khó khăn, thách thức của EVNNPT trong tiến trình chuyển đổi số, thưa ông ? 
Ông Lưu Việt Tiến: Khi triển khai lộ trình chuyển đổi số, mặc dù EVNNPT có quyết tâm mạnh mẽ nhưng khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen của mọi người. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng, từ lãnh đạo đến CBCNV.
Một khó khăn nữa là nhiều phần mềm quản lý kỹ thuật, phần mềm dùng chung, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ hiện có, khả năng đảm bảo an toàn an ninh thông tin… chưa theo kịp yêu cầu về chuyển đổi số.
Tuy nhiên, chuyển đổi số là cơ hội vô giá để ngành truyền tải điện phát triển dựa trên những đột phá về công nghệ số. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa. Ngược lại, nếu tận dụng cơ hội này chúng ta sẽ theo kịp các tổ chức truyền tải điện tiên tiến trên thế giới.

Đường dây 500kV Vân Phong - Thuận Nam. Ảnh: Trần Việt Hùng/PTC3.
PV: Quy hoạch Điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra cho EVNNPT các nhiệm vụ cụ thể gì trong công tác đầu tư cũng như chuyển đổi số?
Ông Lưu Việt Tiến: Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng phê duyệt định hướng phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế. 
Quy hoạch điện VIII định hướng nghiên cứu công nghệ truyền tải điện xoay chiều và một chiều điện áp trên 500kV, phát triển đường dây truyền tải siêu cao áp một chiều để khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi, xây dựng các trạm biến áp 220kV vận hành tự động không người trực, trạm GIS và trạm ngầm tại các trung tâm phụ tải.
Trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo ngày càng cao, để kịp thời đáp ứng EVNNPT đang đẩy mạnh việc phát triển lưới điện thông minh, cải tạo nâng cấp các trạm biến áp có hệ thống điều khiển bảo vệ truyền thống lên hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính.
EVNNPT đang xúc tiến đào tạo nguồn nhân lực về đường dây truyền tải siêu cao áp một chiều (HVDC) để sẵn sàng đầu tư và vận hành các đường dây này nhằm kết nối điện gió ngoài khơi và liên kết hệ thống điện với các nước láng giềng; tiếp tục thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của trạm biến áp số, đào tạo nhân lực làm chủ công nghệ để tiến tới áp dụng rộng rãi trạm biến áp số do EVNNPT tự triển khai tích hợp.

Ảnh: Trần Việt Hùng/PTC3.
PV: Việc vận hành lưới điện truyền tải trong điều kiện năng lượng tái tạo có tỷ trọng ngày càng cao vào hệ thống điện gặp những khó khăn gì, thưa ông ?
Ông Lưu Việt Tiến: Nhược điểm của năng lượng tái tạo là ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, thiên nhiên nên trong điều kiện năng lượng tái tạo có tỷ trọng ngày càng cao, hệ thống truyền tải điện gặp nhiều khó khăn. 
Về vận hành, trước hết điện mặt trời, điện gió tập trung nhiều ở miền Nam và Nam Trung Bộ dẫn đến quá tải các đường dây 500kV truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc. Việc phát triển điện mặt trời, điện gió rất nhanh trong thời gian ngắn vượt xa khả năng phát triển lưới truyền tải dẫn đến quá tải cục bộ các đường dây và trạm biến áp. Điện mặt trời áp mái phát triển mạnh khiến công tác dự báo phụ tải gặp nhiều khó khăn. 
Về đầu tư, do số giờ vận hành quy đổi trong năm của điện mặt trời, điện gió thấp nên sản lượng điện truyền tải của đường dây đấu nối thấp dẫn đến hiệu quả đầu tư đường dây, trạm biến áp để truyền tải điện mặt trời, điện gió không cao.
EVNNPT đang thử nghiệm công nghệ giám sát trực tuyến khả năng tải của đường dây theo điều kiện thời tiết như nhiệt độ, tốc độ gió, bức xạ mặt trời… Công nghệ này cho phép tăng khả năng tải của các đường dây đấu nối với điện gió lên khoảng 15% vào thời điểm turbine gió đạt công suất cao nhất.
Ngoài ra, trong tương lai công nghệ pin tích trữ năng lượng (BESS) góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải, giảm nhu cầu đầu tư lưới điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải vào giờ cao điểm, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. 

Công nhân Truyền tải điện 1 vận hành tại TBA 500kV Nho Quan. Ảnh: Mạnh Hùng/PTC1.
PV: Vai trò của nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi số của EVNNPT và các nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là gì thưa ông ?
Ông Lưu Việt Tiến: Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ là phương tiện còn con người là yếu tố quyết định sự thành công. Nhận thức rõ điều đó, ngoài hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, EVNNPT đặc biệt quan tâm đến nguồn “nhân lực số”, cùng với việc hình thành nên thói quen, thay đổi nhận thức của người lao động để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số. 
Người lao động của EVNNPT đã quen với môi trường thực trong nhiều năm. Chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen, đây là việc khó, là việc lâu dài. Tuy nhiên văn hoá của người Việt Nam nói chung cũng như CBCNV của EVNNPT nói riêng là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới nên tôi tin tưởng vào việc thay đổi nhận thức, thói quen của người lao động.
Trong những năm qua EVNNPT đã tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyển đổi nhận thức cũng như đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, đặc biệt là về an toàn an ninh thông tin, huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đào tạo nâng cao nhận thức cho người lao động về chuyển đổi số, EVNNPT khuyến khích người lao động không ngừng học hỏi, không ngừng nâng cao nhận thức, mỗi ngày mỗi người tự học cho mình những điều mới.
Nguyên Long - Trang tin điện tử Ngành điện
Baidu
map