[In trang]
'Giải mã' khủng hoảng của ngành năng lượng Mặt Trời và gió
Thứ hai, 27/11/2023 - 16:02
Theo bài viết trên trang mạng kênh truyền hình NTV của Đức, thời gian qua các công ty năng lượng gió và Mặt Trời ở Đức đã được hưởng lợi lớn với rất nhiều đơn đặt hàng mới.
Ngành năng lượng điện gió và điện Mặt Trời của châu Âu đang gặp khó khăn. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, các chính trị gia Đức đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng, tạo điều kiện cho lĩnh vực năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời phát triển. Nhưng ngược với kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn, một cuộc khủng hoảng đang xuất hiện khi hầu hết các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đều lâm vào tình trạng khó khăn.
Những ai đã kỳ vọng rằng cuộc khủng hoảng năng lượng thời gian qua sẽ mang lại cho các công ty năng lượng gió và Mặt Trời một sự bùng nổ mạnh mẽ và giá trị tăng cao trên thị trường chứng khoán, đều đã thất vọng lớn. Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, chính phủ liên minh "Đèn giao thông" ở Đức (gồm đảng Dân chủ xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP) đã thúc đẩy mạnh mẽ khả năng mở rộng nguồn năng lượng tái tạo ở nước này.
Các doanh nghiệp trong ngành đã trải qua giai đoạn thuận lợi chưa từng có và các đơn hàng của họ luôn đầy ắp. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, các doanh nghiệp năng lượng thực chất vẫn phải chật vật trong hoạt động kinh doanh. Nhu cầu gia tăng về năng lượng tái tạo hóa ra lại là một "cơn gió ngược". Các dự án đầu tư mới hết sức tốn kém, trong khi gánh nặng nợ đè nặng và giá trị cổ phiếu sụt giảm mạnh đang là lực cản lớn đối với nhiều hạng mục đầu tư trong năm nay.
Nhà báo, chuyên gia kinh tế Frank Meyer của truyền hình NTV cho biết sự sụt giảm giá trị cổ phiếu trong ngành năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió rất tồi tệ. Ví dụ, cổ phiếu của hai công ty năng lượng Mặt Trời là SolarEdge và Enphase Energy đều mất khoảng 70% giá trị kể từ đầu năm nay. Công ty điện gió Orsted của Đan Mạch mất hơn 50% giá trị, trong khi công ty Vestas Wind Systems cũng mất gần 14%. Giá trị thị trường của các doanh nghiệp trong ngành thường cách rất xa mức giá trị cao nhất của họ.
Vấn đề chính của các doanh nghiệp là lãi suất cao và các khoản chi phí biến động lớn. Các công ty không thể chuyển mọi chi phí gia tăng cho khách hàng của họ. Ngoài ra, các vấn đề khác như khó khăn trong chuỗi cung ứng, tình trạng dư thừa công suất và cuộc chiến giá cả tàn khốc cũng đang đè nặng lên các doanh nghiệp. Cổ phiếu của công ty SolarEdge đã chìm trong sắc đỏ vào quý III/2023 do doanh thu sụt giảm mạnh.
Với công ty điện gió Orsted, hai dự án ngoài khơi ở Mỹ bị thất bại đã khiến công ty lỗ 2,7 tỷ euro. Nhà sản xuất tua-bin điện gió lớn nhất thế giới Vestas hồi đầu tháng 11 cũng đã phải công bố những số liệu không mấy khả quan. Nhưng sự cạnh tranh để có được mức giá cao hơn rất khốc liệt. Tua-bin điện gió đòi hỏi những khoản đầu tư lớn, không chỉ trong phát triển mà còn cho việc chế tạo tại các nhà máy. Nhưng cho đến khi đơn hàng được ký kết, các công ty sản xuất sẽ phải tự cung ứng tài chính trong thời gian dài.
Chi phí cao, lãi suất cao, dư thừa công suất
Đầu tư dành cho các dự án điện Mặt Trời và gió đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ. Ảnh: Reuters
Kết quả là những vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra vào đúng giai đoạn bùng nổ năng lượng tái tạo. Trong hoàn cảnh khó khăn, những thiếu sót về chất lượng tại công ty con Gamesa ở Tây Ban Nha cuối cùng đã gây ra tai họa lớn cho công ty năng lượng khổng lồ Siemens Energy.
Theo ông Joe Kaeser, Chủ tịch Hội đồng giám sát của Siemens Energy, khoản bảo lãnh 7,5 tỷ euro từ chính phủ liên bang Đức và một kế hoạch giải cứu phức tạp đang giúp công ty tồn tại trong giai đoạn này, nhưng vấn đề vẫn còn nan giải. Ông Kaeser phàn nàn tình hình ngành điện gió "rất nghiêm trọng" và vẫn đang thua lỗ nặng.
Nhà báo Meyer phân tích chi phí vốn đã tăng lên ở khắp mọi nơi do lãi suất tăng mạnh. Quy trình phê duyệt kéo dài khiến các dự án không chắc chắn về mặt thời gian và trở nên đắt đỏ hơn. Cuộc chiến giá cả trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời và gió rất khốc liệt, các đơn đặt hàng ngày càng được chuyển sang cho các doanh nghiệp Trung Quốc nhiều hơn vì lý do giá cả. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh việc mở rộng năng lượng tái tạo, tạo nguồn hỗ trợ đáng kể thúc đẩy các công ty nước này cung cấp cho thị trường toàn cầu các linh kiện năng lượng Mặt Trời giá rẻ.
Kết quả là doanh nghiệp Đức trong lĩnh vực năng lượng tái tạo phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau. Theo chuyên gia Martin Frandsen từ công ty Principal Asset Management, vào thời điểm làn sóng lạm phát bắt đầu, các công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát cao. Ngay khi họ bắt kịp tình hình mới, thì lãi suất lại tăng mạnh. Khó khăn chồng chất khó khăn đã đè nặng lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Lãi suất bằng 0 là điều rất quan trọng
Chuyên gia Meyer nhận định để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, việc điều chỉnh xoay chiều lãi suất là điều rất cần thiết. Những mô hình kinh doanh này chỉ có thể tồn tại với lãi suất bằng 0 vì tỷ suất lợi nhuận thấp. Điều này cũng áp dụng cho ngành công nghiệp hydro.
Liệu chính phủ Đức có cần hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo bằng các dự án năng lượng lớn nếu muốn đạt được các mục tiêu chính trị không? Theo ông Jörg Frischholz, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Norddeutsche Landesbank, câu trả lời là "Có". Ông cho rằng nhà nước cần phải hỗ trợ cho các dự án năng lượng tái tạo lớn và mở rộng công suất mạnh mẽ. Nếu không có sự hỗ trợ, nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực này sẽ né tránh rủi ro thay vì đổ vốn vào một trong những lĩnh vực ẩn chứa nhiều rủi ro.
Chuyên gia Philipp Godron từ tổ chức Agora Energiewende đưa ra cảnh báo về những khoảng trống trong nguồn cung. Tuy vậy ông cũng trấn an rằng nếu vấn đề nảy sinh với một vài công ty riêng lẻ, điều đó ban đầu không tốt cho sự cạnh tranh và mở rộng, nhưng không có nghĩa rằng không có thị trường rộng mở cho nhà sản xuất khác.
Chuyên gia Godron tin tưởng vào tương lai của điện gió. Ngành công nghiệp này là một ngành tăng trưởng. Ngành này phải và có thể tự phát triển thông qua sự cạnh tranh của khu vực tư nhân. Ông Godron nhấn mạnh đây chắc chắn không phải là ngành cần hỗ trợ lâu dài bởi các khoản trợ cấp của nhà nước. Cạnh tranh cũng sẽ giúp ích cho việc đạt được mức giá sản xuất phù hợp, do đó giúp giảm chi phí năng lượng cho tất cả nền kinh tế và xã hội.
Theo TTXVN  
Baidu
map