[In trang]
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi sử dụng xe điện tại COP28
Thứ tư, 06/12/2023 - 07:11
Bên lề Hội nghị COP28 đang diễn ra tại UAE, đại diện Việt Nam đã chia sẻ những kết quả ban đầu về chuyển đổi sử dụng xe điện, thực hiện mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Chiều nay (5/12), tại sự kiện do Việt Nam tổ chức với chủ đề "Chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải đường bộ", đại diện Bộ GTVT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã giới thiệu với các đoàn quốc tế về lộ trình, mục tiêu và cam kết thực hiện chuyển đổi xanh hướng tới hệ thống giao thông vận tải phát thải thấp tại Việt Nam.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với diễn giả quốc tế.
Theo ông Trần Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ GTVT), ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê tan của ngành GTVT. Sau hơn một năm thực hiện, với sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam đã đạt được kết quả ban đầu trong việc thúc đẩy chuyển đổi sử dụng điện đối với một số loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Ông Trần Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Bộ GTVT phát biểu tại sự kiện bên lề của Việt Nam tại Hội nghị COP28 đang diễn ra tại UAE.
Cụ thể, nếu năm 2019 chỉ có 138 xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thì đến hết tháng 9/2023 đã có 28.315 xe ô tô thuần điện và 3.557 xe hybrid đang lưu hành. Cả nước hiện cũng đã có hơn hai triệu mô tô, xe gắn máy điện và hơn 700 nghìn xe đạp điện đang lưu hành.
Với những định hướng của Chính phủ và xu thế chuyển đổi, thời gian vừa qua đã có rất nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến thị trường xe điện Việt Nam.
Công ty VinFast đã có bước tiên phong chuyển đổi mô hình sản xuất và đã bán ra thị trường hàng chục nghìn ô tô điện cùng với việc đầu tư hạ tầng trạm sạc khắp 63 tỉnh, thành phố. Hyundai Thành Công, TMT Motor cũng đã lắp ráp và ra mắt các mẫu ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam.
Một số doanh nghiệp quốc tế sản xuất ô tô điện như Porsche, Audi, BMW, Kia đã nhập khẩu xe ô tô điện về bán tại Việt Nam.
Đến nay, cũng đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và kinh doanh trạm sạc ô tô điện. Ngòai các hãng ô tô đã và đang xây dựng trạm sạc tại Việt Nam như: VinFast, Porsche hay Mercedes-Benz, còn có một số đơn vị đầu tư phát triển trạm sạc bên thứ ba như: EV One, EverEV, Eboost, EVN...
Xe buýt điện đã đi vào hoạt động tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với tổng đoàn phương tiện là 239 xe hoạt động trên 10 tuyến buýt đô thị, được quản lý vận hành bởi Công ty VinBus.
Taxi điện cũng đã hoạt động ở nhiều thành phố của Việt Nam với khoảng 15.143 xe, chủ yếu do Lado Taxi và Công ty GSM quản lý vận hành.
Xe máy điện trong dịch vụ vận chuyển cũng đã bắt đầu phát triển tại nhiều thành phố, với số lượng khoảng 8.000 xe do Công ty GSM quản lý vận hành. và 1.000 xe với hạ tầng hoán đổi pin do Công ty Selex Motor quản lý vận hành.
Cùng đó, chính quyền địa phương tại các tỉnh, thành phố đã nhận thức được xu thế chuyển đổi xanh và đã xây dựng một số chính sách thúc đẩy sử dụng xe ô tô điện trong giao thông vận tải công cộng tại các đô thị.
Về chính sách và định hướng chính sách chuyển đổi xanh trong GTVT đường bộ, ông Trần Ánh Dương nhận định, thị trường xe điện Việt Nam được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, dù tốc độ tăng trưởng còn chậm so với một số nước trong khu vực.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi giao thông đường bộ xanh theo lộ trình tại Quyết định 876, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất khung chính sách về hỗ trợ thúc đẩy phát triển xe điện với nhiều kiến nghị chính sách được dư luận quan tâm. Với những định hướng về khung chính sách hỗ trợ toàn diện cho xe điện, hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo Báo Giao thông  
Baidu
map