Chuyển đổi năng lượng – một phương trình hóc búa
Thứ tư, 30/08/2023 - 18:08
Khi vừa trải qua tháng nóng nhất trong lịch sử, chúng ta lại phải nhắc tới tính cấp thiết của việc giảm thải carbon gây hiệu ứng nhà kính bằng cách chuyển sang những loại năng lượng sạch hơn. Nhưng một lần nữa, mục tiêu này khó đạt được khi chính những người có trách nhiệm với nó lại không mặn mà trong hành động.
Uy quyền của lợi nhuận
Sản lượng năng lượng sạch, hay còn gọi là năng lượng tái tạo "hiện đại" (bao gồm năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt) đã tăng lên đáng kể, từ 1% tổng sản lượng năng lượng toàn cầu năm 2007 lên 7% vào năm 2021. Năm 2022, chỉ riêng gió và mặt trời đã sản xuất 12% tổng sản lượng năng lượng điện toàn cầu.
Bức biếm họa nổi tiếng với câu nói của nhà tư bản: “Chắc chắn là hành tinh này đã bị hủy diệt. Nhưng trong một thời khắc huy hoàng của lịch sử, chúng ta đã tạo ra rất nhiều giá trị cho các cổ đông của mình”.
Sự gia tăng chóng mặt của các nguồn năng lượng này xuất phát từ những tiến bộ khoa học giúp giá thành giảm. Tại những địa điểm tốt nhất ở Trung Đông, Bắc Phi hoặc Nam Mỹ, điện mặt trời từng có giá sản xuất khoảng 12 cent/ Kilowatt giờ (kWh) vào năm 2012. Đến năm 2023, giá thầu đã giảm xuống chỉ còn hơn 1 cent. Các trang trại điện gió đang phát triển ở Mỹ và Đông Nam Á hiện có chi phí khoảng 7,5 cent/ kWh, và được dự báo còn 5,3 cent vào năm 2035. Để so sánh, sản xuất điện từ khí đốt tại Mỹ hay Trung Đông hiện có giá khoảng 3-4 cent/ kWh. Còn tại châu Âu, nơi mà mỗi tấn carbon tiêu thụ bị đánh thuế 100 USD, mức giá điện khí có thể rơi vào khoảng 13-16 cent/ kWh. Mức giá rẻ đang tạo động lực cạnh tranh cho các loại hình điện tái tạo. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là phép tính cơ bản ở phần sản xuất. Bài toán năng lượng còn phức tạp hơn rất nhiều.
Thách thức đích thực đến từ chi phí đất đai và xây dựng mạng lưới. Một mỏ dầu, mỏ khí đốt, nhà máy điện than hoặc hạt nhân, có diện tích tương đối nhỏ. Những trang trại năng lượng gió, năng lượng mặt trời đòi hỏi diện tích lớn hơn nhiều và không phải ở đâu cũng phù hợp. Tính toán cho thấy tại Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, một hệ thống chủ yếu dựa vào năng lượng mặt trời có thể chiếm tới 5% tổng diện tích đất vào năm 2050. Tại Đức, chỉ khoảng 9% diện tích là khả thi về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện gió.
Gió ngoài khơi cũng không dễ tìm địa điểm. Những cột điện gió phải cạnh tranh với những khu du lịch, ngư trường, tuyến hàng hải, hay thậm chí cả những căn cứ hải quân, để có thể tiến hành xây dựng. Ở những khu vực như Biển Bắc, đông bắc Mỹ hay Singapore, diện tích bờ biển cho loại hình này gần như không còn. Một dự án điện gió lớn có tên là Cape Wind ngoài khơi Massachusetts được phê duyệt từ năm 2005, bị hủy bỏ vào năm 2017 vì lý do phá hoại cảnh quan. Những người dân địa phương, bao gồm cả những chính trị gia sống tại khu vực đó như cựu Thượng nghị sĩ Ted Kennedy, Thống đốc Mitt Romney hay đặc phái viên khí hậu của nước Mỹ hiện tại, ông John Kerry, đã lên tiếng chống lại dự án này, ở thời điểm đó.
Các nhà máy năng lượng gió, mặt trời và thủy điện thường xây dựng ở những địa điểm xa, cần đường truyền tải dài để đưa điện đến người tiêu dùng, khiến cho chi phí vận hành lên rất cao. Riêng tại Mỹ, có khoảng 2000 GW điện sạch dư thừa ngoài mạng lưới. Các nhà phát triển năng lượng tái tạo ở Anh cũng còn khoảng 176 GW chưa kết nối (con số nhiều hơn gấp đôi công suất hiện có). Bộ Năng lượng Anh cho biết, sớm nhất phải đến năm 2036, mạng lưới mới đủ để hòa sản lượng khổng lồ này vào lưới điện quốc gia. Việc xây dựng các đường dây truyền tải điện từ miền bắc nước Đức lộng gió đến miền nam công nghiệp đã bị hoãn lại do chi phí quá lớn. Một dự án có tên Xlinks, nhằm mang 3,6GW năng lượng mặt trời và gió từ Maroc đến Anh thông qua kết nối dưới biển, dự tính mất 20 tỷ USD, đến 2029 mới xong giai đoạn 1, luôn bị nghi ngờ vì khả năng giá điện bán ra sẽ cao hơn sản xuất tại chính nước Anh. Hiện tượng phổ biến là có nơi thừa điện nhưng ở những khu vực khác thì lại thiếu. Ngay tại những quốc gia giàu có nhất, đầu tư mạng lưới cho năng lượng tái tạo cũng là bài toán hóc búa.
Cân bằng mạng lưới cũng đặc biệt quan trọng, vì một đặc tính của năng lượng gió và mặt trời là tính gián đoạn. Gió không phải lúc nào cũng thổi, còn mặt trời không phải lúc nào cũng chiếu sáng. Do đó, luôn cần phương án bổ sung cho những thời điểm thiếu hụt. Sản lượng điện mặt trời thường xuyên vượt quá tổng nhu cầu vào buổi trưa ở California hay Nam Úc, nhưng lại giảm vào buổi tối, khi nhu cầu lên cao. Pin dự trữ điện đang được triển khai, nhưng ngoài giá thành cao thì cũng không loại pin nào phù hợp để lưu trữ lâu dài, ví dụ như tiết kiệm một lượng lớn năng lượng dư thừa từ mùa hè cho mùa đông tại Bắc Âu. Hiện tại, tỷ trọng năng lượng gió và mặt trời tương đối nhỏ ở hầu hết các nơi có thể được cân bằng nhờ nhiệt điện, thủy điện hoặc năng lượng hạt nhân. Nhưng, nếu phấn đấu cho mục tiêu điện gió và mặt trời chiếm 38% sản lượng điện vào năm 2030 hay thậm chí 68% vào năm 2050 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thì khoản đầu tư vào đó sẽ là quá đắt đỏ.
Một lý do quan trọng khiến các tập đoàn năng lượng lớn trì hoãn chuyển đổi: Lợi nhuận khổng lồ mà họ đang có được từ nhiên liệu hóa thạch. Chỉ riêng năm 2022, 5 tập đoàn dầu mỏ tư nhân lớn nhất thế giới đã kiếm được lợi nhuận kỷ lục, 153 tỷ USD - con số đủ sức mạnh để họ "lơ" đi trách nhiệm với 4 tỷ người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những thảm họa thiên nhiên trong năm qua.
Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến thế giới rơi vào khủng hoảng, giá dầu thô giảm mạnh, các tập đoàn dầu mỏ lớn của châu Âu đã đưa ra những cam kết chuyển hướng sang trung hòa carbon. Ông Bernard Looney, người mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tập đoàn BP khi đó, đã phát biểu: "Ngân sách carbon của thế giới đang cạn kiệt trông thấy, vì vậy chúng ta cần một sự chuyển đổi nhanh chóng hướng tới trung hòa carbon". Nhưng cũng chính doanh nhân người Irlande này đã thông báo từ bỏ mục tiêu giảm lượng khí thải carbon trên quy mô lớn vào năm 2050 của tập đoàn, hồi tháng 2/2023. Bài toán lợi nhuận đã ngáng chân những nhà tư bản.
Từ năm 2021, IEA đã khẳng định: Để thực thi được Hiệp định Paris 2015, thế giới "không nên có bất cứ dự án dầu khí mới nào", đồng thời kêu gọi các tập đoàn năng lượng thực hiện điều này. Nhưng, các đại gia dầu mỏ vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Giám đốc của Total Energies, ông Patrick Pouyanné phát biểu với báo chí hôm 18/6 rằng, thay vì đưa ra các khuyến nghị cho giới công nghiệp năng lượng, IEA nên làm tốt hơn để thuyết phục các nước thành viên giảm bớt tiêu thụ dầu. Lập luận của các nhà sản xuất dầu mỏ luôn giống nhau: "Chúng tôi đang đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường".
Những trang trại điện mặt trời khổng lồ là mơ ước của nhiều người nhưng cũng đem lại nhiều vấn đề phức tạp.
Những toan tính khác
Chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch để hướng tới "Trung hòa carbon" hay "Phát thải ròng bằng 0" là những mục tiêu cơ bản nhất mà thế giới đã thống nhất cần đạt được, để tự bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, ngoài vấn đề tài chính thì cuộc chuyển đổi này còn bị phản đối vì những tác động xã hội của nó.
Không chỉ có những người giàu có ở Cape Cod phản đối dự án điện gió làm ảnh hưởng tới những ngôi nhà bên bờ biển của họ, những công nhân khai thác than và dầu khí cũng luôn sẵn sàng chống lại bất cứ quyết định nào làm ảnh hưởng tới công ăn việc làm của mình. Là đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của EU, nhưng ông Gwede Mantashe, Bộ trưởng Năng lượng Nam Phi, một cựu thợ mỏ, từng thẳng thắn tuyên bố "không mấy mặn mà với kế hoạch này".
Là một giải pháp toàn cầu, trung hòa carbon cần tất cả cùng hành động. Song, các nước giàu sẵn sàng mua lại sản lượng carbon của các nước nghèo để bảo vệ nền công nghiệp của mình. Đồng thời, họ cũng "rình rập" trừng phạt các nước đang phát triển khi có bất cứ vi phạm nào. Phần lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến từ các nước phát triển, nhưng các nước nghèo và đang phát triển lại là các nạn nhân chính của biến đổi khí hậu. Những cuộc chuyển đổi năng lượng tốn kém khiến nhiều quốc gia đang phát triển không có đủ nguồn lực cho các vấn đề thiết yếu khác. Dư luận chung đã thống nhất: Các nước giàu sẽ phải hỗ trợ các nước nghèo về tài chính, kỹ thuật, công nghệ để có thể tiến lên. Theo tính toán, để thực hiện mục tiêu phi carbon hóa nền kinh tế, mỗi năm thế giới cần 1.300 tỷ USD. Vấn đề là, cam kết trợ giúp của các nước giàu hiện chưa tới 100 tỷ USD/năm, và nó cũng chỉ là những lời hứa.
Các quốc gia khác nhau cũng có những toan tính khác nhau về cuộc chuyển đổi. Trung Quốc sản xuất tới 95% các thành phần chính của tấm năng lượng mặt trời, 75% các bộ phận của pin và hơn một nửa vỏ tuabin gió trên toàn cầu. Dĩ nhiên, họ sẽ muốn tận dụng ưu thế độc quyền cho những mục đích nâng tầm ảnh hưởng. Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ đẩy những nhà sản xuất nước ngoài vào thế khó. Một nhóm nhỏ các nước sở hữu những khoáng sản quan trọng như đất hiếm, lithium, coban, niken... muốn tận dụng cơ hội để gây sức ép với thế giới. "Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên" - ủng hộ quyền sở hữu và chế tạo trong nước - hạn chế sự phối hợp giữa các bên. Tất cả đều xuất phát từ những tính toán riêng có lợi cho mình.
Khi Hội nghị Bộ trưởng năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhóm họp những ngày cuối tháng 7 vừa qua, không ra được tuyên bố chung về vấn đề giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, chúng ta hiểu rằng việc chờ đợi ở trách nhiệm đạo lý của những nhà lãnh đạo không bao giờ là dễ dàng.
Theo Báo Công an nhân dân