[In trang]
Bài 3: Không gian phát triển mới cho ngành điện
Thứ năm, 28/11/2024 - 08:44
Tháng 5/2023, sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, Quy hoạch Điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt, mở ra không gian phát triển mới cho ngành điện Việt Nam. Quy hoạch điện VIII nêu rõ: Điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực mới như công nghệ cao, công nghệ bán dẫn hay kinh tế xanh,… ngành điện cũng đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng điện - xương sống của nền kinh tế để đón các làn sóng đầu tư này.
Công trình nhiều kỷ lục
Sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, với mục tiêu đưa phát thải ròng về bằng 0, Chính phủ đã điều chỉnh quan điểm phát triển hệ thống điện trong Quy hoạch điện VII sang phương án chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ hơn tại Quy hoạch điện VIII.
Điểm khác biệt cơ bản của 2 quy hoạch này là tỷ trọng cơ cấu nguồn điện có sự thay đổi đáng kể, trong đó Quy hoạch điện VIII đẩy mạnh phát triển giải pháp xanh với nỗ lực hoàn thành các thỏa thuận trong “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) đã ký trong năm 2022.
Dự án Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) được thi công hoàn thành thần tốc trong thời gian kỷ lục.
Nhằm hiện thực mục tiêu, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm); giai đoạn 2030-2050 khoảng 34,8-38,6 tỷ USD (trung bình 1,7-1,9 tỷ USD/năm). Trong đó, đáng chú ý là dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch-Phố Nối) gồm 4 dự án thành phần: Quảng Trạch-Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu-Thanh Hóa; Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I-Thanh Hóa và Nam Định I-Phố Nối. Cũng theo Quy hoạch điện VIII, dự kiến dự án sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành trong giai đoạn 2025-2026. Tuy nhiên, để tăng cung ứng, giảm thiếu điện cho miền bắc, Thủ tướng đã yêu cầu phải gấp rút hoàn tất dự án này.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 520 km, đi qua 9 tỉnh với quy mô 1.177 vị trí cột; tổng mức đầu tư khoảng 22.300 tỷ đồng.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 520 km, đi qua 9 tỉnh với quy mô 1.177 vị trí cột; tổng mức đầu tư khoảng 22.300 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm triển khai một số dự án đường dây 500 kV mạch 3 trước đây như Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông (437 km) hoàn thành sau 3 năm, Vũng Áng-Quảng Trạch-Dốc Sỏi-Pleiku (740 km) hoàn thành sau 4 năm, ước tính đường dây 500 kV Quảng Trạch-Phố Nối phải mất ít nhất 2-3 năm mới hoàn thành.
Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc chủ động và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, ngành điện đã lập nên “kỳ tích” khi thi công thần tốc một công trình phức tạp trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục, chỉ hơn 7 tháng kể từ khi khởi công.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngành điện đã huy động một đội ngũ kỹ sư, công nhân hùng hậu tham gia thi công, hỗ trợ nhà thầu. Cao điểm trên công trường toàn tuyến, có tới 15.000 lao động của cả nhà thầu, cán bộ, công nhân từ các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Viettel, PVN, VNPT,… tham gia thi công/hỗ trợ dựng cột và kéo dây. Hàng nghìn công nhân ngành điện cả nước viết đơn “xin ra trận”, bày tỏ mong muốn được chung tay góp sức để công trình sớm hoàn thành, coi đó là “mệnh lệnh trái tim”.
Cùng gần 1.180 km của hai đường dây 500 kV mạch 3 đã hoàn thành trước đó, đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối đã liên kết hoàn chỉnh đường dây 500 kV mạch 3 từ bắc vào nam, nâng cao năng lực kết nối lưới điện truyền tải liên miền bắc-trung-nam cũng như tăng cung ứng điện qua hệ thống 500 kV từ miền trung ra miền bắc khoảng 2.500 MW.
Điều này đặc biệt quan trọng cho việc bù đắp thiếu hụt điện cục bộ, bảo đảm cấp điện, an ninh năng lượng cho miền bắc những năm tới. Có thể khẳng định, việc hoàn thành toàn bộ dự án là một kỳ tích, tạo dấu ấn đổi mới từ tinh thần của ngành điện Việt Nam. Kết quả đó là minh chứng rõ nét cho bản lĩnh, quyết tâm và sự đoàn kết đồng lòng của người Việt Nam.
Cùng gần 1.180 km của hai đường dây 500 kV mạch 3 đã hoàn thành trước đó, đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối đã liên kết hoàn chỉnh đường dây 500 kV mạch 3 từ bắc vào nam, nâng cao năng lực kết nối lưới điện truyền tải liên miền bắc-trung-nam cũng như tăng cung ứng điện qua hệ thống 500 kV từ miền trung ra miền bắc khoảng 2.500 MW.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” về nguồn
Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa nằm trên tuyến Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quảng Bình.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện trong nước liên tục tăng trưởng, tốc độ bình quân 10%/năm, để bảo đảm đủ điện phát triển kinh tế-xã hội, ngành điện đã hình thành các cơ sở hạ tầng điện lực mới, từng bước hiện đại hóa hệ thống lưới điện các cấp điện áp, đồng thời bổ sung, xây dựng mới nhiều đường dây truyền tải quan trọng liên kết vùng, miền. Với việc hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, đến nay, tổng chiều dài các đường dây truyền tải cấp điện áp từ 220 kV trở lên đã đạt hơn 133.000 km, tăng gần 2,5 lần so với ngày đầu thành lập.
Hệ thống điện lưới quốc gia đã vươn tới tất cả các địa phương trên cả nước cũng như kết nối lưới điện truyền tải của các nước trong khu vực với công nghệ ngày càng hiện đại.
Từ năm 2011 đến nay, tổng công suất các nguồn điện đã tăng thêm khoảng 50.000 MW, tốc độ tăng trưởng đạt hơn 10%/năm, đưa tổng công suất đặt toàn hệ thống hiện đạt 80.000 MW, cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại toàn quốc. Việt Nam cũng vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN về tổng công suất đặt của hệ thống điện.
Theo Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 sẽ cần khoảng 146.000 MW nhằm đáp ứng đủ nhu cầu công suất phụ tải cực đại dự báo là 93.300 MW, có mức dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền. Đây là nhiệm vụ đầy thách thức trong bối cảnh nước ta cần cắt giảm mạnh công suất điện than nhằm đáp ứng cam kết giảm phát thải CO2 và tiến tới trung hòa các-bon vào năm 2050.
Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Bùi Quốc Hùng cho biết: Hiện nay, điện khí là phù hợp nhất cho khả năng chạy nền thay thế cho điện than trong quá trình chuyển tiếp để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có (đối với các dự án sử dụng khí trong nước), điện khí còn có khả năng chạy nền, linh hoạt trong vận hành, tăng/giảm phụ tải nhanh hơn điện than. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc bù công suất thiếu hụt khi các nguồn điện năng lượng tái tạo không thể vận hành hoặc giảm tải do ảnh hưởng thời tiết. Bên cạnh đó, lượng phát thải của điện khí cũng chỉ bằng khoảng 50% so điện than.
Tuy nhiên, Việt Nam đang phụ thuộc 100% vào nguồn khí LNG nhập khẩu trong khi thị trường khí lại có nhiều biến động khó lường, do các yếu tố địa chính trị trên thế giới. Điều này khiến Việt Nam khó chủ động về nguồn cung, đồng thời biến động của giá nhập khẩu cũng là thách thức không nhỏ cho giá điện trong nước.
Nếu không có cơ chế về hợp đồng bao tiêu sản lượng điện tối thiểu dài hạn để phục vụ ký hợp đồng mua bán khí dài hạn thì giá thành sản xuất điện khí LNG sẽ ở mức rất cao. Do đó, trong thời gian tới, để bảo đảm giá điện không tác động nhiều đến sản xuất và sinh hoạt, Việt Nam cần xây dựng, triển khai các giải pháp, cơ chế, tháo gỡ rào cản về chính sách, giúp các dự án điện khí triển khai thuận lợi; xây dựng cơ chế giá điện khí phù hợp với giá bán lẻ điện.
Song song với điện khí, Việt Nam cần tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo theo cam kết về chuyển đổi năng lượng với thế giới. Thực tế hiện nay, nhờ tiến bộ công nghệ, chi phí đầu tư cho các dự án điện năng lượng tái tạo đã rẻ hơn nhiều so với trước đây, là cơ hội để Việt Nam tiếp tục tăng tỷ lệ điện mặt trời hoặc điện gió trong hệ thống. Nhưng do sự phát triển “nóng” của các dự án điện mặt trời thời gian qua, Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 sẽ không phát triển thêm dự án điện mặt trời tập trung.
Riêng với điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi có tiềm năng rất lớn, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam cần huy động công suất 6.000 MW điện gió ngoài khơi nhưng hiện vẫn chưa có dự án nào được triển khai trong khi để một dự án đi vào vận hành thường phải mất 7-8 năm.
Vì vậy, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển điện gió, bao gồm cả chính sách về giá điện cho phù hợp nhằm khuyến khích, huy động được nguồn lực đầu tư cho loại hình năng lượng này.
Ngoài ra, nhiều quốc gia trên thế giới đều lựa chọn phát triển điện hạt nhân để bảo đảm nhịp độ phát triển kinh tế. Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm tới, đánh dấu sự hồi sinh của công nghệ điện hạt nhân và giúp thúc đẩy nỗ lực cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Phó Cục trưởng Bùi Quốc Hùng cũng nhận định, điện hạt nhân là nguồn chạy nền ổn định với chi phí sản xuất điện hợp lý.
Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu cho điện hạt nhân rất lớn, vì vậy cần cân nhắc kỹ bài toán tài chính khi đầu tư; khoa học-công nghệ và nguồn nhân lực vận hành cũng là những yếu tố cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Liên quan việc tái khởi động dự án điện hạt nhân, tại phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Do đó, về lâu dài, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi.
Ngày 25/11, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cho ý kiến về Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ và phát triển bền vững đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới; trước mắt tiếp tục nghiên cứu Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; khẩn trương thực hiện các giải pháp để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
 Theo Báo Nhân dân 
Baidu
map