[In trang]
Biến đổi khí hậu - Thách thức các quốc gia phải thích nghi và chung sống
Chủ nhật, 14/05/2023 - 16:35
Truyền thông quốc tế đã bắt đầu nhắc tới hiện tượng El Nino trở lại vào năm 2023 hoặc 2024, sau 2 năm Trái Đất trải qua hình thái thời tiết La Nina.
Những ngày này có cảm giác như tiết trời thu mát mẻ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, sớm thôi, nắng nóng sẽ quay trở lại với miền Bắc. Từ chiếc "áo nàng Bân", người dân miền Bắc sẽ sớm quay lại với áo chống nắng. Và tại các tỉnh phía Nam, thậm chí tình hình nắng nóng khô hạn còn khiến hồ thủy điện Trị An tiệm cận mực nước chết.
Tuần sau dự báo là lại có những chuỗi ngày mà nhiệt độ ngoài trời có thể "rán chín trứng". Và đây không phải câu chuyện của riêng Việt Nam hay kể cả của châu Á. Truyền thông quốc tế đã bắt đầu nhắc tới hiện tượng El Nino trở lại vào năm 2023 hoặc 2024, sau 2 năm Trái Đất trải qua hình thái thời tiết La Nina.
El Nino sẽ tác động tới hàng loạt các quốc gia từ Á sang Âu, có thể khiến thế giới trải qua những đợt nắng nóng khô hạn, sóng nhiệt khắc nghiệt hơn và những trận bão lũ dữ dội hơn.
Cảnh báo về hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino có thể sẽ quay lại trong năm nay
Trước mắt, nhiều chuyên gia khí tượng quốc tế dự báo, nếu hiện tượng El Nino hoạt động cực mạnh trong năm nay thì mùa hè này, chúng ta sẽ chứng kiến mức nhiệt nóng nhất trong lịch sử. Thậm chí sẽ nóng hơn cả năm 2016 - vốn là năm nóng nhất thế giới từng ghi nhận.
Với mức tăng của nhiệt độ thời tiết toàn cầu từ năm 1980 tới nay, có thể thấy, Trái Đất đang càng ngày càng nóng bức. Và có vẻ như xu thế này không thể đảo ngược. Vậy thời tiết nắng nóng khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống của người dân các quốc gia?
Sự trở lại của El Nino
Cách đây vài tuần đã có người chiên thử trứng bằng nhiệt độ nóng kinh hoàng ngoài trời. Cụ thể, một người đàn ông ở Tây Bengal, Ấn Độ đã thử đập trứng vào chiếc chảo gang dưới cái nóng hơn 40 độ C của mùa hè tại đây.

Một người Ấn Độ đã thử chiên trứng bằng sức nóng của mùa hè (Ảnh: Puchu Babu)
Tài khoản Facebook của anh này mang tên Puchu Babu đã chia sẻ đoạn video và nhanh chóng gây sốt trên mạng. Trong video, quả trứng sống sau vài giây đã chín vàng chỉ nhờ ánh mặt trời thiêu đốt.
Rõ ràng là nhiệt độ ngoài trời nóng tới mức này có thể gây hại cho sức khoẻ con người và vật nuôi, cây trồng. Nhiều người sẽ cho rằng: "Mùa hè thì phải nóng chứ". Nhưng gần đây, các chuyên gia khí tượng đã cảnh báo về hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino có thể sẽ quay lại trong năm nay.
Ông Wilfran Moufouma Okia - Trưởng phòng Dịch vụ dự báo khí hậu khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) - cho rằng: "Từ tháng 5 đến tháng 7, khả năng El Nino quay trở lại sẽ là 60%. Khả năng này sẽ tăng lên 70% nếu chúng ta nhìn vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 và thậm chí là 80% ở giai đoạn sau tháng 8. Nhưng tất nhiên, ngoài ra chúng ta không thể nói nhiều. Hiện tượng này sẽ thay đổi mô hình thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới".

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas (Ảnh: AP)
Ông Petteri Taalas - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) - cho biết: "Hiện tượng El Nino quay trở lại sau nhiều năm có thể sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến, thậm chí phá kỷ lục nắng nóng".
Mưu sinh ngoài đường phố trong mùa hè khắc nghiệt
Người dân Thái Lan trong vài tuần qua đã phải hứng chịu cái nắng như thiêu đốt khi mức nhiệt ngoài trời có ngày ghi nhận ở mức 54 độ C, mức cao nhất từ trước đến nay.
Anh Paitoon Thongdeekioew - tài xế xe ôm tại Bangkok - chia sẻ: "Có cảm giác năm nay nóng hơn mọi năm. Nhưng nóng thì biết làm sao đây? Trời đã nắng, đoạn đường này lượng xe nhiều nên càng cảm thấy ngột ngạt hơn".
Với mức nhiệt này, những người lao động ngoài trời đều cảm thấy quá khắc nghiệt. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ chẳng có lựa chọn nào khác.

Người dân lái xe dưới cái nóng 45,5 độ C tại Bangkok, Thái Lan ngày 21/4/2023 (Ảnh: Reuters)
Bà Amporn Supasert - người bán gà nướng tại Bangkok - cho biết: "Tôi đã uống rất nhiều nước lạnh. Thỉnh thoảng, tôi cũng sang cửa hàng tiện lợi gần đây để để tránh nóng. Ở đó có điều hòa, cũng đỡ mệt một chút".
Chị Supiria Khuntthohong - lao công lại Bangkok - cho rằng: "Năm nay nóng hơn mọi năm khiến công việc của tôi vất vả hơn. Tôi có cảm giác có thể ngất bất cứ lúc nào vì đồng phục dày cộm trong thời tiết này, nhất là khi phải quét một đoạn đường khá dài".
Còn tại Ấn Độ, những xe bán nước ven đường là địa điểm ưu thích để người dân giải nhiệt khi phải ra ngoài trong thời tiết oi nóng này. Người dân được khuyến cáo tránh các hoạt động ngoài trời và tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như uống nước lạnh ngay sau khi tập thể dục hay đi ngoài trời nắng về, mặc quần áo nhẹ, rộng rãi và thấm hút mồ hôi tốt.
Ông Chandigarh Manmohan Singh chia sẻ: "Không nên bước ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 13 - 15 giờ chiều. Nếu cần thiết phải ra ngoài, mọi người phải mang theo ô hoặc đội mũ, tránh ánh nắng trực tiếp. Những người làm việc ở ngoài trời như nông dân cũng nên mặc đồ che nắng".
Những đợt nắng nóng ở Ấn Độ thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 nhưng trong những năm gần đây, những đợt nắng nóng này trở nên khắc nghiệt hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Tình trạng nóng cả ngày lẫn đêm được dự đoán sẽ tăng gấp 2 - 4 lần vào khoảng năm 2050.
Châu Âu chịu thiệt hại nặng nề ở nhiều ngành sản xuất do nắng nóng
Châu Âu, lục địa vốn luôn được biết đến với khí hậu ôn hoà, dịu mát, trong những năm gần đây cũng bắt đầu trải qua những mùa hè nóng bất thường.
Tại châu Âu, nắng nóng gây thiệt hại nặng nề, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Nắng nóng ảnh hưởng tới sức khoẻ gia súc và cây trồng, mùa vụ đảo lộn, nho chín sớm hơn, một số loại cây ưa lạnh mất mùa.
Nhiệt độ tăng cao bất thường cũng làm ngành du lịch thất thu. Người dân châu Âu vốn quen với khí hậu ôn đới mát mẻ thấy khó mà quen được với nắng nóng gay gắt, đặc biệt là khi nhà cửa được xây phù hợp chịu lạnh hơn là chống nắng. Trong những đợt nắng nóng, một số công việc ngoài trời đã phải tạm dừng, các công trường được khuyến cáo thực hiện các công đoạn ngoài trời vào mùa đông.
Người dân châu Âu học cách chống nắng của các nước nhiệt đới. Dễ nhận thấy nhất là mùa hè vừa rồi đã thấy nhiều người châu Âu dùng quạt giấy gấp, giống như tại Việt Nam.
Ở châu Âu ít sử dụng điều hòa không khí vì mọi người ý thức được tác hại của điều hoà đối với túi tiền của mình - dùng điều hoà rất tốn tiền điện và ý thức được tác hại của điều hoà đối với môi trường - tốn năng lượng cũng đồng nghĩa với tăng khí thải và hơi nóng điều hoà làm thành phố thêm bức bối.

Một người đàn ông giải nhiệt trong thời tiết nóng bức tại đài phun nước ở London, Anh (Ảnh: Reuters)
Biện pháp được ưa chuộng nhất ở châu Âu là trồng thêm cây và phủ cỏ ở mọi nơi có thể. Nhiều sáng kiến đã được áp dụng, biến các quảng trường thành mặt nước nông giải nhiệt cho thành phố như ở Marseille; khuyến khích công trình nghệ thuật ngoài trời tạo bóng râm như tại Bordeaux; thiết kế toà nhà tính tới công năng che nắng như tại Tây Ban Nha; thậm chí căng bạt trên các con phố du lịch ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, ưu tiên số một vẫn là trồng cây.
Những cách tránh nóng hiệu quả
Một số các giúp tránh nóng hiệu quả được các chuyên gia gợi ý:
- Tắt bớt bóng đèn điện, rút phích cắm những thiết bị không sử dụng đến.
- Kéo rèm cửa kín để che ánh nắng chiếu trực tiếp vào nhà sẽ khiến không khí trong nhà mát hơn.
- Cài đặt tủ lạnh ở mức làm lạnh 38 độ F, tức là khoảng 3,5 độ C. Tủ lạnh là thiết bị tốn điện nhất bởi nó hoạt động 24/7. Tốt nhất nên để tủ lạnh trong khoảng từ 0 - 5 độ C tùy vào lượng thực phẩm.
- Đừng chặn đồ đạc như tủ sách hay ghế sofa ở các lỗ thông gió bởi nó sẽ giảm khả năng tản nhiệt.
- Hãy tận dụng các loại quạt, từ quạt giấy, quạt điện cây đến quạt cầm tay. Chúng giúp tiết kiệm điện hơn so với bật điều hòa trong nhiều giờ. Không những thế, việc vào phòng điều hòa ngay khi vừa ngoài trời nắng về cũng dễ ốm hơn so với hạ nhiêt cơ thể bằng quạt.
Các quốc gia chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu
Thời tiết cực đoan gây ra nắng nóng khô hạn ở châu Âu, đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra mưa lớn, lũ lụt tại Pakistan. Còn tại biển Nam Cực, mực nước đã hạ xuống mức thấp kỉ lục vào tháng 2 vừa rồi.
Bà Samantha Burgess - Phó Giám đốc tại Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu (ECMWF) - cho rằng: "Những đám cháy rừng đã liên tiếp diễn ra tại nhiều quốc gia, thải ra một lượng khí thải Carbon khổng lồ. Mùa cháy rừng đến sớm hơn, những đám cháy lan rộng hơn, và kéo dài hơn. Tại dãy núi Alps, chúng ta cũng chứng kiến băng tan với tốc độ kỷ lục. Vì vậy, biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai mà là vấn đề hiện tại, hoặc nói đúng hơn là thách thức hiện tại mà tất cả chúng ta cần phải thích nghi và chung sống".
Một khảo sát của Bloomberg thực hiện cuối năm ngoái cho thấy, người dân nhiều quốc gia đang coi những thảm hoạ do biến đổi khí hậu nghiêm trọng và đáng quan tâm không khác gì khủng hoảng tài chính.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guttieres mới đây đã kêu gọi các quốc gia G20 phải đẩy nhanh thời gian đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2040.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guttieres (Ảnh: AP)
Ông Guterres cũng kêu gọi các quốc gia chấm dứt mọi nguồn tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, đảm bảo sản xuất điện hoàn toàn vào năm 2035 ở các nước phát triển và năm 2040 ở các nước còn lại. Mặc dầu vậy, để ngăn chặn được biến đổi khí hậu cũng sẽ mất vài chục năm.
Ông Petteri Taalas - Tổng thư ký Tổ chức khí tượng thế giới WMO - nhận định: "Chúng ta có quá nhiều khí CO2 trong bầu khí quyển nên để giảm bớt được biến đổi khí hậu chắc phải mất tới năm 2060".
Đối với những công dân của các quốc gia, khảo sát của Bloomberg cũng cho thấy, họ đã ý thức hơn về việc tái chế, tái sử dụng cũng như ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tất cả đều xuất phát từ trăn trở: "Chúng ta sẽ để lại một Trái Đất như thế nào cho thế hệ con, cháu sau này".
Theo VTV
Baidu
map