Sau 3 năm ảnh hưởng của La Nina gây mưa lũ lớn, ENSO (chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina) hiện đang chuyển sang trạng thái trung tính. Dự báo hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70 - 80%. Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở nhiều nơi trên cả nước, với mức phổ biến từ 25 - 50%.
Một đoạn sông tại Sơn La bị trơ đáy, nứt nẻ (Ảnh Vân Anh)Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa 4 tháng đầu năm 2023 trên cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó phía Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 50%.
Tổng lượng mưa trong tháng 4/2023 phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 30 - 60%, một số nơi ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn từ 70 - 100%.
Đáng chú ý, do thiếu hụt lượng mưa nên nguồn nước đến các hồ chứa phổ biến thấp hơn so với trung bình 5 năm gần đây (2018 - 2022) từ 15 - 40%.
Theo ông Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo khả năng thiếu hụt nguồn nước ở hầu hết các khu vực trên cả nước trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023. Đặc biệt, đối với các hồ chứa lớn trên bậc thang thủy điện sông Đà do nguồn nước trong và ngoài lãnh thổ có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến cấp nước hạ du và an ninh năng lượng.
Ngày 8/6, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) xác nhận, hình thái khí hậu El Nino đã chính thức quay lại. Dù mới công bố chính thức, tuy nhiên, trước đó, tại Việt Nam vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra những cảnh báo về thiếu nước mưa về các hồ chứa phía Tây Bắc của Việt Nam, nơi có các nhà máy thủy điện lớn nhất cung cấp một tỷ trọng điện lớn cho miền Bắc.
Thực tế cho thấy, những ngày vừa qua các hồ chứa cạn nước không thể phát điện. Dự báo, El Nino sẽ có thể kéo dài tới đầu mùa hè năm 2024. Sự biến đổi khí hậu, trong đó, hạn hán được coi là một hiện tượng thiên tai gây thiệt hại lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường.
Ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Chỉ thị nêu rõ, xét bối cảnh nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều thách thức do tình trạng thủy văn đảm bảo mức phát điện của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu. Sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu. Nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn còn hạn chế. Nhiệt điện gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư.
Trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân khoảng 8,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được xem là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, cả nước phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Đồng thời yêu cầu, thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình; thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất; triển khai chương trình khuyến khích điện mặt trời.
Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - nhận định, sau thời gian Covid-19 và đang quay lại giai đoạn hồi phục, nhu cầu sử dụng điện của tất cả các ngành đều tăng lên. Mặt khác, giai đoạn vừa qua, các địa phương khu vực phía Bắc đã rất nỗ lực trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư, lượng đầu tư vào khu vực này tăng mạnh, và dẫn đến câu chuyện làm tăng đột biết nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp, gây sự mất cân đối giữa cung và cầu.
Do đó, trong ngắn hạn cần có những biện pháp mạnh mẽ, có những chỉ đạo và các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả không chỉ 2% mà cần cao hơn nữa. Bên cạnh đó, cần có những sự áp đặt nhất định trong tiết kiệm điện, đặc biệt đối với khối các cơ quan, đơn vị trực thuộc nhà nước. “Theo nhiều nghiên cứu, các cơ quan công sở, đây khu vực tổn thất điện năng khá cao và sử dụng năng lượng chưa được tốt”, ông Hà Đăng Sơn chia sẻ.
Tác động của việc thiếu điện trong thời gian gần đây gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và người dân là điều dễ dàng nhận thấy. Giải quyết vấn đề này, không chỉ có trách nhiệm của ngành điện mà còn cần cả sự chủ động, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Chung tay tiết kiệm điện, tiết kiệm nước cần phải trở thành một thói quen, trong mọi lúc, mọi nơi. Nhất là trong tình hình khó khăn về điện, lại đúng mùa nắng nóng, tiết kiệm điện giúp phụ tải điện sẽ bớt căng thẳng, giảm số giờ phải cắt điện và sớm vượt qua cảnh thiếu điện.
Theo Báo Công Thương