Nhiều thôn làng thực hiện mô hình sắp xếp dân cư ở vùng biên Tây Giang đã đổi thay nhờ có điện. Ảnh: Tiêu Dao Điện về với vùng biên
Huyện Tây Giang là địa phương với đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới. Từ hơn 10 năm trở về trước, vùng đất biên giới này với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu luôn bị cái đói, cái nghèo, là nơi hiện thân của chốn rừng thiêng nước độc, của những tập tục lạc hậu. Đến nay, Tây Giang cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung với 115 điểm dân cư/63 thôn, với tổng diện tích 370,5ha, bố trí nơi ở ổn định cho 4.690 hộ/19.000 khẩu (tỷ lệ đạt hơn 90% tổng số hộ trong toàn huyện). Mô hình sắp xếp dân cư tập trung gắn với phát triển sản xuất, kinh tế dược liệu dưới tán rừng đang đem lại nhiều dấu ấn. Trong đó, đóng góp không nhỏ là nhờ “cái điện đi trước” như cách những người làm công tác dân tộc ở miền biên viễn này chia sẻ.
Trước đây, ngay cả trung tâm hành chính của các xã, việc in ấn văn bản, gửi/nhận email rất khó khăn, muốn photo tài liệu cũng phải chạy về trung tâm huyện cách xa hơn 40 cây số. Nhiều xã có trang bị máy nổ, nhưng tốn kém nhiên liệu nên mỗi ngày chỉ nổ máy phát điện 1-2 giờ. Ngay cả hệ thống truyền thanh cũng rất khó hoạt động khiến việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước rất khó khăn. Không chỉ thế, thiếu điện cũng khiến việc dạy và học của thầy trò nhiều trường học vất vả trăm bề. Việc soạn và giảng bài bằng giáo án điện tử không thể triển khai được. Thiếu điện, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy gặp khó, bộ môn tin học, các em chỉ được học chay lý thuyết vì không có máy tính, không có điện để thực hành. Với người dân, không có điện chỉ biết thắp đèn dầu, nhóm hộ nào có điều kiện thì chung tiền mua tua bin, kéo đường dây về tận nhà rất tốn kém.
Nhiều thôn làng vô cùng khó khăn sau khi được chính quyền địa phương thực hiện chính sách sắp xếp dân cư tập trung, phải sống chung với cảnh “khát điện”. Những ngôi nhà nằm lưng chừng núi quanh năm bao trùm trong bóng tối. Do chưa có điện sinh hoạt, nên mọi công việc chủ yếu được làm tranh thủ vào ban ngày, ban đêm phải dùng đèn dầu hoặc đèn pin thắp sáng. Cuộc sống của các hộ dân nơi đây gặp nhiều trở ngại do không được tiếp cận thông tin liên lạc, không được xem ti vi, không có phương tiện để phục vụ sản xuất. Thiếu điện dẫn tới hàng loạt thiếu thốn khác.
Gần 40 tuổi mới được hưởng niềm vui được sử dụng điện lưới, chị C’Lâu Thị Hóa (người dân thôn Zlao) hào hứng chia sẻ: “Kể từ khi có điện lưới quốc gia, bà con chúng tôi đã học được nhiều phương pháp trồng trọt, chăn nuôi và sử dụng máy móc vào sản xuất thông qua tivi, điện thoại”. Chị Pơ Loong Thị Hà, người dân thôn A Banh (xã A Xan) cho biết: “Từ ngày có đường ô tô và điện lưới quốc gia về tới thôn, bản đã làm thay đổi hẳn diện mạo vùng biên giới xa xôi này. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu hòa mình vào đời sống văn hóa mới, sản xuất làm ăn kinh tế thị trường. Nhờ nguồn điện ổn định mà trong những năm qua, việc học theo cách làm kinh tế của gia đình tôi cũng như các hộ dân khác đều thuận lợi, phát triển kinh tế cũng được cải thiện rất nhiều”.
Sáng lên vùng biên viễn
Cùng với nhiều công trình, hạng mục thiết yếu đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, nguồn lực được ngành điện triển khai thời gian qua đã tạo động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương. Năm 2018, Công ty Điện lực Quảng Nam (Tổng công ty Điện lực miền Trung) đã tổ chức đóng điện xung kích công trình cấp điện cho xã Ch'Ơm (huyện Tây Giang). Đây là xã cuối cùng chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Dự án đưa điện quốc gia lên xã miền núi Ch’Ơm được hoàn thành, không chỉ nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân biên giới, mà còn góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn. Và hiệu quả của dự án không chỉ cấp điện cho xã Ch’Ơm, mà còn hoàn thiện kết lưới các xã A Xan, Tr’Hy, Gari để cấp điện lưới quốc gia đến tất cả các xã biên giới của huyện Tây Giang.
Ngành điện đã nỗ lực để cấp điện lưới quốc gia đến tất cả các xã biên giới của huyện Tây Giang. Ảnh: Tiêu DaoBây giờ, các thôn làng biên giới Tây Giang có điện cũng đã hình thành những điểm sáng văn hóa hay những thị tứ với nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, buôn bán, khách sạn, nhà nghỉ... Các xã nông thôn mới của Tây Giang như Anông, Lăng, Tr’Hy, A Xan... đã hình thành lên các khu dân cư kiểu mẫu, khang trang, sạch, đẹp, sáng bừng ánh điện mỗi đêm. Ông A Mư, trưởng thôn A Banh cho biết: "Trước đây điện rất yếu, thắp sáng thường chập chờn, không thể bơm nước để tưới lúa. Sau khi lưới điện mới được đầu tư, người dân ở đây rất ít khi bị cúp điện, bơm nước không chỉ dùng trong sinh hoạt gia đình, mà còn phục vụ tưới cây trồng. Đến nay, điện dùng ổn định hơn nhiều so với trước, người dân ở đây rất phấn khởi”.
Bây giờ, đứng trên những đỉnh dốc phóng tầm mắt nhìn về phía xa xa, những hàng cột điện mới toanh, vững chãi băng qua núi cao, vực sâu đưa điện từ nhà máy về các thôn làng, như sợi chỉ xanh nối liền sự phát triển với vùng biên xa xôi. Bởi có điện, người dân có thể nghe radio, xem tivi, tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua thông tin hằng ngày; trẻ em học bài dưới ánh đèn điện, được tiếp xúc với các dụng cụ học đường tiên tiến; cán bộ xã dùng máy vi tính thay cho cái máy chữ cũ kỹ.
Điều mà ai cũng tin tưởng rằng “cái điện” sẽ đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Cứ mỗi đêm về, tiếng trẻ con ê a học bài, người già xem phim, nghe thời sự, khiến cả một vùng rừng núi như ấm áp hơn. Trong những ngôi nhà mới, những chiếc chảo bắt sóng vệ tinh để xem ti vi cũng được đưa đến. Già làng Pơloong Điền phấn khởi: “Có điện, dân làng vui lắm, vui hơn được mùa nữa. Chúng tôi có điều kiện ứng dụng điện vào sản xuất, cuộc sống chắc chắn sẽ thay đổi thôi!”.
Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết: “Tây Giang bây giờ không chỉ có đường giao thông ô tô vào đến thôn, bản, vào từng khu sản xuất, mà điện lưới quốc gia đã về tới từng thôn bản, để từng địa phương xây dựng được những “thôn bản kiểu mẫu”, xã nông thôn mới. Ngày ngày, người dân tiếp cận cách thức làm ăn mới, chạy xe máy vù vù đi làm nương rẫy. Hàng hóa nông lâm sản được mang xuống đồng bằng tiêu thụ. Người dân Tây Giang còn hộ nghèo, nhưng không còn cảnh đói ăn, lạt muối như hơn 10 năm về trước”.
Theo Báo Biên Phòng