Anh Ngô Đức Tuấn cùng các đồng nghiệp đo đạc, phân tích thông số vận hành.Trong đó nổi bật nhất phải kể đến là năm 2021 anh được UBND tỉnh Quảng Ninh vinh danh là Công nhân tiên tiến tiêu biểu năm và Liên đoàn lao đông tỉnh Quảng Ninh khen thưởng đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”.
Anh Ngô Đức Tuấn sinh năm 1988, tốt nghiệp chính quy trường Đại học Bách khoa. Về công tác tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, anh được phân công tham gia Tổ thí nghiệm hiệu chỉnh của Nhà máy.
Thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị công nghệ trong nhà máy nhiệt điện là công việc vô cùng quan trọng, giúp các nhà máy đánh giá, kiểm soát các hệ thống thiết bị trước khi đưa vào vận hành nhằm các mục đích sau: Hòa lưới điện quốc gia an toàn đúng tiến độ, nâng cao hiệu suất và các hệ thống thiết bị của tổ máy vận hành an toàn-chất lượng-hiệu quả; cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật; tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản xuất điện; giảm thiểu sự cố trong quá trình vận hành…
Tổ hiệu chỉnh Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh hiện nay có 3 người, do một đồng chí phó quản đốc phân xưởng trực tiếp phụ trách. Với số lượng nhân sự hạn chế, song các thành viên trong tổ phải đảm nhận khối lượng công việc khá nặng nề, trong đó anh Tuấn là người giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn của tổ. Hàng ngày, anh Tuấn cùng các anh em trong tổ bám sát thiết bị để theo dõi các thông số vận hành, khiếm khuyết, tình hình sửa chữa các khiếm khuyết có ảnh hưởng đến sự vận hành liên tục, kinh tế, an toàn của tổ máy; theo dõi, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của lò hơi, tuabin.
Cùng với đó, các anh phải thực hiện các thí nghiệm hiệu chỉnh xác định chế độ cháy, qua đó thay đổi chế độ cháy phù hợp với từng loại nhiên liệu đầu vào khác nhau; phối hợp cùng các đơn vị thí nghiệm - hiệu chỉnh ngoài công ty thực hiện đo đạc, hiệu chỉnh thông số vận hành của tổ máy…
Anh Ngô Đức Tuấn nghiên cứu tài liệu nâng cao chuyên môn. Công việc phức tạp và có tính trách nhiệm cao, liên quan trực tiếp đến chế độ và hiệu suất vận hành của từng tổ máy, song anh Ngô Đức Tuấn và các anh em trong Tổ hiệu chỉnh còn gặp vô vàn khó khăn.
Thứ nhất là hiện nay thí nghiệm - hiệu chỉnh là chuyên ngành hẹp, hệ thống tài liệu tham khảo của nước ta, đặc biệt tài liệu về tua-bin, lò hơi và máy phát của nhà máy nhiệt điện còn rất hạn chế, chủ yếu là tài liệu do một số Trung tâm thí nghiệm điện biên soạn. Thứ hai, công nghệ thiết kế của Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh như các thiết bị vòi đốt, van gió, máy nghiền có đặc thù riêng, không tương đồng với các nhà máy nhiệt điện khác trong ngành nên việc tham khảo, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm lại càng hạn chế. Cùng với đó, thiết kế ban đầu lò hơi của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là dành cho than antraxit có chất bốc thấp, trong khi hiện nay theo điều kiện nguồn nhiên liệu từ các nhà cung cấp, Nhà máy đang phải sử dụng chủ yếu là các loại than pha trộn có chất bốc thay đổi ngoài dải thiết kế, nên việc theo dõi, điều chỉnh chế độ cháy của lò cần phải hết sức linh hoạt và sát sao.
Khắc phục khó khăn, để tự nâng cao kiến thức chuyên ngành phục vụ công việc, anh Tuấn đã tìm tòi và nghiên cứu thêm các tài liệu về thí nghiệm - hiệu chỉnh của nước ngoài như các cuốn Steam turbines hay Fired Steam Generators của Nhà xuất bản The American Society Of Mechanical Engineers – Mỹ. Đồng thời anh cũng tham gia các diễn đàn khoa học quốc tế như ScienceDirect là nền tảng trực tuyến mà có thể tiếp cận gần 2.500 tạp chí khoa học và hơn 26.000 sách điện tử trong đó có khoa học và kỹ thuật.
Với sự say mê nghiên cứu và miệt mài, những năm qua, anh Tuấn đã thực hiện rất nhiều sáng kiến có giá trị, mang lại hiệu quả cao cho đơn vị. Tiêu biểu như năm 2021 anh cùng với tổ trưởng và các nhân viên Tổ thí nghiệm hiệu chỉnh đã tìm ra các nguyên nhân làm tăng suất tiêu hao nhiệt tổ máy, đưa ra sơ đồ các vị trí làm tổn thất nhiệt ra môi trường, sơ đồ các vị trí gây lọt không khí ngoài trời, xì hở môi chất trong của hệ thống nghiền than; kiến nghị vận hành lò hơi với tổng lưu lượng gió phù hợp, kiến nghị đưa hệ thống hơi thổi bụi lò hơi vào làm việc liên tục, thực hiện cải tiến căn chỉnh khe hở máy cấp than bột…
Anh Ngô Đức Tuấn cùng các đồng nghiệp nghiên cứu các giải pháp, sáng kiến. Sáng kiến này của anh đã làm lợi cho Công ty nhiều tỉ đồng. Anh vinh dự được Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”.
Riêng trong năm 2023, anh Ngô Đức Tuấn cùng các thành viên trong Tổ hiệu chỉnh đã hoàn thành 4 sáng kiến gồm: Bổ sung các vị trí và dụng cụ lấy mẫu than nguyên, than bột, khói thoát; cải tiến bộ phân thích khói thải; bố trí đồng hồ đo nhiệt độ hỗn hợp than gió và sáng kiến giải pháp đổ bê tông hộp nhiệt trần lò, vai lò. Cả 4 sáng kiến đều được Hội đồng khoa học Công ty công nhận.
Chia sẻ về công việc, anh Tuấn cho biết anh mong muốn Tập đoàn Điện lực Việt Nam có các chương trình đào tạo nhân lực về nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công nhân kỹ thuật thí nghiệm hiệu chỉnh; lập các chuyên trang thông tin điện tử để thuận tiện trong việc kết nối thông tin, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực thí nghiệm hiệu chỉnh; các chế độ đãi ngộ, trợ cấp, phụ cấp phù hợp để động viên khích lệ cán bộ công nhân kỹ thuật thí nghiệm hiệu chỉnh yêu nghề, tâm huyết với nghề và chuyên tâm nghiên cứu để có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật đóng góp cho sự phát triển chung của ngành.
Với tinh thần chịu khó, mày mò học tập, sâu sát thực tế và chủ động nhận việc ở những công đoạn khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế, anh Ngô Đức Tuấn đã tạo cho mình một thói quen đam mê, cần cù lao động và là gương sáng trong phong trào học tập chủ động của Nhiệt điện Quảng Ninh.
Theo Báo Quảng Ninh