Năm 2024 thành phố đưa tổ máy số 3 Nhà máy Điện rác Sóc Sơn vào vận hành.Theo đó, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu phát triển thêm khoảng 67MW từ điện rác (đưa tổ máy số 3 dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn và dự án Nhà máy Điện rác Seraphin vào vận hành), đưa tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác của thành phố Hà Nội đạt khoảng 129,3MW.
Tăng thêm khoảng 30MW điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, trong đó khuyến khích phát triển mô hình điện mặt trời tự sản tự tiêu nhằm mục đích tự dùng, giảm công suất phụ tải đỉnh; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các nhà xưởng của doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các trụ sở cơ quan, UBND các cấp, công an các phường, các trạm y tế, trường học...
UBND thành phố cũng khuyến khích sử dụng các sản phẩm đèn chiếu sáng công cộng có sử dụng điện năng lượng mặt trời; nghiên cứu xây dựng phương án quy hoạch hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố; rà soát các tiêu chuẩn liên quan đến việc lắp đặt hệ thống trạm sạc xe điện; đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn đối với xe điện
Một trong những giải pháp thực hiện là lựa chọn công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng hiện đại, hiệu suất cao để phát điện đối với các dự án đầu tư mới tại các khu xử lý rác thải sinh hoạt.
Lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà như tấm pin mặt trời có hiệu suất cao, thân thiện môi trường; ưu tiên phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà có hệ thống tích trữ năng lượng.
Thành phố cũng sẽ nghiên cứu đề xuất sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch trong giáo dục, nông nghiệp, giao thông đô thị; sử dụng năng lượng gió phù hợp với khí hậu và xây dựng phương án quy hoạch hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông; rà soát các tiêu chuẩn liên quan đến việc lắp đặt hệ thống trạm sạc xe điện.
Theo Báo Hà Nội mới