Đi dọc những cung đường hoang vu miền Tây Bắc, nhìn những cột điện chơi vơi trên đỉnh núi nối nhau hút tầm mắt, nhiều người lo lắng khi nghĩ tới việc phải tiếp cận hay trèo lên những cột điện đó. Ấy vậy mà những người lính truyền tải ở đây bất kể ngày đêm, đến hẹn lại khăn gói đi dọc tất cả tuyến đường dây, chỗ nào có cột điện, dù đó là cột trên đỉnh núi hay sát vực giữa rừng...Anh Hồ Viết Hòa, quê Nghệ An, gắn bó với cái nắng, cái gió và cả cái lạnh đến thấu xương vùng Tây Bắc đã hơn 10 năm nay. Chừng ấy thời gian cũng khiến anh cảm nhận được nhiều điều. Anh kể: "Nhớ nhất là vào dịp tháng 9 hàng năm, khi mọi người được nghỉ lễ 2/9 thì những người lính truyền tải vẫn phải túc trực 24/24 giờ vì đây là thời điểm dễ xảy ra sạt lở nhất tượng nhất. Mỗi lần đi sửa chữa, thường ở những nơi hoang sơ là trẻ con trong vùng cứ chạy và bám theo xe vì bình thường chúng ít được nhìn thấy ô tô, ít được tiếp xúc với công nghệ nên cái gì với chúng cũng lạ lẫm".
Để ưu tiên tối đa thời gian cho công việc, những bữa ăn vội ngay trên cột điện, giữa lưng chừng trời cao hàng chục mét không còn xa lạ với những người “lính” truyền tải điện (Ảnh KT) Kể sao hết nỗi vất vả mà những người lính truyền tải điện Tây Bắc đã phải trải qua. Anh Hòa thường đùa vui rằng mình và đồng đội dường như đã quá quen với những vị “khách không mời mà đến” đó là vắt, là muỗi trong rừng. Theo anh Hòa, ở Tây Bắc từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa mưa, vắt rất nhiều, nên mỗi khi đi tuyến các anh phải “che chắn” rất cẩn thận để hạn chế bị vắt cắn. Nghề này dù khó nhọc, nhiều người cho là khô khan, nhưng với anh đó lại là niềm tự hào. Mùa rét thường là xuống đến âm độ, đi lại dễ trơn trượt, mùa đông đến là anh em phải thay lốp xe máy, vùng này thường xuyên bị sạt lở nên mỗi lần đi tuyến là bước không nổi, nhiều lúc cũng cảm thấy oải nhưng vì dòng điện thân yêu nên mình vẫn phải cố, vượt qua được những điều đó nên cảm thấy tự hào, anh Hòa trải lòng.
Theo anh Nguyễn Viết Thông với cái nghề không bao giờ được phép sai này, các anh luôn phải chuẩn bị tinh thần trực chiến, có lệnh là lên đường bất kể ngày hay đêm. Băng rừng, lội suối ban ngày đã khó, ban đêm lại càng khó khăn, vất vả hơn. Nhiều đoạn đường mòn sâu trong rừng, anh em vừa phải cuốc bộ, vừa vác thiết bị nặng từ 60 - 70 kg. Rừng ban đêm rất khó xác định phương hướng nên quãng đường dường như dài thêm, tìm mãi mới thấy vị trí cần khắc phục sự cố. "Do đặc thù công việc, thường ở xa trung tâm dân cư nên sinh hoạt của anh em cũng hơi thiếu thốn, nhiều lần đi tuyến phải phải đi bộ từ 5 – 6 cây đường rừng, rắn, rết, muỗi nhiều vô kể nhưng vì an toàn dòng điện vẫn phải khắc phục, tuy vất vả những anh em ai cũng nhiệt tình", anh Thông tâm sự.
Những người lính truyền tải điện đu mình để sửa chữa đường dây (Ảnh KT)Để đảm bảo thời gian làm việc, những bữa trưa “ăn cùng gió, uống cùng mây” đã không còn xa lạ với anh Lù Văn Thiện – một công nhân trẻ của Truyền tải điện Tây Bắc. Nhiều hôm, dù 12h trưa, dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt, Thiện cùng anh em vẫn miệt mài làm việc, mặc cho mồ hôi lăn dài trên má, ướt đẫm những bộ đồng phục. Vì vậy, bữa trưa của các anh luôn diễn ra lúc gần 13h chiều, giữa lưng chừng trời…
Có chứng kiến công việc thầm lặng của những người “ăn gió uống mây”, mới càng khâm phục tinh thần lao động quên mình cũng như lòng yêu nghề, tận tụy hết lòng với nghề của những người lính truyền tải điện vùng Tây Bắc thân thương./.
Theo VOV2