Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 16 khu công nghiệp (KCN), 16 cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập. Đến hết tháng 11/2023, các KCN thu hút được 361 dự án FDI, 109 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 6,3 triệu USD và 32,7 nghìn tỷ đồng.
Các CCN thu hút được hơn 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) đến đầu tư, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp tích cực vào phát triển KT - XH, thu ngân sách của tỉnh.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển công nghiệp, song, theo đánh giá của UBND tỉnh, các ngành công nghiệp của tỉnh phát triển chưa thực sự bền vững và có chiều sâu, trong đó, việc sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn nhiều vấn đề chưa phù hợp, thiếu khoa học, lãng phí, hiệu quả sử dụng năng lượng không cao.
Phấn đấu đến năm 2030, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiết kiệm từ 8% - 10% sản lượng tiêu thụ điện (Ảnh: V.P) Theo kết quả thực hiện Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh tiết kiệm được 5% - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng, tuy nhiên, kết quả đạt được chỉ đạt 3%; việc xây dựng mô hình quản lý năng lượng áp dụng cho 50% doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và sử dụng nhiều năng lượng theo quy định đến nay vẫn chưa được triển khai.
Mặt khác, theo Sở Công thương, đến hết năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 80 doanh nghiệp, tòa nhà và công trình xây dựng thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, gần 250 doanh nghiệp, tòa nhà và công trình xây dựng thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng cận trọng điểm.
Năm 2022, tổng sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ của tỉnh là hơn 3,2 triệu kWh, trong đó, phụ tải của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tới gần 64%.
Đánh giá về tình hình sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Đỗ Như Hoàn, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương) cho biết:
Có 3 nhóm ngành có số doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm lớn gồm cơ khí, chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại; sản xuất các thiết bị điện, điện tử; sản xuất vật liệu xây dựng.
Khảo sát thực tế cho thấy, việc thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp được chú trọng ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI thông qua các chính sách khuyến khích sáng kiến tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.
Bên cạnh đó, sự liên kết chuỗi cung ứng trên thế giới cũng đem lại cho khối doanh nghiệp này khả năng trao đổi kinh nghiệm quản lý, vận hành, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đem lại hiệu quả sản xuất, giảm cường độ tiêu hao năng lượng cho nhà máy.
Tuy nhiên, đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa - lực lượng chiếm đa số trong cơ cấu doanh nghiệp của tỉnh, đa phần các doanh nghiệp thiếu năng lực quản lý sản xuất và vận hành, sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, dẫn đến tiêu thụ năng lượng cao hơn.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào quản lý sản xuất và bán hàng mà ít để ý đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, đội ngũ nhân sự thiếu và yếu cũng là một nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Triển khai Đề án Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra các nhóm giải pháp chính bao gồm:
Hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất; nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về tiết kiệm năng lượng; đẩy mạnh công tác truyền thông về tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ, cung cấp sản phẩm, giải pháp liên quan đến tiết kiệm năng lượng; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng năng lượng tái tạo; tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất; xây dựng các mô hình điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp để nhân rộng; tăng cường công tác giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong quá trình lựa chọn, triển khai các chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại doanh nghiệp sai quy định.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp thuộc nhóm cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh thực hiện kiểm toán năng lượng, áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; 70% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong KCN được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Đến năm 2030, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiết kiệm từ 8% - 10% sản lượng tiêu thụ điện, tiết kiệm 7% tổng mức tiêu thụ năng lượng; 90% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong KCN và 70% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong CCN được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; hướng tới giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 15%, góp phần thực hiện mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 theo lộ trình của Chính phủ.
Theo Báo điện tử ĐCSVN