Đối với hệ thống truyền tải điện Việt Nam, khởi đầu từ manh mún, cát cứ đến những năm tháng vượt qua mưa bom bão đạn kéo từng mét dây, giữ từng trạm biến áp để rồi tiến đến giai đoạn kết nối mở rộng các mạch dẫn giúp bảo đảm thực hiện xuất sắc nhiệm vụ “điện đi trước một bước” để thúc đẩy nền kinh tế non trẻ ngày nào trở thành một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, có tiếng nói trong khu vực và thế giới. Soi trong hành trình của đất nước, của ngành Điện, có cả lịch sử dựng xây hào hùng của Truyền tải điện Việt Nam.
Bài I: Giai đoạn 1954 – 1994. ÂM VANG HÀO KHÍ NHỮNG THẾ HỆ TRUYỀN TẢI ĐIỆN
Hoạt động điện lực Việt Nam chỉ thực sự được thiết lập sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết (21-7-1954), miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, các thành phố lớn và các Trung tâm Điện lực ở phía Bắc vĩ tuyến 17 được tiếp quản trở thành những “vốn liếng” đầu tiên của ngành Điện Việt Nam.
Lịch sử ngành Điện Việt Nam có hai giai đoạn đặc thù gắn với hai vùng lãnh thổ tại hai thời điểm lịch sử: Điện lực trong các vùng bị tạm chiếm (1945-1954) và Điện lực tại miền Nam Việt Nam (1954-1975). Đây cũng chính là đặc điểm của Hệ thống truyền tải điện Việt Nam:
• Hệ thống truyền tải điện trong các vùng bị tạm chiếm (trước năm 1954): Tiếp quản lưới điện là 4 đường dây truyền tải 30,5kV Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Nam Định, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Thái Nguyên.
• Hệ thống truyền tải điện tại miền Nam Việt Nam (1954-1975): Cùng với phát triển nguồn điện, đến cuối năm 1973, hệ thống truyền tải điện tại miền Nam Việt Nam gồm 252km đường dây 230kV, 184km đường dây 66kV và 13 trạm biến áp với tổng công suất 579MVA.
Trước năm 1954, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam nhằm mở rộng thị trường khai thác tài nguyên và khoáng sản để phục vụ chính quốc. Vào thời kỳ này chỉ có hệ thống lưới điện truyền tải duy nhất là đường dây cao thế 30,5kV tại miền Bắc, nối Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội) với Nhà máy điện Thượng Lý (Hải Phòng) và Nhà máy điện Cửa Cẩm (Hải Phòng).
Ở miền Nam, Nhà máy điện Chợ Quán là nhà máy chủ lực của vùng Sài Gòn – Gia Định và là trung tâm phát điện lớn nhất miền Nam thời thuộc Pháp. Tuy nhiên, Nhà máy điện Chợ Quán hay các nhà máy điện khác được xây dựng chủ yếu phục vụ cho các phụ tải lân cận; ở miền Trung, các Nhà máy điện rất nhỏ bé, chủ yếu là các nhà máy diesel phát điện sử dụng tại chỗ, do đó, toàn miền Trung và miền Nam trong giai đoạn này chưa có lưới điện truyền tải.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cả nước tạm thời chia thành hai miền Nam – Bắc, ranh giới là vĩ tuyến 17.
Từ năm 1954-1975, ở miền Bắc, trong những năm đầu của công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, việc kết nối và phát huy hiệu quả của sự tăng trưởng nguồn phát điện để phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước và ổn định đời sống nhân dân là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của nguồn phát, hệ thống truyền tải và phân phối điện. Lúc này không chỉ có các nhà máy điện cũ cần được phục hồi và phát triển mà một loạt các nhà máy điện mới cũng cần được xây dựng trên những địa bàn xung yếu bảo đảm cho kế hoạch phát triển kinh tế được triển khai trên toàn miền Bắc. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên xây lắp đường dây và các trạm biến áp được hình thành, các đường dây truyền tải điện Hà Nội – Sơn tây, Hà Nội – Hà Đông, Phố Nối – Hưng Yên, Thái Bình – Nam Định được phục hồi gấp. Đường dây tải điện 30,5kV được nâng cấp điện áp lên 35kV. Xây dựng mới hàng trăm ki-lô-mét đường dây 35kV dẫn điện từ các nhà máy điện đến phục vụ các khu công nghiệp mới ra đời và các vùng đông dân cư.
Từ cuối năm 1955, với sự giúp đỡ của Liên Xô, một loạt nhà máy thủy điện và nhiệt điện được xây dựng đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của hệ thống truyền tải điện. Các đường dây tải điện Hà Nội – Hà Đông, Hà Nội – Sơn Tây, Hà Nội – Phố Nối (Hưng Yên), Thái Bình – Nam Định…được phục hồi. Đường dây 6kV nối thủy điện Tà Sa – Nà Ngần với khu mỏ thiếc Tĩnh Túc được xây dựng và đi vào hoạt động. Các tuyến đường dây cũ 30,5kV đều được cải tạo lên 35kV. Hàng loạt các tuyến đường dây 35kV Vinh – Nam Đàn, Lào Cai – khu mỏ Apatit, Hải Dương – Ninh Giang… không chỉ đưa điện đến các khu công nghiệp mà còn hướng tới mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Quí III/1958, tuyến đường dây Hà Nội – Phố Nối được hoàn thành và đưa vào vận hành. Đây là tuyến đường dây 35kV đầu tiên được xây dựng mới ở miền Bắc nước ta.
Tại Đại Hội Đảng lần thứ III (9-1960), lần đầu tiên, văn kiện của Đảng đã vạch ra một đường lối xây dựng nền kinh tế quốc dân, trong đó xác định: “Nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ ở miền Bắc nước ta là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, mà mấu chốt là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý”. “công nghiệp nặng của nước ta bao gồm những ngành cần phải xây dựng và có điều kiện xây dựng như: Điện lực, luyện kim, chế tạo cơ khí, khai mỏ, vật liệu xây dựng, hóa chất…”. Trong báo cáo Chính trị đã đưa ra một tư tưởng chiến lược: “Phương hướng xây dựng và phát triển chủ yếu của công nghiệp là công nghiệp điện lực đi trước một bước”. Trên cơ sở đó, Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) đã được xác định những mục tiêu cụ thể cho ngành Điện là: “Cần phát triển thủy điện kết hợp với nhiệt điện… đi đôi với việc xây dựng các nhà máy điện mới cần cải tiến thiết bị, tăng thêm công suất cho những nhà máy sẵn có…cần xây dựng hệ thống lưới điện nối các nhà máy loại lớn và loại vừa với nhau đến những nơi tiêu thụ điện”.
Thực hiện tư tưởng chiến lược “Điện lực đi trước một bước”, hàng loạt nhà máy nhiệt điện cùng hàng nghìn ki-lô-mét đường dây 35kV, 110kV đã được khởi công sớm và hoàn thành vào thời điểm trước và sau Đại hội III như một minh chứng thực tiễn cho đường lối chính trị của Đảng.
Năm 1963 - 1964, nhiều trạm biến áp và đường dây 110kV được hoàn thành đưa vào vận hành, như: Trạm biến áp An Lạc (Hải Phòng) cùng đường dây hai mạch 110kV đầu tiên Đông Anh – Uông Bí – An Lạc; đường dây 110kV Đông Anh – Việt Trì - đường dây 110kV đầu tiên trên miền Bắc, nối Nhà máy điện Việt Trì với qua trạm đầu mối Đông Anh, với hai cột vượt sông cao 113m ở Chèm và dùng cột mắt chéo, đúc thủ công như thời kỹ 1930 – 1945 của SIE (Công ty Đông Dương); đường dây 110kV Uông Bí – An Lạc và Trạm biến áp 110kV An Lạc với tổng dung lượng 25.000kVA; đường dây 110kV Đông Anh – Uông Bí, Việt Trì – Thác Bà. Đường dây 110kV Đông Anh – Việt Trì và Đông Anh – Thái Nguyên là hai công trình lớn liên kết giữa các nguồn điện đang xây dựng để đưa điện về phục vụ nông nghiệp ở các tỉnh. Việc xây dựng lưới điện 110kV là một mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của hệ thống truyền tải điện Việt Nam. Đây là một trong ba đường dây điện cao thế lớn nhất và là khâu trọng yếu trong mạng lưới điện miền Bắc nước ta thời bấy giờ, nối liền ba Nhà máy điện Hà Nội – Việt Trì – Thái Nguyên.
Trong năm 1964, ngành Điện tiếp tục khởi công xây dựng Trạm biến áp 110kV Ba La. Vào thời điểm vận hành đầu tiên, trạm chỉ có một máy biến áp 110/35/6kV với hai đường dây 110kV Đông Anh – Ba La và một số xuất tuyến đường dây 35kV và 6kV…
Nhờ có các đường dây tải điện mới được xây dựng, nên hầu hết các khu công nghiệp, các nhà máy lớn, các khu mỏ… đều có điện ổn định để sản xuất. Từ khi có lưới điện, ngành Điện đã góp phần cho vùng trọng điểm lúa ở đồng bằng Bắc Bộ đưa năng suất lúa lên 5 tấn, 8 tấn, rồi 10 tấn ở các tỉnh Hà Tây, Nam Hà, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng… Đội ngũ làm công tác truyền tải dần trưởng thành và phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Tại giai đoạn này, chỉ ở miền Bắc mới có hệ thống lưới điện cấp điện áp 110kV. Trong khoảng thời gian 10 năm tiếp theo, đã có tới 9/12 nhà máy điện ở miền Bắc được kết nối bằng hệ thống đường dây 110kV và hệ thống này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải điện năng từ các nhà máy đến các trung tâm phụ tải. Đáp ứng sự phát triển, ngành Điện bắt đầu được tổ chức theo chuyên ngành: Phát điện, truyền tải và phân phối.
Kết thúc Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, hệ thống truyền tải điện ở miền Bắc đã có hàng ngàn kilomet đường dây 35kV và 260km đường dây 110kV cùng nhiều trạm biến áp kết nối chín nhà máy điện tạo nên công suất chung 130MW (Nhà máy điện Lào Cai, Hàm Rồng và Vinh ngoài lưới).
Với mốc ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ mượn cớ trả đũa sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, dùng không quân ồ ạt đánh phá miền Bắc, “hậu phương lớn” đã chính thức bước vào giai đoạn vừa sản xuất vừa chiến đấu, đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại, tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam. Cùng với quân và dân miền Bắc, cùng với CBCNV khối phát điện và phân phối, những người làm công tác truyền tải điện sẵn sàng giáp mặt với những thách thức mới để tiếp tục hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu được giao của “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” giai đoạn có ý nghĩa quyết định đại vận mệnh của dân tộc.
Thực hiện chỉ thị của Đảng và Bác Hồ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra lời kêu gọi giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, nêu cao ý chí tiền phong cách mạng, cùng toàn dân quyết tâm chiến đấu đến cùng, chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi việc sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Phong trào ngành Điện lực chuyển hướng: Vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Khẩu hiệu hành động là: “Mỗi công nhân Điện lực một chiến sĩ kiên cường trong sản xuất và chiến đấu, bảo vệ nguồn điện”.
Ngay từ đầu, các cơ sở điện lực ở miền Bắc đều là mục tiêu tiến công của máy bay Mỹ. Muốn bảo vệ Trạm biến áp, phải xây dựng tường che chắn, các nơi làm việc đều có hầm trú ẩn, các cơ sở phải chủ động gia công một số bộ phận cần thiết để thay thế cho nhanh mỗi khi cần thiết, đồng thời phải có phương án dự trữ thiết bị cần thiết, để có thể chủ động sẵn sàng rút ngắn thời gian sửa chữa phục hồi. Địch đánh phá ngày càng ác liệt, anh chị em phải làm việc trong tình trạng hết sức căng thẳng và nguy hiểm, với cái chết luôn cận kề. Công tác điều hành hệ thống điện trở nên khẩn trương nhưng phải sâu sát, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa khắc phục các hậu quả do chiến tranh phá hoại gây ra. Các quy trình, quy tắc, quy định luôn được bổ sung kịp thời cho phù hợp với tình trạng hệ thống điện từng nơi, từng giai đoạn. Các đường dây tải điện, trạm biến áp bị đánh phá, phân tách ra thành từng mảng nhiều vùng, sau một thời gian ngắn lại được kết nối thành hệ thống điện.
Cùng đồng đội trong ngành Điện, người thợ đường dây cũng hào hùng xung trận. Lòng quả cảm, ý chí quyết tâm chiến thắng được thể hiện rất rõ qua các công trình: Trong một thời gian ngắn, anh em đã hoàn chỉnh lưới điện sân bay Đa Phúc (Nội Bài) với gần 600km cáp ngầm, bốn trạm biến áp tự dùng, các đường dây phục vụ sân bay Kép. Chỉ tính riêng trong bốn năm (từ năm 1965 đến năm 1968) đã xây dựng 54km đường dây và 23 trạm biến áp phục vụ kịp thời cho bên quân đội tác chiến. Không chỉ kéo dây dựng cột, khi có máy bay giặc, những người thợ đường dây đã sẵn sàng trực tiếp cầm súng chiến đấu, tiếp đạn cho các trận địa pháo.
Chiến tranh ngày càng khốc liệt, các khu công nghiệp tập trung, các thành phố lớn, cơ sở điện lực quan trọng ở Việt Trì, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội…liên tiếp bị bắn phá dữ dội. Nhiều trạm biến áp, đường dây liên tỉnh bị phá hỏng.
6 giờ 31 phút sáng ngày 2-8-1966, lần đầu tiên địch công kích vào trạm nút An Lạc (Hải Phòng); ngày 6-8-1966, giặc Mỹ thả bom đánh đổ cột, phạt đứt đường dây 35kV Hà Nội – Hải Phòng. Ngày 20-4-1967, Mỹ tập trung đánh phá các công trình điện, các đường dây tải điện chính bị phá hủy. Các đơn vị quản lý đường dây tích cực khôi phục đường dây và sử dụng các mạch vòng để đảm bảo thành phố Hải Phòng vẫn có điện.
Ngày 6-8-1966, anh em đang khôi phục đường dây trên cầu Phú Lương (Hải Dương), thì giữa đêm, địch đánh phá trở lại, sau khi cứu chữa cho đồng đội bị thương, toàn Đội Cao thế lại lao vào sửa chữa đường dây, nối liền mạch điện 35kV Hà Nội – Hải Phòng. Các ngày 20 và 25-4-1967, địch đánh phá 46 trận trên tuyến lửa Cửa Cấm – cầu Xi Măng – cầu Rào – cầu Quay – Phú Thái – Lai Khê – Dụ Nghĩa… với 83 điểm bị đánh phá, nhưng trung bình chỉ 95 phút là đội đường dây lại khôi phục đường dây nhờ vậy các nguồn điện sẵn sàng phát được công suất cao. Tiếng tăm của tám cô gái Trạm biến áp 110kV An Lạc – TBA đầu tiên và lớn nhất của Hải Phòng, dũng cảm chiến đấu còn mãi trong tâm khảm mỗi người. Vào những thời điểm gay cấn, hàng trăm ki-lô-mét đường dây và trạm biến áp 110kV vẫn tiếp tục được xây dựng thêm…
Chỉ riêng giai đoạn một, cuộc chiến tranh phá hoại, ngành Điện đã phải chịu đựng 1.410 trận máy bay Mỹ đánh phá. Trong cuộc thử lửa khốc liệt này, hầu hết các trạm biến áp lớn bị hư hỏng nặng. Bom đạn tạm ngừng, ngành Điện tranh thủ phục hồi những trạm biến áp và đường dây bị đánh phá hư hỏng. Năm 1971, sản lượng điện toàn ngành vượt mức trước chiến tranh phá hoại và tăng hơn năm 1970 gần 30%, trong đó, góp phần quan trọng của hệ thống lưới điện được củng cố kịp thời và vận hành an toàn, ổn định.
Để cứu vãn nguy cơ phá sản hoàn toàn của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chính quyền Ních-xơn đã buộc phải phiêu lưu “Mỹ hóa” một phần cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Một lực lượng lớn không quân, và hải quân Mỹ được huy động trở lại tham chiến, bao gồm 14 chiếc tàu chiến và hơn 1.500 máy bay.
Đúng như dự đoán của ta là địch có thể đánh trở lại miền Bắc. Ngày 6-4-1972, máy bay và tàu chiến Mỹ bắt đầu đánh phá các tỉnh thuộc khu 4 cũ, tiến hành chiến tranh giai đoạn hai. Đây là cuộc đọ sức vô cùng khốc liệt. Bất cứ điểm đánh nào lần này cũng mang tính hủy diệt. Trong tháng 6-1972, các nhà máy điện và lưới điện phải đương đầu tới 224 trận, hầu hết là bom điều khiển bằng la-de và bom có sức tàn phá từ 500-1.500 bảng Anh. Có nơi địch đã dùng loại bom 4.000kg có mang dù để hủy diệt. Chỉ trong năm tháng, địch đã gây thiệt hại bằng bốn năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Dọc tuyến đường dây Đông Anh – Uy Nỗ (Hà Nội), cột điện đổ hàng loại bên cạnh 4.966 hố bom.
“Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu” – một lần nữa trong trái tim mỗi cán bộ, công nhân Điện lại vang lên mệnh lệnh tối cao của ngành Điện. Khi có một trạm biến áp bị đánh hỏng, một đường dây bị đứt, sứ vỡ, cột đổ…, lập tức những người thợ đường dây đã nghiên cứu, tạo nên những mạch vòng, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục. Trong bom rơi đạn nổ, cái chết luôn luôn đe dọa, nhưng những người thợ điện vẫn đủ trí thông minh, bình tĩnh dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ. Ngay cả khi trạm biến áp ngùn ngụt bốc cháy, người thợ đường dây luôn có mặt để cứu chữa, duy trì dòng điện, vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu một cách kiên cường và xuất sắc.
Các phong trào thi đua được tiếp tục phát động và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Những khẩu hiệu thi đua lúc này có ý nghĩa động viên mạnh mẽ “Đổi dòng máu lấy dòng điện!”, “Giữ vững dòng điện như giữ vững dòng máu trong tim!”
Theo chỉ đạo của Trung ương, các xí nghiệp phải dời khỏi Hà Nội, ngành Điện phải chịu trách nhiệm xây dựng đường dây và trạm biến áp ở nơi sơ tán để các cơ sở công nghiệp tiếp tục sản xuất. Điện năng cung cấp được lấy từ Nhà máy điện Yên Phụ, các trạm diesel, Nhà máy điện Uông Bí, Nhà máy Thủy điện Thác Bà cung cấp qua trạm biến áp 110kV Đông Anh. Riêng Hà Nội, Mỹ huy động trên 1.000 lượt máy bay đánh phá, trút xuống 4 vạn tấn bom, phá hủy 353 điểm dân cư, cơ sở, kinh tế, văn hóa, y tế. Lưới điện ở những nơi này cũng bị đánh phá tan nát, hư hỏng nặng nề. Anh em công nhân điện phải làm việc rất vất vả, thu hồi, gom nhặt, sửa chữa chắp vá để nhanh chóng cấp lại điện phục vụ các chiến sĩ sinh hoạt và chiến đấu.
Trạm biến áp 110kV Đông Anh được xây dựng từ nguồn vốn do Liên Xô viện trợ, có 2 máy, mỗi máy 25MVA, là trọng điểm phá hoại của Mỹ. Cả hai đợt chiến tranh phá hoại, Giôn-Xơn và Ních-xơn đều tập trung đánh phá hủy diệt. Trận thứ nhất, một máy được chuyển về sơ tán tại xã Khắc Niệm, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh để tiếp tục vận hành. Máy số hai, khi trạm biến áp bị oanh tạc, một mảnh bom làm thủng vỏ máy, dầu biến thế chảy ra xối xả, công nhân vận hành phải cởi bỏ bộ quần áo của mình đang mặc để nhồi vào chỗ thủng, ngăn không cho dầu chảy ra ngoài. Ngày 16-4-1972, Ních-xơn tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2, máy thứ hai được chuyển đi sơ tán về xã Vĩnh Ngọc cách trạm Đông Anh khoảng 4km. Trong trận tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ đánh vào Hà Nội, hệ thống điện lực miền Bắc bị đánh hư hỏng hết, nhưng ngành Điện vẫn đảm bảo điện phục vụ chỉ huy chiến đấu và quân dân ta tiếp tục bắn rơi 29 máy bay Mỹ. Đế quốc Mỹ tức tối, lồng lộn trước việc Hà Nội vẫn có điện và đủ điện, bèn tiếp tục cho máy bay tập kích theo đường dây 110kV, phát hiện ra trạm số hai, ban đêm chúng tập trung lực lượng oanh tạc, nhưng nhầm vào một lò gạch của huyện cách nơi sơ tán máy hai khoảng 100m.
Ngay sau khi chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ chấm dứt trên miền Bắc và Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết tháng 10-1973, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp phiên toàn thể lần thứ 22 tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 1-1974, bàn phương hướng phục hồi và phát triển kinh tế miền Bắc trong 2 năm 1974 và 1975. Nghị quyết được Hội nghị thông qua, nêu rõ: “Nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn những vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Hội nghị cũng xác định những bước đi ban đầu của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc diễn ra trong hai năm nói trên. Trong đó, ngành Điện nhận nhiệm vụ: “Phải khôi phục xong các nhà máy điện, đẩy mạnh thi công các nhà máy điện đang xây dựng để sớm đưa vào sản xuất, chuẩn bị xây dựng những nhà máy điện mới; cải tạo hệ thống đường dây và các trạm biến áp, xây dựng một số tuyến đường dây mới nhằm cân đối nguồn điện và lưới điện, bảo đảm cung cấp điện có chất lượng, an toàn…”.
Trong hai năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết, miền Bắc nhanh chóng khôi phục kinh tế để chuẩn bị kế hoạch cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Theo đó, các nhà máy điện được phục hồi một cách nhanh chóng, các tuyến đường dây tải điện được sửa chữa và nâng cấp nhằm truyền tải công suất từ các nhà máy điện đến nơi tiêu thụ. Việc khắc phục tình trạng mất cân đối giữa nguồn và lưới điện, giữa lưới truyền tải và lưới phân phối được thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt bằng các biện pháp kỹ thuật như đặt tụ bù, cải tạo lưới điện các khu vực trọng điểm.
Từ năm 1960-1975, mặc dù nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng Đảng và Nhà nước vẫn luôn dành một phần vốn nhất định cho việc phát triển ngành Điện non trẻ để sửa chữa, xây dựng mới các công trình điện. Truyền tải điện miền Bắc từng bước được hình thành một cách có hệ thống.
Cũng vào giai đoạn 1954-1975, ở miền Nam, lưới điện có ba cấp điện áp là 230kV, 66kV và 15kV. Trên danh nghĩa đền bù chiến tranh, năm 1961, Chính phủ Nhật Bản đã giúp đỡ chính quyền Việt Nam Công hòa xây dựng tuyến đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn dài 257km, với 729 cột thép đi qua địa hình sông, núi rất hiểm trở. Đây chính là tuyến đường dây truyền tải cấp điện áp 220kV đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Đường dây 230kV nối Nhà máy điện Đa Nhim (công suất 160MW) với Nhà máy điện Thủ Đức (công suất 165MW) tại thành trục 230kV đưa điện đến các khu vực phân phối.
Một đường dây 66kV cũng được lấy điện từ Nhà máy điện Đa Nhim để phân phối điện cho khu vực Cam Ranh, Tây Nguyên, Đà Lạt và Ninh Thuận. Một đường dây 66kV khác lấy điện từ trạm biến áp Thủ Đức về phân phối cho Sài Gòn – Chợ Lớn và khu vực lân cận.
Điện ở miền Nam thời kỳ này chủ yếu phục vụ cho thắp sáng, tiêu dùng ở Sài Gòn. Hệ thống truyền tải điện lúc đó gồm 257km đường dây 230kV, 184km đường dây 66kV và 13 trạm biến áp với tổng dung lượng 579MVA.
Lưới điện truyền tải điện miền Nam thời điểm tiếp quản có tổng cộng chiều dài đường dây là 818km, trong đó, 257km đường dây 230kV, 543km đường dây 66kV; một trạm biến áp 230kV có dung lượng 168MVA, 28 trạm biến áp 66kV có tổng dung lượng 432MVA. Lưới điện truyền tải được chia thành ba hệ thống độc lập: Miền Đông (gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang), Cao Nguyên (gồm Nhà máy điện Đa Nhim, một phần các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và Lâm Đồng), miền Tây (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long).
Ở miền Trung, không có lưới điện truyền tải cao áp. Toàn bộ miền Trung được cấp điện từ 150 máy phát diesel phân tán ở các đô thị, không có sự kết nối với nhau.
Từ năm 1975-1986, sau khi nước nhà thống nhất, ngành Điện vừa phải lo khôi phục và phát triển hệ thống điện miền Bắc, vừa tiếp quản hệ thống điện miền Nam và miền Trung do chính quyền cũ để lại. Do nguồn điện của chế độ cũ chỉ để phục vụ cho chiến tranh, nay chuyển hướng phục vụ phát triển kinh tế xã hội nên nhiệm vụ quan trọng trước mắt là cải tạo nguồn và lưới điện hiện hữu. Tổng Cục Điện lực được thành lập ngay sau khi tiếp quản với nhiệm vụ “khôi phục đường ống thủy áp Nhà máy thủy điện Đa Nhim và đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn để cung cấp điện cho khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận”. Trong một thời gian ngắn, đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn được khôi phục và đưa vào vận hành, liên kết được lưới điện khu vực Cao Nguyên và miền Đông Nam bộ. Trước nhu cầu thực tế, ngày 15-9-1976, Bộ Điện và Than đã ký Quyết định số 187/ĐQ-TCCB.3 đổi tên Nha Chuyển vận Phân phối thành Sở Quản lý truyền tải điện (tiền thân của Công ty Truyền tải điện 4) có chức năng, nhiệm vụ là quản lý vận hành và vận hành lưới điện truyền tải từ 66kV trở lên; tiếp nhận bộ phận truyền tải điện của các khu khai thác điện lực miền Tây, miền Đông và Cao Nguyên, các đơn vị Nha Trung bộ, Nha phối hợp địa phương, cùng một số đơn vị tham gia phục hồi đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn, đường dây 66kV Đa Nhim – Phan Rang – Nha Trang, bao gồm: Phân sở 1 Truyền tải điện (quản lý lưới điện truyền tải khu vực miền Đông và Cao Nguyên), Phân sở 2 (quản lý lưới điện Truyền tải khu vực miền Tây). Với nhiệm vụ trên, đây là đơn vị chuyên ngành truyền tải điện đầu tiên của ngành Điện Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980), miền Bắc tiếp tục triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển ngành Điện sau chiến tranh phá hoại. Việc khôi phục hệ thống truyền tải điện bị hư hại trong chiến tranh được thực hiện nhanh chóng.
Tại miền Bắc, tháng 3-1979, ngành Điện tiến hành xây dựng mới đường dây 220kV Hà Đông – Hòa Bình và trạm biến áp 220kV Hà Đông. Đây là tuyến đường dây truyền tải điện 220kV đầu tiên ở miền Bắc nhằm nâng cao năng lực truyền tải, cung cấp điện an toàn ổn định và chất lượng cho công trường thi công Thủy điện Hòa Bình. Công trình được hoàn thành vào tháng 5-1981, đã minh chứng cho trình độ, tinh thần, bản lĩnh của những người làm công tác truyền tải điện Việt Nam, đồng thời, tạo cơ sở kỹ thuật cho việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV sau này.
Mặc dù trong thời kỳ chiến tranh, Hà Nội và một số thành phố lớn khác là trọng điểm ném bom của máy bay Mỹ và 100% các đường dây truyền tải điện bị phá hủy nặng nề, nhưng chỉ sau hai năm, lưới điện truyền tải đã phục hồi hoàn chỉnh và tiếp tục được mở rộng, đảm bảo cung cấp đến các khu trọng điểm ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Việt Trì. Lưới truyền tải 35kV đã trải rộng đến các vùng nông nghiệp trọng điểm, như: Đồng bằng sông Hồng, Hà Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh. Ở Hà Nội, lưới điện truyền tải được phát triển với các công trình xây dựng mới, nâng tổng chiều dài lưới điện truyền tải 110kV lên 846km, tổng chiều dài lưới điện 35kV là 3.000km.
Tại miền Nam, ngành Điện tập trung sửa chữa tuyến đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn bị hư hại trong chiến tranh; xây dựng mới đường dây 220kV từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ (bằng nguồn vốn của Pháp), nâng tổng chiều dài đường dây cao áp lên 3.000km, tổng dung lượng máy biến áp 235MVA. Việc cấp điện cho miền Tây và Đông Nam bộ được cải thiện đáng kể khi phát triển lưới truyền tải từ 15kV lên 66kV và 110kV.
Với sự giúp đỡ của Nhật Bản, tháng 8-1978, ngành Điện đã hoàn thành đường dây 132kV có chiều dài 122km từ Nhà máy Điện Đa Nhim tới Đà Lạt, Phan Rang, Cam Ranh và sau đó tới Nha Trang.
Tại miền Trung, tập trung cải tạo các tuyến đường dây, trong đó, có tuyến đường dây 35kV Đông Hà – Huế, xây dựng mới đường dây 35kV Huế - Đồng Hới.
Tính đến cuối năm 1980, lưới điện truyền tải tổng cộng có 257km đường dây 230kV; 1.133,7km đường dây 110kV; 546,5km đường dây 66kV và 10.780,8km đường dây 35kV trở xuống.
Tháng 3-1980, các chuyên gia Liên Xô đã giúp Việt Nam hoàn thành thiết kế sơ đồ lưới điện toàn quốc (theo quy hoạch) phát triển đến năm 1991. Trong sơ đồ lưới điện toàn quốc, các công trình thuộc lưới điện miền Bắc có các trạm biến áp, đường dây tải điện 110kV và cao hơn.
Các công trình này được xác định là những hạng mục trọng tâm, chiến lược được chú trọng đầu tư xây dựng trong các giai đoạn 1980-1986 và 1987-1991.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, ngành Điện lần đầu tiên xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực của cả nước – đó là Tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn 1 (1981-1985) – Tổng sơ đồ phát triển điện lực đầu tiên của ngành Điện Việt Nam. Một số nội dung liên quan đến việc xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng với cấp điện áp 500kV từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.
Để thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 1, một loạt đơn vị truyền tải được thành lập hoạt động với chức năng chuyên ngành, đó là: Ngày 20-4-1981, Bộ Trưởng Bộ Điện và Than ký Quyết định thành lập Sở Truyền tải điện miền Bắc (tiền thân của Công ty Truyền tải điện 1), quản lý 7 trạm biến áp 110kV có tổng dung lượng 261MVA và 145km đường dây 110kV; ngày 13-3-1990, Bộ Năng lượng có quyết định số 99NL-TCCB-LĐ thành lập Sở Truyền tải điện 2 trực thuộc Công ty điện lực 3 ( tiền thân của Công ty Truyền tải điện 3), có nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản các công trình điện và quản lý vận hành lưới điện truyền tải từ cấp điện áp 66kV trở lên trên địa bàn các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên; ngày 13-5-1990, Quyết định số 98/NL-TCCB-LĐ do Bộ trưởng Bộ Năng lượng ký thành lập Sở Truyền tải điện 1 trực thuộc Công ty Điện lực 3, trên cơ sở chuyển Ban Quản lý các công trình điện thành Sở Truyền tải điện 1 (tiền thân của Công ty Truyền tải điện 2) có nhiệm vụ quản lý, vận hành, sửa chữa, hiệu chỉnh lưới điện truyền tải từ Quảng Bình đến Thừa Thiên; Quyết định số 99/NL-TCCB-LĐ do Bộ trưởng Bộ Năng lượng ký thành lập Sở Truyền tải điện 2 thuộc Công ty Điện lực 3 (nay là Công ty Truyền tải điện 3), có nhiệm vụ quản lý, vận hành, sửa chữa, hiệu chỉnh lưới điện truyền tải từ Khánh Hoà đến Quảng Nam – Đà Nẵng.
Để đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống truyền tải điện Quốc gia, Bộ Năng lượng đã chủ trương thành lập các Ban Quản lý dự án các công trình điện ở 3 miền: Bắc, Trung và Nam với nhiệm vụ quản lý quá trình đầu tư xây dựng các dự án liên quan đến truyền tải điện: Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc – NPMB (tiền thân là Ban Quản lý lưới điện cao thế 1, trực thuộc Công ty Điện lực 1); Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (tiền thân là Ban Quản lý Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ - trực thuộc Công ty Điện lực 3); Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (tiền thân l Ban Quản lý điện miền Nam, thuộc Công ty Điện lực 2).
Ở giai đoạn này, các công trình truyền tải được tiếp tục xây dựng mới và công tác củng cố lưới điện được quan tâm, như: Ở miền Bắc, 8-1983, khởi công xây dựng trạm biến áp 220kV Ba La bằng nguồn vốn do Liên Xô tài trợ, để tiếp nhận điện từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phân phối đi các nơi; Ở miền Nam, cải tạo lưới điện được ưu tiên cung cấp điện cho các hộ trọng điểm; miền Trung, chủ yếu củng cố và phát huy nguồn điện diesel sẵn có.
Để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa nguồn và lưới điện mà tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Công sản Việt Nam đã nêu rõ: “….Đi đôi với nguồn, cần xây dựng kịp thời và đồng bộ các hệ thống lưới điện, từ cao thế đến trong thế và hạ thế…”, một loạt công trình lưới điện truyền tải được xây dựng mới, như: Đưa vào vận hành Đường dây 220kV Hà Đông – Hoà Bình (năm 1981); khởi công xây dựng Đường dây tải điện 110kV Đông Anh – Gia Lâm và Trạm biến áp 110kV Gia Lâm, Hà Nội (năm 1983); Khởi công xây dựng Trạm biến áp 220kV Ba La (năm 1983); …
Từ năm 1986-1990, trong giai đoạn này, một loạt các đường dây và trạm biến áp được khởi công và đưa vào vận hành, như: Đường dây 220kV Hoà Bình – Hà Đông, truyền tải điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình về Trạm biếp áp 220kV Hà Đông để hòa vào lưới điện quốc gia; các TBA 220kV: Chèm, Mai Động (Hà Nội); Ngã Ba Chè (Thanh Hóa); Hưng Đông (Nghệ An); khởi công xây dựng đường dây 110kV Huế - Đà Nẵng (năm 1987); Đường dây 110kV Thác Bà – Yên Bái – Lào Cai (2-1988) lần đầu tiên lưới điện quốc gia được đưa tới mỏ Apatit Lào Cai, tiết kiệm được 7.000 tấn dầu/năm để chạy máy phát điện.
Khi nguồn điện ngày càng được bổ sung từ những tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoàn thành và đưa vào vận hành, thì vấn đề hệ thống lưới điện bộc lộ những bất cập. Để khắc phục tình trạng này, ngành Điện đã xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 110kV Thái Nguyên – Cao Bằng, Mộc Châu – Mai Châu, Cẩm Phả - Tiên Yên, Trạm biến áp 110kV Tuyên Quang, Tiên Yên…
Giai đoạn này, lưới điện 110kV đã được đưa tới hầu hết đồng bằng sông Hồng, các huyện vùng cao biên giới Việt Bắc, Tây Bắc. Điện được kéo ra đảo Cát Hải (Hải Phòng).
Ngày 22-12-1989, khởi công xây dựng 2 mạch đường dây 220kV Hòa Bình – Ninh Bình để đồng bộ với tổ máy số 3 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, công trình được hoàn thành và đưa vào vận hành năm 1991, từng bước đưa điện phục vụ nhân dân các tỉnh miền Trung.
Sau khi các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (phía Bắc), Nhà máy Thủy điện Trị An (phía Nam) vào vận hành, lưới điện truyền tải có thêm 203km đường dây 220kV Vinh – Đồng Hới, trạm biến áp 220kV Đồng Hới, đường dây 110kV Đồng Hới – Huế - Đà Nẵng, thì 4 tỉnh miền Trung, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng có thêm lưới điện từ phía Bắc đưa vào. Từ Phía Nam, có đường dây 110kV từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đưa ra.
Đến tháng 9-1990, khu vực Bắc miền Trung đã có 466km đường dây cao thế, gồm: 203km đường dây 220kV, 263km đường dây 110kV và 4 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 73MVA.
Khi đường dây 220kV Vinh – Đà Nẵng được đưa vào vận hành, đã đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân các tỉnh miền Trung. Mặc dù, miền Trung đã hình thành lưới điện truyền tải tới cấp điện áp 220kV nhưng khoảng cách cấp điện đến các phụ tải vẫn quá dài so với yêu cầu nên chất lượng điện cuối nguồn không đảm bảo, vì vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời giải quyết vấn đề thiếu điện trong thời gian ngắn.
Ở miền Nam, một loạt đường dây truyền tải được khởi công xây dựng và đưa vào vận hành, như: Đường dây 110kV Trà Vinh - …. (1-1989), đường dây 110kV Mỹ Tho – Bến Tre , Sóc Trăng – Bạc Liêu (3-1989), khởi công xây dựng trạm biến áp 220kV Đa Nhim (12-1989), trạm biếp áp 220kV Phú Lâm (năm 1989)…
Sau khi Nhà máy Thủy điện Trị An đi vào hoạt động (1990), lưới điện cao áp và trung áp được phát triển, mở rộng. Theo đó, đã xây dựng mới 93km đường dây 220kV, 850km đường dây 110kV, 478km đường dây 35kV và 2.042km đường dây 15kV; 4 trạm biến áp 220kV (tổng dung lượng 626MVA), 16 trạm biến áp 110kV (tổng dung lượng 1.037MVA) và hàng chục trạm trung gian với tổng dung lượng 231,5MVA. Song, tại miền Nam, công suất lắp đặt chỉ đáp ứng chưa đến 90% nhu cầu sử dụng điện (công suất lắp đặt 1.005MW, nhu cầu là 1.120MW), nên phải hạn chế bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần.
Từ năm 1991-1994, trong khi miền Trung và miền Nam thiếu điện thì miền Bắc lại thừa điện do Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đưa vào vận hành đã tăng thêm 20% sản lượng cho hệ thống điện miền Bắc. Vì vậy, trong những năm đầu thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn III (1991-1995), mục tiêu phấn đấu là phải đưa điện từ phía Bắc vào đến Quảng Ngãi và từ phía Nam ra đến Quy Nhơn. Sau đó phải chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật để đấu nối nguồn điện từ Bắc vào Nam, trong đó, có việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV xuyên suốt Bắc – Nam để giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Trung và miền Nam.
Sau khi toàn bộ thông tin cơ bản về Dự án xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam được các cơ quan chức năng báo cáo Hội Đồng Bộ trưởng và được Bộ Chính trị đồng ý, ngày 12-2-1992, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Đức Lương đã ký Chỉ thị số 49/CT về việc xây dựng Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam.
Ngày 5-4-1992, Lễ khởi công xây dựng Hệ thống tải điện 500kV Bắc – Nam được tổ chức đồng thời tại các tỉnh: Hòa Bình, Quảng Nam – Đà Nẵng, Đắk Lắk và TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dự Lễ khởi công tại cung đoạn tỉnh Hòa Bình và phát lệnh khởi công xây dựng Hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam trên toàn tuyến.
Dưới sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự nỗ lực quyết tâm cao của các lực lượng tham gia xây dựng, công trình Đường dây 500kV Bắc – Nam đã hoàn thành vượt tiến độ với thời gian 2 năm xây dựng. Vào lúc 19 giờ 07 phút ngày 27-5-1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã phát lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng qua đường dây 500kV – chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và ngành Điện Việt Nam đã có “trục xương sống” 500kV chạy từ Bắc vào Nam.
Thanh Mai - Trang tin điện tử Ngành điện