Khai thác than lộ thiên ở Công ty CP Than Cọc 6, TP. Cẩm Phả. Ảnh: Nguyễn HùngUBND TP.Cẩm Phả vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với Dự án khai thác Cụm mỏ Cọc Sáu - Đèo Nai tại 11 xã, phường của TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Dự án cụm mỏ lộ thiên này rộng khoảng 1.790ha nằm trên địa bàn thuộc các phường: Cẩm Thủy, Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Tây, Cẩm Sơn, Cẩm Đông, Cẩm Phú, Cẩm Thịnh, Cửa Ông, Mông Dương và xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả.
Dự án khai thác cụm mỏ Cọc Sáu - Đèo Nai có tuổi thọ là 15 năm, dự kiến bắt từ đầu từ năm 2025, với trữ lượng than nguyên khai trên 31 triệu tấn, công suất khai thác tối đa là 2,7 triệu tấn/năm.
Về moong khai thác lộ thiên, trước mắt là kết hợp hai moong hiện trạng của mỏ Đèo Nai và mỏ Cọc Sáu; sau đó mở rộng diện tích moong về phía Tây Nam để khai thác sau năm 2029.
Cao độ đáy moong khai thác là -345m (hiện Công ty CP Than Cọc Sáu đang khai thác ở mức sâu nhất TKV, là -300m). Độ cao đổ thải lớn nhất là +295m, riêng đối với các khu vực hiện trạng địa hình đã đạt cốt cao độ +300 thì giữ nguyên hiện trạng và phục hồi môi trường.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), việc triển khai cụm mỏ Cọc Sáu - Đèo Nai là nhằm thực hiện Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26.7.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm khai thác tối đa nguồn tài nguyên than bằng phương pháp lộ thiên, phục vụ nhu cầu tiêu thụ than trong nước, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Cẩm Phả có vùng than khai thác lộ thiên lớn nhất TKV. Ảnh: Nguyễn HùngĐể khai thác cụm mỏ này, ngoài việc phát huy cơ sở hạ tầng, thiết bị sẵn có của Công ty CP Than Đèo Nai Công ty CP than Cọc Sáu, sẽ đầu tư thêm các thiết bị tiên tiến để khai thác nguồn tài nguyên than, góp phần vào sự ổn định và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 4.000 lao động trực tiếp.
Theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tới năm 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt, 2 công ty khai thác hầm lò nằm sát nhau trên địa bàn TP Hạ Long là Công ty CP Than Núi Béo và Công ty CP Than Hà Lầm sẽ sáp nhập với nhau.
Trong khi đó, Công ty CP Than Cọc Sáu sẽ sáp nhập với Công ty CP Than Đèo Nai.
Từng là công ty khai thác than lộ thiên với sản lượng lớn nhất của TKV, những năm gần đây, việc khai thác than của Công ty CP Than Cọc 6 gặp rất nhiều khó khăn do càng ngày càng phải xuống sâu dưới lòng đất. Đây được coi là công ty đang khai thác than lộ thiên ở độ sâu nhất Đông Nam Á - khoảng -300m so với mực nước biển. Thời cao điểm, có năm sản lượng than khai thác của công ty đạt hơn 3 triệu tấn, ở mức khai thác -150m. Tuy nhiên, do tình hình khai thác rất khó khăn nên chỉ tiêu trong năm 2023 được điều chỉnh giảm dần vài lần, từ khoảng 1,5 triệu tấn xuống còn khoảng 860.000 tấn. Công ty hiện có gần 1.900 cán bộ, công nhân, lao động.
Bên cạnh Than Cọc 6, Công ty CP Than Đèo Nai, với lực lượng cán bộ, công nhân, lao động cũng khoảng 1.900 người, hiện vẫn duy trì sản lượng khai thác than nguyên khai từ 2,5-2,6 triệu tấn/năm.
Hiện, tại Quảng Ninh, TKV có 17 công ty khai thác than, trong đó có 4 đơn vị khai thác lộ thiên và 13 đơn vị khai thác hầm lò. Sản lượng than khai thác của các đơn vị đạt khoảng 39-40 triệu tấn/năm, chiếm trên 95% tổng sản lượng khai thác than toàn TKV.
Theo Báo Lao động