Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác KOICA. Để đảm bảo thực hiện đúng quy định của KOICA và các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, tỉnh Điện Biên đã xây dựng tài liệu ý tưởng dự án - PCP theo mẫu KOICA đề xuất vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc để thực hiện dự án, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và tiến hành làm việc, trao đổi với phía Hàn Quốc.
Theo đó, quy mô dự án sẽ xây dựng hệ thống lưới điện cấp điện cho 2.753 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số của 52 thôn, bản thuộc 26 xã trên địa bàn 04 huyện (Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé và Tuần Giáo). Trong đó sẽ đầu tư xây dựng mới 151,746km đường dây trung áp 35kV; 51 trạm biến áp với tổng công suất là 2.825 KVA; 83,978km đường dây hạ áp 0,4kV; 2.753 công tơ; với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 539 tỷ đồng (vốn ODA viện trợ không hoàn lại của KOICA chiếm khoảng 85% vốn đầu tư; còn lại là vốn cân đối ngân sách địa phương của tỉnh).
Đoàn công tác KOICA trao đổi bên lề với lãnh đạo tỉnh Điện Biên. Tại buổi làm việc, ông Lee Byunghwa, Giám đốc Văn phòng KOICA tại Việt Nam và các thành viên trong đoàn công tác đã báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi của dự án tại 12 thôn bản của các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé và Nậm Pồ diễn ra trong 5 ngày (09-13/01/2024). Qua đó, Đoàn công tác đã nêu ra tình hình thực tế về việc sử dụng điện của người dân trên địa bàn tỉnh cũng như một số khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân khi thiếu điện. Một số địa bàn, người dân có dùng điện năng lượng mặt trời song chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong sinh hoạt và sản xuất…
Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên” rất phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên cũng như quy hoạch điện lực trong toàn quốc nói chung; đồng thời góp phần quan trọng vào chiến lược xóa đói, giảm nghèo và quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ Việt Nam. Đại biểu đề nghị việc đối ứng của người dân trong hỗ trợ máy móc, thiết bị điện để đảm bảo tính bền vững của dự án; tính toán về số trạm, cột, dây điện cho phù hợp với khả năng mua sắm vật tư trong nước; rút ngắn thời gian mua sắm, đảm bảo tính đồng bộ, duy tu, bảo dưỡng của các đơn vị điện lực địa phương…
Đại diện một số sở, ngành tỉnh Điện Biên cũng giải đáp và làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện dự án; nêu ra một số khó khăn trong quá trình thực hiện tại địa phương…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn bảy tỏ đồng thuận việc đầu tư thí điểm điện năng lượng mặt trời theo nhóm hộ. Đồng thời đề nghị KOICA và Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm sớm hoàn thiện các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án và mong dự án sớm được triển khai… Về ý tưởng hỗ trợ sinh kế cho người dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh hoàn toàn nhất trí với Đoàn công tác và khẳng định đây là ý tưởng rất ý nghĩa song cần phải có sự đối ứng của người dân để nâng cao hiệu quả thực hiện…
Theo Báo Điện Biên Phủ điện tử