Kiểm tra các thiết bị trước khi đóng điện Qua đó, góp phần giúp tỉnh thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển toàn diện.
Hệ thống lưới điện có vai trò quan trọng, là nguồn năng lượng giúp các chuỗi cung ứng hình thành và phát triển, chất lượng nguồn điện ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm cũng như năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Hướng đến mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp, những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) đã phối hợp với tỉnh sớm hoàn thiện quy hoạch, thống nhất và đưa ra lộ trình phát triển của hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh và triển khai nhiều dự án quy mô, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tính đến ngày 31/12/2023, PC Vĩnh Phúc đang quản lý 179,142km đường dây 110kV; 560,84km đường dây 35kV; 1.497,67km đường dây 22kV; 2.657,32km đường dây 0,4kV; 11TBA 110kV/21MBA/1.277MVA; 3.446 trạm biến áp phân phối/ 3.628 MBA /1.925MVA. Trong năm 2023, để duy trì và nâng cao chất lượng lưới điện, EVNNPC đã giao PC Vĩnh Phúc thực hiện 68 dự án, xây dựng mới và cải tạo 70,02 km đường dây trung thế; xây dựng mới và cải tạo 85,01 km đường dây hạ thế; xây dựng mới và cải tạo 129 TBA với tổng công suất 51.000 kVA.
Trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào tháng 10/2023, 2 bên đã thống nhất hoàn thành tốt các các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, đặt biệt là các dự án lưới điện 110kV trọng điểm. Ngoài ra, xây dựng bổ sung các xuất tuyến 22kV sau các TBA 110kV để cấp điện cho các khu công nghiệp Khai Quang, Bình Xuyên 2, Bá Thiện, Bá Thiện 2,...
Đồng thời, vận hành tối ưu lưới điện, đảm bảo duy trì vận hành điện áp tại thanh cái trung áp các TBA 110kV đúng chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Cập nhật, theo dõi trào lưu công suất phản kháng trên các đường dây 110kV để có phương thức vận hành các bộ tụ bù ứng động tại các TBA 110kV Lập Thạch, Vĩnh Tường, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Hội Hợp, Thiện Kế và Vĩnh Yên 2 phù hợp với nhu cầu thực tế. Thực hiện khép vòng 117 cặp đường dây trung áp sau các trạm 110kV để không gây mất điện khách hàng khi chuyển phương thức cấp điện cũng như hạn chế phạm vi mất điện. Xử lý triệt để các khiếm khuyết tại các đợt kiểm tra. Lập kế hoạch vệ sinh, bảo dưỡng cách điện hotline; Thay thế các cách điện không đảm bảo vận hành và bảo dưỡng thiết bị phụ kiện trên đường dây. Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thi công, sửa chữa bằng công nghệ hotline trên lưới điện 22kV đang mang điện, không làm mất điện khách hàng trong quá trình sửa chữa, công tác.
Đại diện PC Vĩnh Phúc cho biết: Đảm bảo cho mục tiêu phát triển, PC Vĩnh Phúc đã và đang tập trung các nguồn lực, nỗ lực triển khai các dự án điện, đặc biệt là các dự án phục vụ phát triển công nghiệp tại các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Tam Dương. Tuy nhiên, hiện còn gặp không ít khó khăn bởi thời gian thực hiện thủ tục pháp lý kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện.
Thêm vào đó, Quy hoạch sử dụng đất theo yêu cầu chung là phải được đăng ký trước từ 5 đến 10 năm. Việc này đối với dự án điện nói chung (dự án nguồn, dự án phân phối), dự án phân phối nói riêng là không khả thi do dự án điện được lập, duyệt và triển khai xây dựng bổ sung hằng năm theo nhu cầu phát triển thực tế (thường từ 02 đến 03 đợt /1 năm) nhằm bám sát và đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về điện. Diện tích đất thu hồi sử dụng cho mục đích năng lượng chủ yếu là nhỏ lẻ và phân tán. Đa phần các dự án được xây dựng liên kết từ 2 huyện trở lên.
Để đẩy nhanh tiến độ các công trình điện, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh cho áp dụng đơn giá đất thu hồi theo đơn giá đất UBND tỉnh ban hành hoặc áp dụng đơn giá đất theo đơn giá các công trình, dự án đã phê duyệt gần nhất của địa phương, lân cận nơi có công trình năng lượng đi qua mà không phải thuê đơn vị tư vấn xây dựng đơn giá đất thu hồi (hệ số k).
Với việc đóng điện các công trình điện, đảm bảo cung ứng điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới. Để sẵn sàng đón “sóng” đầu tư, PC Vĩnh Phúc nói riêng và ngành Điện nói chung cần tăng cường phối hợp các sở ngành của tỉnh để giải quyết khó khăn vướng mắc cho các dự án điện. Từ đó, hoàn thiện lưới điện đáp ứng tốt nhu cầu gia tăng phụ tải, đảm bảo tăng trưởng theo mục tiêu đặt ra, sớm hoàn thành mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của khu vực và cả nước.
Theo NPC