Theo đó, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã triển khai cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử và dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đạt 100%. Mọi công đoạn của dịch vụ được thực hiện qua môi trường mạng, từ khâu tiếp nhận yêu cầu dịch vụ tới việc ký hợp đồng (thực hiện theo phương thức nhận mã OTP qua tin nhắn điện thoại, thay vì kí giấy như trước đây).
Cùng với đó, Công ty đã hợp tác với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh (BIDV, Vietinbank, Agribank, VCB, MB, Lienvietpostbank...) và các tổ chức trung gian (Bưu điện, Viettel, Payoo, VNPay, VNPT-Media, Vimo, Momo...) trong việc thu hộ tiền điện qua cổng thanh toán điện tử. Với những nỗ lực này, tính đến hết tháng 2, đã có 209.581/273.452 khách hàng sử dụng điện thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 76,64%.
Cán bộ Điện lực Chiêm Hóa hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ trực tuyến, thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.Bằng cách sử dụng dịch vụ thanh toán qua các ngân hàng và tổ chức trung gian, khách hàng không tốn chi phí khác mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác. Điều này phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, nhất là cán bộ, công nhân viên, doanh nghiệp bận rộn không có thời gian đóng tiền điện vào khung giờ hành chính mà có thể thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Khoảng 5 năm nay, gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung, tổ 13, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) không phải bận tâm đến việc có thể bị cắt điện do thường xuyên vắng nhà khi quá thời hạn nộp tiền điện theo quy định. Giờ đây, chị có thể dễ dàng nộp tiền điện qua ứng dụng ViettelPay trên điện thoại di động.
Chị Nhung cho biết, việc không sử dụng tiền mặt giúp chị tiết kiệm thời gian, quản lý chi tiêu dễ dàng do luôn nắm được thông báo của ngành điện về điện năng sử dụng, số tiền phải trả cụ thể, rõ ràng trước khi thanh toán. Đồng thời, không phải lo ngại tình trạng giả mạo nhân viên thu tiền, lừa gạt người sử dụng...
Không chỉ mang lại những tiện ích thiết thực cho khách hàng, việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt còn giúp ngành điện nâng cao hiệu suất lao động, tăng cường sự quản lý của nhà nước, sự minh bạch, thuận tiện trong giao dịch dịch vụ điện.
Ông Lê Mạnh Ngọc, xóm 4, xã Trung Môn (Yên Sơn) cho biết, trước đây, mỗi tháng cứ đến ngày cố định thu tiền điện là ông phải đến điểm thu tiền điện của Điện lực Yên Sơn để nộp, cũng có 1 vài lần vì bận công việc mà quá hạn nộp tiền điện. Nhưng từ khi ngành Điện thực hiện đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện, trong đó có phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, ông cảm thấy tiện lợi rất nhiều, ông đã đăng ký thực hiện thanh toán tiền điện qua hình thức trích nợ tự động nên khi nhận được tin nhắn thông báo số tiền điện phải đóng, ngân hàng sẽ trích nợ từ tài khoản của ông.
Nhằm tiếp tục đem những tiện ích đến với khách hàng, thời gian tới, Công ty Điện lực Tuyên Quang tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt. Để đạt được mục tiêu đó, ông Trần Xuân Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết, Công ty sẽ tăng cường chỉ đạo các Điện lực lập kế hoạch triển khai phát triển khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt theo từng tháng, quý, năm.
Đồng thời, Công ty Điện lực Tuyên Quang sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các đối tác thu hộ tiền điện tích cực vận động và tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phương thức không dùng tiền mặt…
Ðể nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch giữa ngành Điện với khách hàng, Công ty Điện lực Tuyên Quang sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích khách hàng ứng dụng các giao dịch theo phương thức điện tử, sử dụng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt… Từ đó góp phần nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ, hoàn thành mục tiêu số hóa của ngành Điện.
Theo Báo Tuyên Quang