Trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng là xu hướng, nguồn năng lượng tái tạo tăng cao, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống Pin lưu trữ điện nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đạt được các mục tiêu hội nhập về môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Bà Sunita Dubey, Quản lý dự án quốc gia (Country Delivery Lead) tại Việt Nam, Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) về vấn đề này.
Bà đánh giá như thế nào về quá trình phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
Có thể nói trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành điểm sáng khu vực cũng như trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam cũng thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với quá trình giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu bằng những cam kết cụ thể tại COP 26.
Quá trình này vẫn đang tiếp tục được các lãnh đạo Nhà nước Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ cả từ bên trong, bên ngoài và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Mới đây, chuyến công tác đến nước Úc thành công của Thủ tướng Phạm Minh Chính là minh chứng rõ nét cho những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, đặc biệt là công cuộc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và tích hợp Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS). Tiến trình này không chỉ là tấm gương tích cực cho các nước trong khu vực mà còn giúp Việt Nam thu hoạch thêm những hiểu biết giá trị trên hành trình chuyển đổi năng lượng.
Bà Sunita DubeyBằng kinh nghiệm của mình, bà có thể chia sẻ lý do tại sao cần đẩy mạnh phát triển hệ thống lưu trữ Pin?
Quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng chủ chốt của Úc từ than sang năng lượng tái tạo đã chỉ ra tiềm năng to lớn của BESS. Với sự gia tăng đáng kể về mặt công suất của BESS ước tính trong năm 2032, Úc đã sẵn sàng trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực sử dụng công nghệ đột phá này. Quá trình chuyển đổi này cũng đặc biệt cấp thiết mặc dù nguồn tài nguyên than nội địa của Úc vẫn rất dồi dào; đồng thời chỉ ra con đường thay đổi mô hình theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh.
Việt Nam đang trong thời điểm vàng trên hành trình chuyển đổi năng lượng với công suất lắp đặt năng lượng tái tạo khổng lồ và các kế hoạch mở rộng đầy triển vọng. Kế hoạch Quy hoạch điện VIII đã vạch ra tầm nhìn cho việc triển khai năng lượng tái tạo theo các cam kết toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu. Các tập đoàn đa quốc gia lớn như: Apple, Microsoft, Samsung, Nike, PepsiCo, Proctor and Gamble, Nestle và Unilever cũng đã cam kết chuyển đổi sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Điều này chỉ ra rằng nhu cầu về nguồn năng lượng sạch đang ngày càng tăng ở Việt Nam.
Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng Pin sẽ mở ra cơ hội lớn cho năng lượng tái tạo Theo bà Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng Pin sẽ mang lại những lợi ích gì cho quá trình chuyển dịch năng lượng cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia?
Việc tích hợp BESS vào cơ sở hạ tầng năng lượng tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này. Bằng cách lưu trữ năng lượng dư thừa trong thời kì nhu cầu sử dụng đang thấp và giải phóng năng lượng trong giai đoạn cao điểm, BESS có thể tăng cường tính linh hoạt của lưới điện, giảm lượng khí thải và giảm chi phí điện. Tuy nhiên, để tối ưu hóa những lợi ích này, Việt Nam phải đẩy nhanh việc triển khai BESS và thực hiện thêm các chính sách, quy định nhằm hỗ trợ.
Mặc dù Việt Nam đã triển khai những bước đầu trên hành trình chuyển đổi năng lượng bằng cách đưa mục tiêu đạt 300 MW năng lượng dự trữ (BESS) vào Quy hoạch điện VIII, thế nhưng vẫn cần triển khai thêm nhiều hành động mạnh mẽ hơn nữa. Bằng cách học hỏi kinh nghiệm của các nước láng giềng đã chủ động tích hợp BESS vào việc sản xuất năng lượng tái tạo như: Indonesia, Thái Lan và Philippines, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình hướng đến tương lai phát triển năng lượng bền vững.
Theo báo cáo của nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới - Công ty Công nghệ Contemporary Amperex, chi phí pin lithium ngày càng giảm đi liền với những tiến bộ công nghệ đã giúp BESS có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận. Việt Nam cũng nên tận dụng xu hướng này để thu hút đầu tư, tạo thêm việc làm liên quan đến năng lượng xanh và tăng cường an ninh năng lượng. Bằng cách khai thác năng lượng tái tạo cho các quy trình sản xuất, Việt Nam có thể sản xuất các sản phẩm bền vững đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế trên thị trường quốc tế.
Tích hợp BESS chính là chìa khóa quan trọng giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng khi Việt Nam vạch ra lộ trình hướng tới an ninh năng lượng và bền vững. Nếu nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam sẽ có khả năng vươn mình trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực đổi mới năng lượng sạch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ hành tinh chung cho các thế hệ sau. Bằng cách bám sát vào những tiềm năng của việc lưu trữ pin, Việt Nam sẽ tự mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng và bền vững hơn thế nữa.
Xin cảm ơn Bà!
Theo Báo Công Thương