Đại diện Công ty TNHH Dệt Texhong Nhơn Trạch giới thiệu giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp tại nhà máy. Ảnh: H.Lộc Các giải pháp trên đã được các DN trên địa bàn tỉnh chia sẻ tại hội thảo Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuối tháng 6-2023.
* Tối ưu hóa nguồn năng lượng
Là những DN sử dụng nhiều năng lượng nhất tỉnh, thời gian qua, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam và Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, H.Nhơn Trạch) đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL).
Cụ thể, hạn chế vận hành các thiết bị tiêu thụ điện lớn vào khung giờ cao điểm từ 9-11 giờ và từ 17-20 giờ hàng ngày. Hầu hết các thiết bị điện, nhất là thiết bị chiếu sáng và máy công suất lớn được thay bằng loại tiết kiệm điện và biến tần (inverter). DN thành lập tổ theo dõi, nhắc nhở và giám sát việc tiết kiệm điện tại các bộ phận… Nhờ vậy, mỗi tháng DN tiết kiệm 2-3 tỷ đồng, chỉ số sử dụng năng lượng trên một đơn vị sản phẩm ngày càng thấp.
Để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, Đồng Nai cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng.
Tại Công ty CP TKG TaeKwang Vina thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), ở khu vực văn phòng áp dụng mở hết rèm cửa, mở máy lạnh muộn và tắt sớm hơn 1 giờ so với trước. Khu vực sản xuất, tất cả xưởng đều lắp tôn sáng để lấy ánh sáng tự nhiên, thay đèn compact bằng đèn LED. Ngoài ra, DN phát động và tổ chức huấn luyện cho toàn thể cán bộ, nhân viên thực hành TKNL.
“Công ty có 4 nhà máy, khoảng 36 ngàn lao động làm việc tại Đồng Nai. Việc huấn luyện cho từng người lao động có ý thức và hình thành thói quen TKNL đã mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài ra, công ty đang triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 9,3 ngàn kWp. Hệ thống đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm tiêu thụ điện của DN, tăng tỷ lệ năng lượng xanh theo yêu cầu của đối tác” - ông Phan Tấn Học, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP TKG TaeKwang Vina cho hay.
Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý năng lượng Sở Công thương Trần Minh Đạt đánh giá, nhiều DN đã và đang thực hiện rất tốt việc TKNL. Điều này vừa giúp DN giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh, vừa góp phần giảm khí thải CO2 ra môi trường, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của tỉnh. Không những vậy, DN được công nhận sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn có lợi thế hơn khi đàm phán với đối tác và xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Để hỗ trợ các DN, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch với các giải pháp cụ thể. Trong đó có hoạt động hỗ trợ DN kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng. Kiến nghị các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc cho phát triển năng lượng tái tạo.
* Góp phần phát triển sản xuất xanh
Trong cơ cấu năng lượng của tỉnh, điện sản xuất công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 70% sản lượng. Từ đầu năm đến nay, mặc dù cung ứng điện gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh chưa áp dụng cắt điện, không “áp” chỉ tiêu TKLN đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Điều này cho thấy nỗ lực của tỉnh trong thực hiện cam kết đảm bảo năng lượng cho các DN.
Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Trương Đình Quốc chia sẻ, từ đầu năm đến nay, điện lực đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện TKNL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các văn của UBND tỉnh. Vì vậy, toàn tỉnh không xảy ra thiếu điện, tiết kiệm được hơn 2,1% tổng sản lượng điện tiêu thụ.
Dự báo từ nay đến cuối năm, cung ứng điện sẽ thuận lợi hơn. Nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất và các hoạt động khác vẫn đảm bảo, nhưng vẫn cần các DN quan tâm đổi mới trang thiết bị, đầu tư công nghệ để TKNL, thực hiện điều chỉnh phụ tải (thay đổi khung giờ sản xuất cao điểm) khi có yêu cầu của ngành Điện.
Giám đốc Điện lực Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa Phạm Hồng Diễm cho biết, việc ưu tiên đảm bảo nguồn điện cho sản xuất công nghiệp của tỉnh có ý nghĩa rất lớn với các DN, người lao động trong giai đoạn hiện nay. Thấy được điều đó, Khu công nghiệp Amata đã tuyên truyền, yêu cầu các DN thực hiện tiết giảm điện trong sản xuất, chiếu sáng kết hợp với điều chỉnh khung thời gian sản xuất. Nhờ đó, tổng sản lượng điện tiêu thụ từ khoảng 18 ngàn kWh/tháng giảm còn khoảng 16 ngàn kWh/tháng. “Chúng tôi vẫn đang thực hiện TKNL bằng nhiều cách vì mục tiêu đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, thúc đẩy hình thành khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của tỉnh” - ông Diễm nói.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực song TKNL vẫn còn nhiều hạn chế vì một bộ phận DN chưa quan tâm. Thời gian qua, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, vì thế các DN phải ưu tiên duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động thay vì đổi mới công nghệ. Tỉnh chưa áp dụng chế tài xử phạt đối với đơn vị, DN không TKNL.