Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 15/4, Bộ Chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi nước cho biết việc thành lập Enegem phù hợp với nguyện vọng và cam kết chuyển đổi năng lượng của Malaysia, nhằm hỗ trợ hội nhập năng lượng khu vực thông qua Sáng kiến Lưới điện ASEAN (APG). Theo đó, việc bán năng lượng xuyên biên giới thông qua nền tảng Enegem sẽ được thực hiện dựa trên “Hướng dẫn bán điện xuyên biên giới (CBES)” mới nhất do Ủy ban Năng lượng quốc gia ban hành.
Tuyên bố cho biết: “Quy trình đấu giá bán điện Xanh xuyên biên giới sẽ bắt đầu bằng đợt chạy thử nghiệm 100 megawatt (MW), sử dụng kết nối hiện có giữa Singapore và phần Bán đảo Malaysia”.
Một trong những đặc điểm chính của sàn đấu giá mua điện Xanh là chương trình thí điểm dành cho các nhà thầu năng lượng tái tạo (RE) có giấy phép phát điện hoặc bán lẻ cho thị trường điện Singapore. Các nhà thầu RE quan tâm phải đăng ký với bên mua để tham gia đấu giá.
Sau khi hoàn tất quá trình đánh giá năng lực, những ứng cử viên sẽ được thông báo để tiến hành đấu giá mua điện Xanh vào ngày đấu giá được chỉ định. Sau đó, đơn vị trúng thầu sẽ ký kết thỏa thuận cung cấp năng lượng tái tạo với bên mua để mua và bán điện Xanh.
Các nhà thầu RE quan tâm có thể đăng ký ý định tham gia thông qua Bộ Chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi nước hoặc trang web của bộ từ ngày16/4. Bộ trên nhấn mạnh việc đấu giá thông qua nền tảng Enegem sẽ cho phép Malaysia tăng cường khuôn khổ tích hợp điện xuyên biên giới, đồng thời mở đường cho sự phát triển năng lượng tái tạo và hợp tác khu vực về buôn bán năng lượng xuyên biên giới giữa các nước ASEAN.
APG là sáng kiến xây dựng kết nối quyền lực khu vực nhằm kết nối khu vực, trước tiên là trên cơ sở song phương, sau đó dần dần mở rộng sang cơ sở tiểu vùng để hình thành một hệ thống lưới điện tích hợp tổng thể ở Đông Nam Á. Điện được sản xuất từ các nguồn tài nguyên như năng lượng Mặt Trời, gió, địa nhiệt, sinh khối và các cơ sở thủy điện được gọi là điện Xanh.
Theo Bnews/TTXVN.