Sản lượng điện tiêu thụ liên tiếp lập đỉnh
Ngay trong những ngày đầu tháng 4/2024, sản lượng điện tiêu thụ của TP. Hồ Chí Minh liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023 (94,8 triệu kWh - ngày 6/5/2023). Cụ thể, sản lượng điện tiêu thụ của thành phố vượt mốc đỉnh 95,12 triệu kWh trong ngày 3/4; đạt 96,89 triệu kWh trong ngày 5/4. Tiếp đó, lượng điện tiêu thụ đạt đỉnh với hơn 97,87 triệu kWh trong ngày 9/4, tăng hơn 3 triệu kWh so với năm 2023. Đây là sản lượng điện tiêu thụ được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay.
Nắng nóng gần kéo dài, lượng điện tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tăng
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), tính đến hết quý I năm 2024, toàn thành phố có hơn 2,76 triệu hộ gia đình đăng ký sử dụng điện (tăng hơn 10.000 hộ so với cuối năm 2023. Sản lượng điện thương phẩm tháng 3/2024 đạt 2,623 tỷ kWh (tăng 13,47% so với cùng kỳ năm 2023).
Sản lượng điện tiêu thu bình quân ngày trong tháng 3/2024 đạt 84,84 triệu kWh/ngày, tăng 8,31% so với cùng kỳ tháng năm 2023 (78,33 triệu kWh/ngày). Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 10,79%. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng 5,3%; sản lượng tiêu thụ điện của nhóm khách hàng sinh hoạt, hộ gia đình tăng gần 15%. Tỷ lệ khách hàng sử dụng từ thang giá điện bậc 6 tăng cao hơn 30% (trước đó chỉ khoảng 20%).
Phó Tổng giám đốc EVNHCMC Bùi Trung Kiên cho biết, thời tiết trong quý II tại thành phố thường là cao điểm nắng nóng trong năm. Riêng năm nay, nhiệt độ tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả khu vực miền Nam nói chung tiếp tục tăng đến 36 - 38 độ C, nhiệt độ thực tế ngoài trời có lúc lên đến 40 - 41 độ C và số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn.
Đặc biệt, những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, thời tiết oi bức từ sáng sớm và kéo dài đến đêm nên nhu cầu sử dụng điện tăng lên rất cao. Tần suất sử dụng các thiết bị điện trong nhà, nhất là các thiết bị làm mát, giải nhiệt của các hộ gia đình tăng, máy lạnh được sử dụng thường xuyên hơn dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm.
Phó Tổng giám đốc EVNHCMC nhấn mạnh, dự báo sản lượng điện tiêu thụ trong những ngày tới và cả tháng 5/2024 sẽ tiếp tục tăng cao đến 30 - 40%. Tổng sản lượng tiêu thụ cực đại toàn thành phố dự báo có thể đạt từ 99 - 100 triệu kWh/ngày; công suất cực đại đạt gần 4.900MW.
Nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp
Trước dự báo sản lượng điện tiếp tục tăng cao do nắng nóng gay gắt, EVNHCMC đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vừa để đảm bảo nguồn điện an toàn; tăng khả năng cung cấp điện. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp và người dân đa dạng hóa các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả.
Theo đó, EVNHCMC đã xây dựng kế hoạch, kịch bản điều hành chi tiết cho tiết kiệm điện, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, đáp ứng đầy đủ cho yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố; lắp đặt, hệ thống điện dự phòng có công suất từ 40 - 60% (tùy theo cấp điện áp) đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phụ tải của thành phố theo tất cả các kịch bản tăng trưởng.
Để đảm bảo nguồn điện, EVNHCMC đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình tăng khả năng cung cấp điện; tăng cường giám sát và có phương án xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng đầy, quá tải; thực hiện bảo trì lưới điện, xử lý các điểm khiếm khuyết; lập kế hoạch điều chỉnh phụ tải cho năm 2024…
Trước tình hình tiêu thụ điện tăng cao, EVNHCMC đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo điện Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP. Hồ Chí Minh cũng liên tục giám sát, có phương án không để các đường dây 220kV/110kV/22kV, máy biến áp 220kV/110kV xảy ra tình trạng đầy, quá tải trong chế độ làm việc bình thường. Tổng công ty cũng chỉ đạo các công ty điện lực rà soát, xử lý không để xảy ra tình trạng đầy, quá tải trạm biến áp phân phối; thực hiện bảo trì lưới điện, xử lý các điểm khiếm khuyết; lập kế hoạch điều chỉnh phụ tải năm 2024.
EVNHCMC cũng chú trọng, đẩy mạnh triển khai tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp và người dân tăng cường thực hiện tiết kiệm điện; sẵn sàng các phương án điều tiết khi có yêu cầu; rà soát, cập nhật danh sách ngừng giảm mức cung cấp điện trong trường hợp khẩn; lập danh sách thứ tự ưu tiên các tuyến dây và cáp ngầm trung thế theo ngày nghỉ luân phiên. Đồng thời thực hiện diễn tập phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô trong các trường hợp.
Nắng nóng kéo dài sẽ khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ. EVNHCMC kêu gọi khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện; nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao.
Do nắng nóng, người dân chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh nên cài đặt ứng dụng EVNHCMC CSKH trên điện thoại di động để có thể theo dõi lượng điện sử dụng hàng ngày, chủ động điều chỉnh thói quen sử dụng điện để tiết kiệm điện.
Tổng công ty cũng đề nghị khách hàng khi gặp sự cố điện, hãy sử dụng hình thức nhắn tin báo sự cố qua các kênh: app EVNHCMC CSKH, Zalo và Fanpage Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh để giảm tình trạng tổng đài điện thoại bị nghẽn mạch. Thông tin tiếp nhận qua các kênh nêu trên đều được ghi nhận qua hệ thống và chuyển đơn vị phụ trách địa bàn xử lý ngay.
Theo EVN