Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trao tặng bằng khen cho Công ty Điện lực Yên Bái - là một trong các doanh nghiệp đã có thành tích xuất sắc trong nộp ngân sách nhà nước năm 2023.
Dấu ấn thời gian:
Hoàng Liên Sơn là tỉnh miền núi phía Bắc được sát nhập từ 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Đất rộng người thưa, địa bàn rừng núi hiểm trở, chia cắt bởi đèo cao, suối sâu, kinh tế chậm phát triển, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống dân trí thấp, nhiều tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ là những trở ngại lớn đối với sự phát triển của ngành điện trên dải đất phên dậu này.
Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, ngày 25/4/1979, trước yêu cầu của sự ổn định và phát triển, Bộ Điện - Than đã ra quyết định thành lập Sở Quản lý và Phân phối điện Hoàng Liên Sơn (trên cơ sở tổ chức lại Nhà máy điện Lào Cai). Đến tháng 10/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia tách thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, thì đến tháng 12/1991, Sở Quản lý và Phân phối điện Hoàng Liên Sơn cũng được chia tách thành Sở Điện lực Yên Bái và Sở Điện lực Lào Cai (trực thuộc sự quản lý của Công ty Điện lực 1).
Nhiệm vụ trọng tâm của Sở Điện lực Yên Bái là quản lý lưới điện; phân phối và kinh doanh điện năng; xây dựng, cải tạo, sửa chữa lưới điện, nguồn điện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời có trách nhiệm tham gia với tỉnh trong việc quy hoạch, kế hoạch phát triển lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quản lý sử dụng có hiệu quả toàn bộ tài sản lưới điện, nguồn điện, vốn.
Ngày 14/10/2010, tiếp tục thực hiện chuyển đổi hình thức quản lý và phân phối điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đổi tên Điện lực Yên Bái thành Công ty Điện lực Yên Bái (trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc).
Ngày đầu thành lập, Sở Quản lý và Phân phối điện Hoàng Liên Sơn chỉ có 88 cán bộ, công nhân viên gồm 7 kỹ sư, kỹ thuật, trung cấp và 81 công nhân, nhưng phải đảm nhận một khối lượng công việc lớn trên một địa bàn trải dài hàng trăm km xuyên qua rừng núi suối sâu, đèo cao (từ Yên Bái đến Lào Cai).
Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, cán bộ, công nhân viên ít, năng lực hạn chế, cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn. Lúc này trên địa bàn Yên Bái chỉ có 3 trạm biến áp trung gian cung cấp điện cho nhân dân khu vực thị xã Yên Bái qua đường dây 35 kV và một vài trung tâm huyện, nhưng hầu hết lưới điện đã xuống cấp, hư hỏng, độ an toàn và tính hiệu quả không cao trong điều kiện vừa phải sắp xếp, ổn định bộ máy tổ chức vừa phải xây dựng cơ chế, triển khai sản xuất, kinh doanh là những khó khăn, trở ngại rất lớn.
Thời kỳ mới thành lập, đơn vị vừa lo quản lý lưới điện vận hành an toàn, đáp ứng tối thiểu nhu cầu dùng điện của một bộ phận nhân dân và cơ quan quản lý hành chính, vừa phải tăng gia, tự túc để ổn định cuộc sống. Lực lượng lao động ít, lại không được đào tạo bài bản; lưới điện cũ nát nhưng không có kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nên càng xuống cấp trầm trọng, dẫn tới tỷ lệ tổn thất tăng cao, suất sự cố lớn, chất lượng điện năng không đảm bảo.
Với quyết tâm vượt khó vươn lên, ngoài việc duy trì quản lý vận hành lưới điện hiện có, CBCNV Sở Quản lý và Phân phối điện Hoàng Liên Sơn và sau đó là Sở Điện lực Yên Bái vừa phát huy nội lực, vừa tích cực tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, huy động mọi nguồn lực, chắt chiu từng đồng vốn để cải tạo, nâng cấp các đường dây và trạm biến áp, đồng thời thực hiện đưa toàn bộ công tơ trong nhà ra ngoài cột để tiện theo dõi và ngăn ngừa tiêu cực, trộm cắp điện.
Theo đó, vào những năm 1987 - 1988, xuất phát từ nhu cầu thực tế về điện để phát triển kinh tế - xã hội, Điện lực tỉnh Yên Bái đã xây dựng được trạm biến áp 110 kV đầu tiên, mở ra một giai đoạn mới để ngành điện đẩy mạnh phát triển lưới điện phân phối.
Từng bước củng cố xây dựng và phát triển cả về quy mô tổ chức và quản lý tài sản, đến ngày 30/6/1993, Sở Điện lực Yên Bái chuyển thành doanh nghiệp nhà nước (theo Quyết định 492/NL/TCCB-LĐ của Bộ Năng lượng).
Tổ chức bộ máy giai đoạn này có 5 phòng chuyên môn, 4 chi nhánh điện gồm: Trấn Văn; Yên Bái; Lục Yên và Yên Bình, với tổng số lượng 273 CBCNV, quản lý vận hành 39 trạm biến áp phân phối, trong đó có 6 trạm biến áp trung gian, 33 trạm biến áp phân phối 10/0,4 kV (dung lượng 6.600 kVA). Toàn tỉnh có 153,22 km đường dây 35 kV; 84,28 km đường dây 0,4 kV và 24,26 km đường dây 10 kV. Ngày 8/3/1996 theo Quyết định số 230/ĐVN/TCCB-LĐ của Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Sở Điện lực Yên Bái được đổi tên thành Điện lực Yên Bái.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái Nguyễn Xuân Thủy thăm hỏi, hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách (tại xã Suối Quyền - huyện Văn Chấn).
Có thể thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành điện Việt Nam, trong đó ngành điện lực Yên Bái cũng không ngừng đi lên cả tầm vóc và quy mô, trong đó rõ nét nhất là việc quan tâm đầu tư phát triển lưới điện trung hạ áp nông thôn. Đến cuối năm 1996, Yên Bái đã có 196,82 km đường dây 35 kV; gần 37 km đường dây 10 kV và gần 96 km đường dây 0,4 kV. Toàn tỉnh có 7 trạm biến áp trung gian 35/0,4 kV (dung lượng 13.800 kVA); 45 trạm biến áp phân phối 10/0,4 kV (dung lượng 8.100 kVA) và 13 trạm biến áp phân phối 35/0,4 kV (dung lượng 2.340 kVA).
Thời kỳ này, mặc dù Yên Bái còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đóng góp của Điện lực Yên Bái vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh là vô cùng quan trọng. Khi có điện sẽ giúp cho đồng bào các dân tộc, người dân khu vực nông thôn, vùng cao, vùng xa từng bước xóa đói, giảm nghèo, bài trừ các tập tục mê tín dị đoan, nâng cao đời sống dân trí, đặt nền móng ban đầu cho giai đoạn phát triển mới.
Ngày 31/1/2000, Điện lực Yên Bái bắt đầu tập trung phát triển lưới điện về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng cao. Với sự vào cuộc của cả hệ thống, đến năm 2005 đã có 89% số xã và 83% số hộ có điện lưới quốc gia. Lưới điện phát triển rộng khắp các vùng nông thôn đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh an sinh xã hội. Đến năm 2005, Điện lực Yên Bái đã tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, đa dạng hóa loại hình kinh doanh điện năng, đồng thời tích cực tham mưu, đề xuất với ngành điện và địa phương ưu tiên huy động mọi nguồn vốn để hoàn thiện hệ thống lưới điện khu vực địa bàn nông thôn, đồng bộ với việc từng bước tiếp nhận lưới điện trung hạ áp nông thôn để tiến tới bán điện trực tiếp đến từng hộ dân.
Vững bước đi lên trên chặng đường mới:
Tháng 10/2010, thực hiện Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động theo chủ trương sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, Điện lực Yên Bái được chuyển mô hình hoạt động và đổi tên thành Công ty Điện lực Yên Bái (theo Quyết định số 223/QĐ-EVN ngày 14/4/2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Đây được coi là bước ngoặt quan trọng, một chặng đường mới đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành điện Yên Bái sau hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành.
Tầm vóc, vị thế của ngành điện được ghi nhận, đề cao, đồng nghĩa với việc trách nhiệm càng lớn. CBCNV Công ty Điện lực Yên luôn ý thức được trách nhiệm của mình là phải hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, ổn định và nâng cao đời sống người lao động; đồng thời, phải đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, chính trị, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, chú trọng phát triển và từng bước cải thiện chất lượng lưới điện nông thôn. Bằng nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả, chỉ trong thời gian ngắn, Công ty Điện Lực Yên Bái đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia tới 95,6% số xã, thị trấn và hơn 86,94% số hộ dân trong tỉnh.
Không chỉ tập trung phát triển lưới điện trung hạ áp trên địa bàn tỉnh, Công ty cũng đã chủ động tham mưu đề xuất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và UBND tỉnh Yên Bái ủng hộ, giúp đỡ về vốn để xây dựng mới nhiều trạm biến áp cao thế, nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ tải trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Đến cuối năm 2010, lưới điện trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, với hơn 1.350 km đường dây 35 kV, 22 kV; khoảng 2.000 km đường dây 10 kV; 0,4 kV và gần 1.000 trạm biến áp 35/10 kV - 10 kV - 0,4 kV (tổng dung lượng 120.233 kVA). Đáng chú ý là toàn bộ lưới điện trong tỉnh đều đảm bảo các chỉ tiêu thông số kỹ thuật, có độ tin cậy, an toàn cao, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nhân dân, với mức tăng trưởng điện bình quân hàng năm từ 10 - 13%.
Sửa chữa điện miễn phí nhân tháng Tri ân khách hàng năm 2023 (tại xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn).
Hiện tại, Công ty Điện lực Yên Bái có 530 CBCNV, 245 đảng viên sinh hoạt tại 13 chi bộ trực thuộc; 4 người có trình độ thạc sỹ; 245 người có trình độ đại học; 56 người có trình độ cao đẳng, còn lại là trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật, tất cả được đào tạo tại các trường chuyên ngành điện hàng đầu ở Việt Nam. Trưởng thành đi lên cùng năm tháng, CBCNV Công ty Điện lực Yên Bái càng ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, có thêm nghị lực và quyết tâm mới để tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho người dân, Công ty đã phát triển với trình độ quản lý lưới điện hiện đại, rộng khắp, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, cũng như duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức cao nhiều năm liên tục. Sản lượng điện thương phẩm cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, từ 575,21 triệu kWh (năm 2015) lên 1.250,59 triệu kWh (năm 2023); tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân tăng 10,25%.
Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, dấu ấn về nâng cao năng lực hệ thống, hiện đại hóa lưới điện cũng như chuyển đổi số đã được Công ty Điện lực Yên Bái thể hiện khá rõ nét. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh đã giúp Công ty gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng.
Thời gian qua, Công ty đã đưa vào vận hành trung tâm điều khiển đáp ứng hiện đại hoá vận hành lưới điện, phục vụ công tác vận hành, kiểm tra thông số của lưới điện, điều khiển thiết bị trên lưới. Các trạm 110 kV trên địa bàn chuyển đổi vận hành sang chế độ không người trực, các thông số vận hành tại các trạm 110 kV được kết nối về trung tâm điều khiển, phục vụ công tác theo dõi, vận hành lưới điện. Các trạm cắt Recloser, trạm LBS được kết nối về trung tâm điều khiển xa phục vụ công tác vận hành, xử lý sự cố, đảm bảo cấp điện liên tục cho khách hàng. Ứng dụng thiết bị kiểm tra phóng điện PD, camera nhiệt, thiết bị bay không người lái Flycam… được áp dụng giúp phát hiện sớm các nguy cơ gây sự cố thiết bị, lưới điện, từ đó đưa ra các phương án xử lý phù hợp và nhanh chóng.
Công ty còn áp dụng hệ thống SCADA vào quá trình giám sát, thao tác thiết bị; thi công sửa chữa điện hotline trên lưới… Việc áp dụng những tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang góp phần đưa Công ty Điện lực Yên Bái hòa chung vào công cuộc chuyển đổi số trong toàn ngành điện, đưa Công ty sớm trở thành doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Cùng với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, Công ty Điện lực Yên Bái luôn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội, cộng đồng. Nhiều năm qua, Công ty Điện lực Yên Bái đã song hành tích cực cùng các chương trình an sinh xã hội của tỉnh, cũng như tổ chức và phối hợp tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực vì cuộc sống của nhân dân như: Hỗ trợ sửa chữa, lắp đặt mới hệ thống điện sinh hoạt tại các bệnh viện, trường học, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công với cách mạng; vệ sinh trạm biến áp miễn phí tại các doanh nghiệp; thắp sáng các đường quê… tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp chuyên nghiệp, văn minh, tích cực trong các hoạt động vì cộng đồng.
Có thể khẳng định rằng: Trải qua chặng đường 45 năm xây dựng và trưởng thành (1979 - 2024), Công ty Điện lực Yên Bái không ngừng phát huy và kế thừa những truyền thống tốt đẹp, vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Phát triển hệ thống lưới điện rộng khắp địa bàn được quản lý, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - chính trị - xã hội, giữa vững quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống dân sinh tại địa phương, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa “Tất cả vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh”.
Với những thành tích xuất sắc đạt được trong 45 năm xây dựng và phát triển, Công ty Điện lực Yên Bái hai lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng hai, và hạng ba, nhiều tập thể và cá nhân được tặng cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của Trung ương, của tỉnh Yên Bái đối với công lao của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty Điện lực Yên Bái trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Đây cũng chính là niềm tin, sức mạnh, là động lực làm hành trang để tập thể lãnh đạo và CBCNV Công ty Điện lực Yên Bái tiếp tục vững bước trên chặng đường mới.
Hoà chung niềm vui kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, tập thể CBCNV Công ty Điện lực Yên Bái tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, cùng nhau đoàn kết, chinh phục mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, nguyện xứng đáng là doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn tỉnh vùng cao phía Bắc, thi đua lao động sáng tạo, lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao, đóng góp ngày nhiều tinh thần và vật chất để Yên Bái ngày càng giàu đẹp, phát triển hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của toàn Đảng, toàn dân./.
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam.