Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)
Các chính sách năng lượng của Nhật Bản đặt mục tiêu giảm tỷ trọng sản xuất điện bằng khí đốt tự nhiên từ 34% vào năm 2022 xuống 20% vào năm 2030. Ngành điện và công nghiệp là những ngành tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn nhất ở Nhật Bản, chiếm 82% tổng lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ vào năm 2022. Việc đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân sau tai nạn Fukushima Daiichi năm 2011 dẫn đến sử dụng LNG trong ngành điện đã tăng từ 5,8 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/d) (khoảng 142 triệu m3/ngày) vào năm 2010 lên 7,8 Bcf/d vào năm 2012. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, mức tiêu thụ LNG trong ngành điện đã giảm do nhiều nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã hoạt động trở lại.
Năm 2022, lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ ở Nhật Bản ít hơn so với năm 2009, chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế chậm hơn, nhu cầu công nghiệp ít hơn, giá LNG quốc tế cao và hiệu quả sử dụng năng lượng tiếp tục được cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong ngành điện sẽ tiếp tục giảm.
Mặc dù mức tiêu thụ LNG đã giảm trong những năm gần đây, chúng tôi kỳ vọng LNG sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất điện của Nhật Bản trong trung hạn. Theo số liệu năm 2022, sản xuất bằng khí đốt tự nhiên chiếm 34% sản lượng phát điện (thị phần lớn nhất), tiếp theo là than ở mức 31%. Khi các nhà máy than tiếp tục ngừng hoạt động và ngày càng sản xuất điện nhiều hơn từ các nguồn năng lượng tái tạo, thì các nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục cung cấp nguồn điện theo phụ tải để bù đắp cho tính chất không liên tục của nguồn năng lượng tái tạo. Khả năng lưu trữ khí đốt tự nhiên dồi dào của Nhật Bản góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, đáp ứng nhu cầu cao điểm mùa và đảm bảo khí đốt tự nhiên luôn sẵn có trong trường hợp nguồn cung LNG toàn cầu bị gián đoạn.
Nhật Bản không có kết nối đường ống quốc tế mà nhập khẩu khoảng 98% khí đốt tự nhiên dưới dạng LNG qua hơn 30 cảng nhập khẩu, tại đó bao gồm các bể chứa trên mặt đất dùng để lưu trữ LNG dành cho tiêu dùng và dự trữ hoặc tồn kho. Nhật Bản có dung lượng lưu trữ LNG lớn nhất thế giới, ước tính tổng cộng 425,1 tỷ feet khối (Bcf) khí đốt tự nhiên theo dữ liệu từ GIIGNL (Hiệp hội quốc tế các nhà nhập khẩu LNG). LNG dự trữ hoặc tồn kho sẽ được sử dụng nếu việc nhập khẩu LNG từ các nhà cung cấp toàn cầu bị gián đoạn. Chúng tôi ước tính rằng từ năm 2009 đến năm 2023, tồn kho LNG của Nhật Bản dao động từ 32% đến 66% công suất lưu trữ LNG hiện có.
Dung lượng lưu trữ LNG của Nhật Bản vượt quá mức tiêu thụ trung bình hàng tháng để đáp ứng nhu cầu cao điểm mùa. Sự cân bằng giữa nhập khẩu, tiêu thụ và tồn kho LNG được theo dõi chặt chẽ và được tối ưu hóa liên tục, do LNG có đặc tính bay hơi dần ngay cả trong điều kiện môi trường thuận lợi nhất trong quá trình lưu trữ trong bể chứa.
Than và dầu mỏ
Các chính sách năng lượng của Nhật Bản đặt mục tiêu giảm tỷ trọng than trong sản xuất điện từ giảm từ 31% năm 2022 xuống 19% vào năm 2030 và tỷ trọng sản xuất điện từ dầu giảm từ 4% năm 2022 xuống 2% vào năm 2030. Mục tiêu này mở rộng các chính sách được công bố năm 2020 nhằm loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than cũ và kém hiệu quả. Các chính sách này cũng tập trung vào việc phát triển nhanh chóng các công nghệ nhằm giảm phát thải từ nhà máy nhiệt điện than, bao gồm các cơ sở hạ tầng chu trình hỗn hợp tích hợp khí hóa, thu hồi và cô lập carbon, và trộn nhiên liệu than với amoniac và sinh khối để đạt được hiệu suất vận hành cao hơn cho các nhà máy nhiệt điện than.
Chính phủ Nhật Bản sẽ dự định xem xét lại các quy định về lưới điện để ưu tiên sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo hơn là sản xuất điện từ than. Vào năm 2023, chính phủ Nhật Bản tuyên bố rằng tất cả các nhà máy nhiệt điện than mới phải áp dụng các biện pháp giảm phát thải.
Nhật Bản có kế hoạch đóng cửa hoặc đình chỉ khoảng 90% (khoảng 100 nhà máy) nhà máy nhiệt điện than hiện có được coi là kém hiệu quả. Mặc dù thông tin cụ thể về các tiêu chí và danh sách các nhà máy than được coi là kém hiệu quả chưa được công bố, nhưng có khả năng các cơ sở này sẽ bao gồm các nhà máy cũ sử dụng công nghệ cận tới hạn hiệu suất thấp hoặc siêu tới hạn hiệu suất cao. Dựa trên mức giới hạn như vậy, chúng tôi đánh giá 100 cơ sở lâu đời nhất (công suất đốt than khoảng 24 Gigawatt) có thể đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động.
Chính sách này sẽ làm giảm tổng công suất lắp đặt của các nhà máy nhiệt điện than tại Nhật Bản khoảng 40%. Hiện tại chỉ có 1,2 GW công suất nhiệt điện than mới đang được xây dựng.
Để giúp duy trì công suất đốt than hiện tại lên tới 12 GW hoạt động sau năm 2030, có hai đề xuất đang được xem xét là: Bổ sung 20% amoniac hoặc trộn 25% viên nén gỗ vào nhiên liệu than để giúp giảm lượng CO2 khí thải và giữ cho nhà máy luôn hoạt động. Việc sử dụng viên nén gỗ trong đốt than đang được tiến hành rộng rãi, bên cạnh đó việc sử dụng amoniac vẫn đang được thử nghiệm.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đang đưa ra biểu giá điện FIT để trả cho chủ sở hữu các nhà máy nhiệt điện than có sử dụng đốt bổ sung viên nén gỗ. Giá FIT sẽ được quy định trong 20 năm. Trong năm 2023, có hơn 3 triệu tấn viên nén gỗ được nhập khẩu sử dụng tại Nhật Bản, số lượng này có thể sẽ tăng lên trong tương lai. Để đủ điều kiện nhận giá FIT, METI yêu cầu các đơn vị phát điện phải duy trì lượng phát thải khí nhà kính trong vòng đời dự án đảm bảo trong giới hạn quy định.
Việc loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than để thực sự đạt được theo kế hoạch của Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm:
- Bổ sung công suất điện hạt nhân thông qua khởi động lại và bổ sung cơ sở mới.
- Tăng trưởng mạnh hơn nữa về năng lượng tái tạo (cả gió và mặt trời).
- Khả năng cân bằng lưới điện khi nguồn năng lượng tái tạo phát triển.
Theo U.S. Energy Information Administration
(Nguồn: https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=61945)