Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp pin xe điện (EV) của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất nghiêm trọng trong hai năm tới, điều này có thể dẫn đến việc nhiều công ty nhỏ phải đóng cửa. Một GWh pin có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 10.000 ô tô điện. Doanh số bán xe điện tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 8,8 triệu chiếc trong năm nay, nhà phân tích Paul Gong của UBS dự báo vào tháng Tư.
Theo ước tính của các nhà phân tích, việc sử dụng xe điện, mặc dù dự kiến sẽ tăng lên, nhưng được dự báo sẽ đạt mức cao nhất là 10 triệu chiếc vào năm 2025, dẫn đến nguồn cung cấp pin quá mức.
Davis Zhang, giám đốc điều hành cấp cao của Suzhou Hazardtex, nhà cung cấp pin xe chuyên dụng, cho biết: “Mọi nhà sản xuất pin EV lớn đều đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng của họ để tranh giành thị phần lớn hơn. Lý do cho việc mở rộng nhanh chóng rất đơn giản vì mọi người đều đang chú ý đến sản xuất trên quy mô lớn để cuối cùng họ có thể có lợi thế về chi phí và giá cả”.
Các nhà sản xuất pin Trung Quốc hiện đã vượt qua các đối thủ toàn cầu của họ trong bối cảnh doanh số bán xe điện tăng phi mã. Theo SNE Research có trụ sở tại Seoul, 6 trong số 10 nhà sản xuất pin EV hàng đầu thế giới đều đến từ Trung Quốc.
CATL, BYD, CALB, Gotion, Eve Energy và Sunwoda chiếm 62,6% thị phần toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 5, cung cấp 148,7GWh pin cho các công ty như Tesla và Li Auto, nhà sản xuất ô tô điện thông minh hàng đầu của đại lục.
Công suất lắp đặt pin EV của Trung Quốc đạt tổng cộng 28,1 GWh trong tháng 5, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, theo một nghiên cứu của Citi từ tháng 6.
Gao Shen, một nhà phân tích độc lập tại Thượng Hải, cho biết: “Vấn đề thừa cung gây bất lợi cho ngành ô tô vì một số lượng lớn các công ty sẽ phải đóng cửa mà không có đủ đơn đặt hàng để hỗ trợ hoạt động của họ. Các công ty lớn đang phát triển lớn mạnh hơn, nhưng những công ty kém hiệu quả cuối cùng sẽ bị loại khỏi thị trường”. CATL và BYD, hai nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới, hiện đang để mắt đến khách hàng nước ngoài vì năng lực sản xuất và công nghệ của họ được các thương hiệu nước ngoài đón nhận nồng nhiệt.
Ford Motor cũng đã công bố kế hoạch vào tháng 2 để hợp tác với CATL trong một nhà máy sản xuất pin EV trị giá 3,5 tỷ USD ở Michigan. Không giống như các liên doanh điển hình, Ford sẽ sở hữu hoàn toàn nhà máy và sản xuất pin LFP giá rẻ của CATL theo giấy phép.
Tháng 9 năm ngoái, CATL đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 7,35 tỷ USD tại Debrecen, Hungary. Nhà máy sẽ có công suất hàng năm là 100GWh khi hoàn thành vào năm 2027.
Nhà máy thứ hai bên ngoài Trung Quốc này là một bước tiến quan trọng của CATL trong việc củng cố chiến lược toàn cầu của mình. Công ty dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất tại nhà máy ở nước ngoài đầu tiên ở Thuringia, Đức vào cuối năm nay.
CALB, nhà sản xuất pin EV lớn thứ ba của đại lục, sẽ thành lập một nhà máy ở Bồ Đào Nha sau khi ký thỏa thuận với chính phủ Bồ Đào Nha vào đầu tháng này.
Hay Sunwoda có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết vào cuối tuần trước rằng họ sẽ ngừng hoạt động kinh doanh pin EV trước khi niêm yết trên thị trường ChiNext. Sunwoda, với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất pin cho các sản phẩm tiêu dùng, rất muốn tăng cường tài chính để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng leo thang.
Zhu Huarong, Chủ tịch của Changan Automobile, mới đây thừa nhận ngành công nghiệp pin điện của Trung Quốc hiện đang bị dư thừa công suất nghiêm trọng và hi vọng ngành này chắc chắn sẽ trở lại trạng thái hợp lý.
Lượng pin sản xuất ở Trung Quốc đang tăng phí mã so với số lượng xe điện được sản xuất. Trung Quốc sẽ cần 1.000-1.200 GWh công suất pin điện vào năm 2025, nhưng ngành công nghiệp hiện đang lên kế hoạch cho công suất 4.800 GWh, Zhu nói.
Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn ô tô Trung Quốc 2022 vào ngày 9 tháng 11 năm ngoái, Zhu nói tình trạng khan hiếm nguồn cung chip và pin mà ngành công nghiệp phương tiện năng lượng mới (NEV) của Trung Quốc đã giảm bớt, nhưng giá cả đắt đỏ của chúng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận và sản xuất của các công ty NEV.
Zhu cho hay vào thời điểm đó, giá pin cao là do các yếu tố bao gồm giá nguyên liệu thô tăng, đầu cơ vốn, người bán do dự trong việc bán và tích trữ của người trung gian.
Những bình luận mới nhất của Zhu được đưa ra khi vấn đề dư thừa pin điện đang ngày càng được quan tâm.
Jack Lu, nhà phân tích của Morgan Stanley, nhận định mặc dù các đơn đặt hàng cho ngành công nghiệp pin của Trung Quốc sẽ phục hồi trong thời gian ngắn, nhưng vẫn sẽ có dư thừa dung lượng pin và cạnh tranh về giá là không thể tránh khỏi.
Nhóm nghiên cứu của Lu cho biết ngày càng có nhiều nhà cung cấp pin cấp hai áp dụng các chiến lược định giá ngày càng mạnh mẽ và CATL có thể phải làm điều tương tự.
Vào năm 2022, các lô hàng pin điện của Trung Quốc là khoảng 480 GWh, trong khi công suất pin điện được lắp đặt chỉ khoảng 260,94 GWh. Báo cáo trích dẫn của Viện nghiên cứu công nghiệp GGII cho hay, ngay cả khi tính cả khối lượng xuất khẩu và công suất pin điện lắp đặt trong phân khúc bao gồm cả máy móc xây dựng, áp lực tồn kho hiện tại của toàn ngành vẫn ở mức cao.
Báo cáo cho biết trong vài năm tới, tình trạng dư thừa cấu trúc của pin năng lượng sẽ gia tăng và ngành công nghiệp sẽ bước vào giai đoạn cải tổ sâu sắc, với mức độ cạnh tranh có thể gay gắt hơn tưởng tượng.
Theo VNEconomy