Thị trường năng lượng thế giới đã bị rung chuyển bởi cú va chạm "kép" chưa từng có. Đó là mâu thuẫn Nga - Ukraine khiến giá cả tăng vọt và biến đổi khí hậu đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Các chính trị gia và các ngành công nghiệp châu Âu đang lo ngại về việc đối mặt với những thách thức này.
Châu Phi có thể sẽ là câu trả lời cho vấn đề trước mắt về khí đốt và carbon trong dài hạn của châu Âu. Khu vực này đang nắm giữ 13% trữ lượng khí đốt toàn cầu, chỉ thấp hơn 1 chút so với Trung Đông, và 7% lượng dầu mỏ của thế giới cùng tiềm năng phát triển năng lượng xanh rộng lớn.
"Miền đất hứa" của LNG
Theo Claudio Descalzi, CEO của "gã khổng lồ" dầu mỏ của Ý Eni, châu Phi có thể thực sự trở thành trọng tâm trong tương lai không chỉ cho châu Âu, họ có rất nhiều khí đốt, mặt trời và gió.
Các công ty năng lượng quốc tế bao gồm cả Eni đang đặt ra những kế hoạch mới để sản xuất LNG ở khắp châu Âu.
TotalEnergies có thể sẽ sớm khởi động lại dự án LNG ở Mozambique vốn bị tạm dừng vào năm 2021. Ngoài ra, tình hình an ninh được cải thiện cũng thúc đẩy triển vọng cho dự án của Exxon Mobil ở gần đó. Ở Tanzania, Shell và Equinor cũng đang tái khởi động dự án 30-40 tỷ USD.
Những động thái này đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ so với những gì diễn ra trong vài thập kỷ qua, khi vai trò của châu Phi trên thị trường năng lượng giảm sút. Lục địa này từng đóng góp tới 1/5 lượng LNG được giao dịch trên thế giới, trong khi hiện chỉ cung cấp 1 nửa số đó. Thị phần của khu vực này trong sản lượng dầu và than toàn cầu cũng giảm khi các nhà đầu tư dầu mỏ chần chừ trước bất ổn ở Nigeria.
Sự thay đổi hiện tại đang được thúc đẩy bởi giá cả cùng nhu cầu tăng cao ở châu Âu, cùng việc tìm nguồn cung khác ngoài Nga, quá trình chuyển đổi từ than đá sang khí đốt. Mozambique đã vận chuyển lô hàng LNG đầu tiên vào tháng 11 và có thể sẽ xuất khẩu nhiều hơn nữa.
Một dự án LNG ở Sengegal và Mauritania dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong năm và triển vọng của giai đoạn 2 được đánh giá là đầy hứa hẹn. Tại Nigeria, nước xuất khẩu LNG lớn nhất châu Phi, công suất LNG sẽ tăng khoảng 35% vào năm 2026. Nhóm nghiên cứu của Đại học Columbia, ước tính, các dự án khí đốt mới ở châu Phi cận Sahara có thể sẽ giúp công suất LNG hàng năm tăng khoảng 90 tỷ m3 vào năm 2030.
Về lâu dài, châu Phi dường như sẽ đóng vai trò thậm chí còn lớn hơn trên thị trường năng lượng. Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt dự đoán công suất khí đốt của châu Phi sẽ tăng cao hơn cả Trung Đông. Nhóm này cho rằng, châu Phi sẽ sản xuất gần 600 tỷ m3/năm vào năm 2050, tăng từ mức 249 tỷ m3 hiện tại.
Sở hữu nguồn năng lượng xanh "khủng"
Chưa dừng ở đó, châu Phi cũng sở hữu tiềm năng để trở thành nhà sản xuất năng lượng xanh lớn. Dù có những sa mạc đầy nắng, bờ biển trải dài và đồng bằng nhiều gió cùng nhiều dòng sông chảy siết, nhưng công suất năng lượng mặt trời và gió của khu vực này chỉ là 1% và 4% là thuỷ điện. Hiện tại, công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt ở châu Phi đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2016.
Trong lĩnh vực này, châu Âu vẫn đang thụt lùi do khó xuất khẩu năng lượng xanh. Các khoản đầu tư cho đến nay vẫn chỉ để phục vụ nhu cầu trong khu vực (chiếm chưa đến 3% tổng lượng điện của thế giới).
Giờ đây, các công nghệ mới có thể sẽ giúp các nhà sản xuất năng lượng tái tạo ở châu Phi vượt qua những khó khăn bằng cách xuất khẩu năng lượng. Cơ hội đầu tiên là thực hiện sản xuất "hydro xanh", các nước giàu coi nguồn năng lượng này là hy vọng lớn để giúp các ngành công nghiệp của họ hoạt động trong khi vẫn cắt giảm được khí thải carbon.
Tiềm năng lớn của châu Phi trong mảng năng lượng mặt trời và gió sẽ giúp họ trở thành một địa điểm hấp dẫn để sản xuất "hydro xanh". Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) lập luận rằng khu vực này có thể sản xuất 50 triệu tấn "hydro xanh" hàng năm vào năm 2035.
Các dự án hydro đang bắt đầu tăng tốc ở châu Phi. Một trong số những dự án lớn nhất đang được triển khai ở Mauritania, nơi chính phủ và CWP Global đã ký một thoả thuận cho dự án năng lượng mặt trời và gió để sản xuất 1,7 triệu tấn hydro xanh mỗi năm. Một siêu dự án khác ở Mauritania là của Chariot, với mục tiêu sản xuất 1,2 triệu tấn/năm.
Ở Namibia, chính phủ cũng khép lại cuộc đàm phán với công ty năng lượng tái tạo Hyphen Hydrogen Energy cho giai đoạn tiếp theo của dự án 10 tỷ USD, nhằm sản xuất 2 triệu tấn amoniac xanh mỗi năm vào năm 2030.
Ngoài hydro xanh, Xlinks - công ty của Anh, đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện gió và mặt trời ở Morocco để truyền tải điện trực tiếp đến Anh dọc theo 3.800 km cáp biển sâu vào năm 2030. Dự án này có thể cung cấp 8% điện năng cho Anh với chi phí thấp.
Tuy nhiên, để phát triển tiềm năng năng lượng, châu Phi phải đối mặt với một loạt thách thức. Về LNG, các đối thủ như Qatar và Mỹ đang nhanh chóng mở rộng năng lực sản xuất. Nếu châu Phi chậm trễ, cơ hội cho châu lục này có thể đóng lại, đặc biệt là khi nhu cầu đang chuyển sang các nguồn năng lượng xanh hơn. IEA dự báo, đến năm 2030, EU có thể sử dụng ít khí đốt hơn 20% so với năm 2021.
Hơn nữa, tiến độ thực hiện các dự án ở châu Phi cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Trong 2 thập kỷ qua, các dự án khí đốt mới ở châu Phi cận Sahara chậm gần 5 năm so với dự kiến khi đi từ phát hiện đến sản xuất. Song, mặt khác, các nhà sản xuất dầu khí châu Phi lại có lợi thế về chi phí cạnh tranh, với giá khí đốt chỉ khoảng 0,1 USD/m3 và dầu có giá hơn 30 USD/thùng.
Theo Nhịp sống thị trường