Đại diện EVN cho biết, năm 2022, ngay từ kế hoạch đầu năm, trên cơ sở dự báo tình hình tài chính sẽ gặp nhiều khó khăn, EVN đã yêu cầu tất cả các đơn vị trong EVN quyết liệt thực hiện các giải pháp quản trị, bao gồm tiết kiệm, tiết giảm một số yếu tố chi phí chính và đã đạt được kết quả như: Tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên so với kế hoạch tính theo định mức, số tiền tiết kiệm là 1.421 tỷ đồng; Cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định của tất cả các đơn vị thành viên của EVN là 3.191 tỷ đồng.
EVN cũng tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện như khoản chênh lệch doanh thu - chi phí của các hoạt động cho thuê cột điện, thanh lý nhượng bán tài sản, cho thuê tài sản điện... Thực hiện hạn chế thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử chỉ lắp đặt khi phát triển khách hàng mới trong năm 2022.
Thực hiện lương năm 2022 của CBCNV bằng 95% mức lương bình quân thực hiện năm 2021 làm giảm chi phí 1.770 tỷ đồng.
Năm 2023, EVN tiếp tục yêu cầu tất cả các đơn vị trong EVN quyết liệt thực hiện tiết kiệm, tiết giảm chi phí cao hơn năm 2022 với các mục tiêu cụ thể như: Tiết kiệm chi phí thường xuyên khoảng 15%, làm giảm chi phí 2.338 tỷ đồng so với kế hoạch tính theo định mức; Tiết giảm từ 20% đến 50% kế hoạch chi phí sửa chữa lớn theo định mức của các đơn vị tương đương giảm chi phí 4.007 tỷ đồng; Kế hoạch chi phí tiền lương năm 2023 tính bằng 90% mức bình quân thực hiện năm 2022 làm giảm chi phí 2.192 tỷ đồng; Tiếp tục công tác quản trị các khoản giảm giá thành hoạt động cho thuê cột điện, thanh lý nhượng bán tài sản, cho thuê tài sản điện... Thực hiện hạn chế thay thế công tơ cơ bằng điện tử chỉ lắp đặt khi phát triển khách hàng mới trong năm.
Bên cạnh đó, EVN yêu cầu cán bộ công nhân viên toàn đơn vị thực hiện tiết kiệm, hạn chế chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh như tiết kiệm điện trong chiếu sáng văn phòng, điều hòa, tăng cường các cuộc họp trực tuyến thay cho cuộc họp trực tiếp phải chi phí đi lại giữa các đơn vị, hạn chế hội nghị, công tác nước ngoài…
EVN có nhiều nỗ lực cắt giảm chi phí Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực giảm chi phí nhưng các giải pháp trong nội tại mà EVN đã và đang thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao (do nguyên nhân khách quan giá nhiên liệu cho sản xuất điện tăng đột biến) nên năm 2022 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh và dự kiến khả năng tiếp tục khó khăn trong năm 2023. Việc buộc phải tiết giảm chi phí lớn và kéo dài khiến công tác sửa chữa tài sản bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới.
Theo Báo Công Thương