Chính phủ ký kết Thỏa thuận phát triển điện lực dự án điện gió với Công ty Impact Energy Asia Limited (IEA) tại tỉnh Sekong.Theo UNDP, Chính phủ Lào đã cam kết 98% dân số sẽ có điện dùng vào năm 2030 và có tham vọng trở thành nhà cung cấp năng lượng xanh của khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, ngoài các dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á Monsoon (630MW) đã bắt đầu được triển khai lắp đặt, dự án tích hợp thủy điện và điện mặt trời nổi trên lòng hồ thủy điện Nam Theun 2 (240MW) đã được triển khai, gần đây Chính phủ Lào tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn mới.
Mới đây, Chính phủ Lào vừa tổ chức lễ ký kết Thỏa thuận phát triển điện lực dự án điện gió với Công ty Impact Energy Asia Limited (IEA) tại tỉnh Sekong. Theo đó, IEA được độc quyền phát triển dự án điện gió Xekong Wind 1.000MW tại một địa điểm gần Dự án điện gió Monsoon. Tại dự án này, IES hợp tác với nhà cung cấp tuabin gió Envision (Trung Quốc).
Impact Electrons Siam Limited (IES) là Công ty tư nhân được thành lập năm 2011, chuyên phát triển năng lượng tái tạo có trụ sở chính tại Thái Lan. IES hiện đã phát triển và vận hành các dự án điện gió và điện mặt trời công suất hơn 1.900 MW tại Thái Lan, Nhật Bản, CHDCND Lào và Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã ký kết Thỏa thuận phát triển dự án (PDA) dự án thủy điện NamImoun 1 và 2 với Công ty TNHH MTV Năng lượng Xaysana.Trước đó, ngày 6/9, ông Xayphone Visathep, Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Xaysana đã ký kết Thỏa thuận phát triển dự án (PDA) dự án thủy điện NamImoun 1 và 2 với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào. Dự án có tổng giá trị đầu tư 450 triệu USD.
Dự án thủy điện NamImoun 1 và 2 tại tỉnh Sekong sẽ phát triển năng lượng sạch tích hợp thủy điện (75MW), hồ chứa nước (100MW) và năng lượng mặt trời nổi (50MW) với tổng mức đầu tư 450 triệu USD. Dự án nhằm mục tiêu sản xuất năng lượng xuất khẩu sang Việt Nam.
Theo bà Khamchan Vongsanboun, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, dự án năng lượng sạch tích hợp có công suất lắp đặt 225 MW mà Chính phủ đã trao quyền phát triển độc quyền cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Xaysana được coi là dự án điện lực đầu tiên ở Lào được phát triển liên quan đến việc sử dụng tối đa tiềm năng tài nguyên: phát triển thủy điện kết hợp với năng lượng mặt trời và còn có thể sản xuất năng lượng dưới dạng bơm nước vào hồ chứa vào ban đêm khi không cần sử dụng năng lượng (Pump Storage) và sử dụng trở lại vào ban ngày khi sử dụng nhiều năng lượng.
Chính phủ Lào và Công ty CP Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình (Công ty AMI Quảng Bình) ký kết Thỏa thuận phát triển dự án điện gió tại tỉnh Savannakhet.Trong 2 tháng trước, Chính phủ Lào và Công ty CP Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình (Công ty AMI Quảng Bình) cũng đã ký kết Thỏa thuận phát triển dự án điện gió tại tỉnh Savannakhet. Quy mô công suất toàn dự án là 1.220 MW, dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet có tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD, là dự án lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam đầu tư tại Lào đến thời điểm này.
Dự án Nhà máy điện gió AMI Savannakhet tại huyện Sepon, tỉnh Savannakhet, có quy mô công suất giai đoạn 1 là 252 MW trên diện tích 2.687ha. Dự án được chấp thuận bổ sung vào danh sách các dự án xuất khẩu điện từ Lào về Việt Nam trước năm 2025.
Theo tiến độ, Công ty AMI Quảng Bình sẽ hoàn thành và trình phê duyệt báo cáo khả thi cuối cùng vào tháng 9/2023, ký kết hợp đồng nhượng quyền vào cuối năm 2023, khởi công dự án vào quý II/2024 và phát điện thương mại vào quý IV-2025.
Ngoài ra, có Ít nhất 10 dự án điện gió khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn đất nước Lào. Mật độ gió ổn định giúp tuabin gió ở Lào có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm và hiệu quả hơn các tấm pin năng lượng mặt trời. Khoảng 80% điện năng của Lào xuất khẩu sang Thái Lan và Việt Nam, đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của nước này. Năm ngoái, Lào bắt đầu xuất khẩu điện sang Singapore và xây dựng hạ tầng truyền tải hồi tháng 1/2023 để bán điện cho Campuchia.
Thủy điện hiện chiếm 70% tổng sản lượng điện của Lào. Hơn 70% diện tích đất của nước này là đồi núi và cao nguyên, với nhiều khu vực phù hợp để xây đập thủy điện. Tuy nhiên, sản lượng thủy điện giảm mạnh trong mùa khô. Thêm vào đó là những lo ngại về sự phụ thuộc vào thủy điện đã thúc đẩy Lào phát triển năng lượng gió. Kế hoạch phát triển năng lượng của Lào đến năm 2030 đặt mục tiêu duy trì tỷ trọng sản lượng thủy điện như hiện tại, đồng thời chuyển dần nhiệt điện, hiện đóng góp 30% tổng sản lượng điện, sang các nguồn năng lượng tái tạo khác, chẳng hạn như điện gió.
Bên cạnh đó, Lào đang nghiên cứu một dự án nguồn năng lượng tái tạo khác – năng lượng địa nhiệt để sản xuất điện và xuất khẩu sang Việt Nam.
Theo Mekong Asean