Công nhân Điện lực Hòa Bình kiểm tra công tơ điện tử Độ tin cậy cung cấp điện của lưới điện phân phối là khả năng của hệ thống cung cấp đầy đủ và liên tục điện năng cho hộ tiêu thụ, với chất lượng điện năng đảm bảo, được thể hiện qua các chỉ số SAIDI (thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối), SAIFI (số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối), MAIFI (tần suất mất điện thoáng qua trung bình).
Những năm gần đây, được sự quan tâm và đầu tư đúng hướng của Công ty Điện lực Ninh Bình (PC Ninh Bình), lưới điện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm các chỉ số SAIDI, SAIFI, MAIFI, PC Ninh Bình đã triển khai những giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực hoạt động như công tác quản lý kỹ thuật vận hành, đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ hiện đại… Trong đó, Công ty xác định ứng dụng khoa học công nghệ là đòn bẩy nâng cao chất lượng cung ứng điện cho khách hàng. Công ty đã đưa vào ứng dụng công nghệ sửa chữa thi công bằng phương pháp Hotline lưới 22 kV không cắt điện, vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao đến cấp điện áp 110 kV, lắp công tơ mới, thay công tơ định kỳ bằng phương pháp Hotline hạ áp…
Công nhân đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế PC Ninh Bình vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao tại trạm 110 kV Yên Mô Trong công tác đầu tư, ngoài việc đầu tư cải tạo đường dây và trạm biến áp để đáp ứng nhu cầu phụ tải, Công ty còn quan tâm đầu tư trang bị, lắp đặt các thiết bị bảo vệ, đóng cắt trên đường dây như các máy cắt đường dây (Recloser) có kết nối với hệ thống thu thập dữ liệu, giám sát, điều khiển SCADA/DMS đặt tại Trung tâm điều khiển xa (B23), các máy cắt Recloser được lắp đặt ở các vị trí phân đoạn, nhánh rẽ nhằm phát huy tính năng của thiết bị đóng cắt tự động để phân đoạn khi xảy ra sự cố trên lưới điện. Đặc biệt là xây dựng các mạch vòng trung thế 35 kV, 22 kV kết nối các trạm biến áp 110 kV trên địa bàn toàn tỉnh. Các mạch vòng có thể hòa với nhau phục vụ chuyển đổi phương thức cấp điện, hỗ trợ cấp tải mà không phải cắt điện trong quá trình thao tác chuyển kết dây để xử lý sự cố cũng như chuyển kết dây có kế hoạch. Nhờ đó, phạm vi mất điện thu hẹp, giảm số lượng khách hàng bị ảnh hưởng mất điện.
Từ khi đưa hệ thống SCADA/DMS vào vận hành, lưới điện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được nâng lên tầm cao mới, hệ thống giúp nâng cao năng lực điều hành lưới điện và tăng năng suất lao động. Trước đây, mỗi trạm biến áp 110kV truyền thống vận hành theo chế độ 3 ca 5 kíp, yêu cầu phải có ít nhất 10 nhân viên vận hành và thay phiên nhau trực vận hành thiết bị. Đến nay các trạm biến áp 110 kV đã chuyển sang mô hình vận hành không người trực. Toàn bộ hình ảnh, thông tin, dữ liệu về trạng thái, thông số vận hành các thiết bị tại các trạm biến áp 110 kV đều được thu thập và truyền về Trung tâm điều khiển xa đặt tại trụ sở Công ty để theo dõi giám sát và điều khiển. Như vậy, tại các trạm 110kV sẽ không còn nhân viên vận hành trực tiếp.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác điều hành lưới điện giúp ngành điện Ninh Bình rút ngắn thời gian mất điện, nhờ thao tác từ xa, nhanh chóng khoanh vùng cô lập sự cố; công tác phân tích, phán đoán sự cố cũng nhanh chóng và chính xác hơn, từ đó nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cung cấp điện cho khách hàng. Tại Trung tâm điều khiển xa các thông số về điện áp, dòng điện được thu thập, theo dõi, phân tích, điều chỉnh kịp thời, góp phần không nhỏ trong tiêu chí giảm tổn thất, nâng cao chất lượng điện năng.
Ứng dụng công nghệ sửa chữa thi công bằng phương pháp Hotline lưới 22 kV không cắt điệnNgoài ra, để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, PC Ninh Bình cũng đã trang bị đầy đủ, kịp thời các công cụ dụng cụ, máy móc, thiết bị công nghệ cao trong công tác quản lý vận hành. Việc kiểm tra đường dây, hành lang tuyến được thực hiện bằng các thiết bị bay có gắn camera có độ phân giải cao, các dữ liệu hình ảnh chụp được trong quá trình kiểm tra sẽ được phân tích, xử lý, từ đó phát hiện kịp thời những điểm xung yếu, các tồn tại, các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn trên đường dây. Ứng dụng công nghệ mới này đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng hiệu quả kiểm tra lưới điện, nhất là tại các vị trí trên cao, các vị trí có địa hình hiểm trở, giao thông chia cắt di chuyển, tiếp cận để kiểm tra gặp khó khăn.
Việc kiểm tra phát nhiệt, tiếp xúc được thực hiện qua các máy chụp nhiệt có nhiều tính năng hiện đại, chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả, dễ dàng đã kịp thời phát hiện các điểm phát nhiệt, các điểm có tiếp xúc kém cần phải xử lý khắc phục để ngăn ngừa sự cố, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định. Công tác kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp được thực hiện nghiêm túc tại các tổ đội sản xuất; các tồn tại khiếm khuyết trên lưới được phát hiện và xử lý kịp thời; công tác thí nghiệm định kỳ, công tác kiểm tra chuyên sâu được triển khai đúng kế hoạch; việc ứng dụng các phần mềm quản lý kỹ thuật, hệ thống đo xa giúp cho lưới điện được vận hành tin cậy, an toàn, ổn định.
Cũng như Ninh Bình, Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai nhiều giải pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: Những năm qua, Công ty đã triển các giải pháp để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, như hoàn thiện cấu trúc lưới điện an toàn, linh hoạt, xây dựng kế hoạch cắt điện xếp chồng các hạng mục công việc của cả năm; xây dựng phương thức vận hành hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu và chất lượng cung cấp điện cho khách hàng. Giảm thời gian cắt điện khách hàng trong các công tác bảo trì, sửa chữa lớn, đầu tư xây dựng. Thực hiện hiện vệ sinh lưới điện mà không cần cắt điện (vệ sinh hotline) bằng nước áp lực cao. Đối với lưới điện 22 kV, Công ty đã tích cực áp dụng công nghệ thi công hotline trong bảo trì lưới điện, đấu nối công trình mới, thi công các đường dây giao chéo
Công nhân ngành Điện kiểm tra thiết bị điện Bên cạnh đó, PC Hòa Bình thường xuyên bám sát các chỉ tiêu độ tin cậy SAIDI, SAIFI, MAIFI thực tế thực hiện linh hoạt cho các hoạt động sản xuất kinh doanh (lắp đặt công tơ mới, thay thế công tơ cũ hỏng, sửa chữa lớn (SCL), sửa chữa thường xuyên (SCTX), xử lý khiếm khuyết (XLKK), xử lý sự cố (XLSC) trên lưới điện,…) và công tác đầu tư cải tạo lưới điện (xây mới, nâng cấp các đường dây và trạm biến áp, lắp đặt mới các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung áp,…) giúp việc giám sát cũng như thực hiện giảm chỉ số SAIDI, SAIFI, MAIFI hiệu quả, cải thiện độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng. Nhờ những giải pháp trên mà độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được năng cao. Điều này thể hiện rõ qua các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện ngày càng giảm. Năm 2021, chỉ số SAIDI là 5327,5 phút, năm 2022 giảm còn 2170,1 phút. Chỉ số SAIFI năm 2021 là 33,02 lần, năm 2022 giảm còn 16,34 lần.
Song song với đó việc đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân không vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Để làm tốt nhiệm vụ này, mỗi đơn vị cần căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương để có hình thức tuyên truyền phù hợp. Thường xuyên làm việc với chính quyền trên địa bàn tỉnh để nắm bắt được các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng sẽ triển khai; làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư các dự án khu vực có liên quan đến lưới điện, yêu cầu khi thực hiện phải liên hệ với ngành Điện, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn hành lang lưới điện.
Với việc triển khai những giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực hoạt động, PC Ninh Bình và Hòa Bình đã và đang quyết tâm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của hệ thống, giảm các chỉ số SAIDI, SAIFI, đáp ứng tốt về chất lượng dịch vụ khách hàng và làm tăng sự hài lòng của khách hàng với ngành Điện.