Đóng điện đưa vào sử dụng TBA 110kV Trà Linh- Thái Thụy. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVNCông ty Điện lực Thái Bình (PC Thái Bình) đang tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng thêm nhiều trạm biến áp 110kV không người trực và đi vào hoạt động đúng tiến độ, đáp ứng lộ trình phát triển lưới điện thông minh, góp phần không để mất điện do nguyên nhân chủ quan, nhất là trong mùa nắng nóng năm nay.
Thời gian qua, Công ty Điện lực Thái Bình đã được Tổng công ty Điện lực miền Bắc đầu tư xây dựng nhiều trạm biến áp 110kV và đồng bộ với đó là hệ thống đường dây xuất tuyến, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Cụ thể, dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Trà Linh có mức đầu tư 116,8 tỷ đồng với quy mô xây dựng mới 3,2 km đường dây 110kV trên không, mạch kép, đấu nối chuyển tiếp trên một mạch đường dây 110kV từ trạm biến áp 220kV Thái Thụy đến trạm biến áp 110kV Thái Hưng cấp điện cho trạm biến áp 110kV Trà Linh. Trạm biến áp Trà Linh có quy mô 2 máy biến áp 63 MVA (giai đoạn đầu lắp đặt 1 máy biến áp 63MVA), cùng với lắp đặt đồng bộ các thiết bị tủ bộ trung áp 22kV, trang bị hệ thống thu thập đo đếm, hệ thống camera giám sát và điều khiển xa, bảo đảm trạm vận hành theo tiêu chí không người trực.
Sau khi được cung cấp cách điện chuyên dụng còn thiếu, đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, thiết bị hoàn thiện các hạng mục để đưa vào vận hành, phát huy tác dụng của dự án theo kế hoạch đề ra. Việc xây dựng hoàn thành trạm biến áp 110kV Trà Linh theo mô hình không người trực đã nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho khu công nghiệp Liên Hà Thái và khu vực huyện Thái Thụy.
Thực hiện nghị quyết số 68/NQ-HĐTV của Hội đồng thành viên EVN và chỉ thị số 2511/CT-EVNNPC của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, hướng tới mục tiêu “số hóa thông tin”, “số hóa quy trình”, Ban lãnh đạo PC Thái Bình đã yêu cầu các phòng chuyên môn tính toán mở rộng liên kết đa chia, đa nối lưới trung áp, hòa đồng bộ trên các đường dây trung áp, các mạch DMS tự động hóa lưới trung áp với khả năng tự động điều chỉnh thay đổi phương thức kết dây, cô lập điểm sự cố, giảm tối thiểu số lượng khách hàng bị ảnh hưởng; Không gây mất điện khách hàng khi chuyển nguồn hoặc thay đổi phương thức.
Xử lý sự cố đường dây cao thế 110kV trên địa bàn thành phố Thái Bình. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN Ngày từ năm 2019, Công ty Điện lực Thái Bình đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển xa, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh. Bước đầu áp dụng chuyển đổi số từ Trung tâm điều khiển xa, đến nay lưới điện trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được mở rộng và nâng cấp ở các cấp điện áp 110kV, 35kV, 22kV, 10kV, 0,4kV và cơ bản đáp ứng được công tác truyền tải phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm cấp điện ổn định cho các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.
Lãnh đạo PC Thái Bình cho biết, trước đây, mỗi trạm biến áp 110kV cần ít nhất 8 - 9 công nhân vận hành với chế độ trực 3 ca 4 kíp. Với lưới điện phức tạp, việc vận hành sẽ ngày càng khó khăn hơn; mặt khác do nhu cầu của phụ tải đòi hỏi chất lượng điện năng ngày càng cao nên việc đưa vào vận hành các trạm biến áp 110kV không người trực là một bước tiến lớn trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần cải tiến quản lý vận hành và phát triển hệ thống lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh.
Các trạm biến áp 110kV được số hóa là giải pháp tối ưu cho hệ thống lưới điện hiện nay. Các thao tác trên thiết bị sẽ được điều khiển hoàn toàn từ xa, việc thu thập dữ liệu thông số vận hành đều được thực hiện một cách tự động đầy đủ và chính xác qua sự điều khiển giám sát từ Trung tâm điều khiển xa của Công ty.
Tất cả các trạm 110kV được thiết kế, xây dựng và đưa vào vận hành theo tiêu chí không người trực, gồm nhiều tính năng hiện đại như: hệ thống điều khiển, hệ thống camera giám sát an ninh, giám sát thao tác và hệ thống báo cháy, giám sát ắc quy online... đã đáp ứng tối ưu hóa chi phí đầu tư cáp và các thiết bị trung gian, giảm số lượng cán bộ, nhân viên trực vận hành tại các trạm điện, giảm thiểu các sự cố...
Đến nay, toàn tỉnh đã có 2 trạm biến áp 220kV với tổng dung lượng 750 MVA; 12 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 1.030 MVA và 2 trạm biến áp của khách hàng với tổng dung lượng 161 MVA; 5 trạm trung gian 35/10kV và 3 trạm trung gian 35/22kV; 4.709 trạm biến áp phân phối; 282,82 km đường dây 110kV; 845,1 km đường dây 35kV; 186,63 km đường dây 10kV...
Thực tế việc xây dựng các trạm biến áp 110kV không người trực đã mang lại rất nhiều lợi ích. Trước đây các thông số phải cập nhật bằng tay thì giờ đây đã được cập nhật trên máy tính và phần mềm chuyên dụng, giúp công tác quản lý đơn giản, các thông số chính xác, hiệu quả.
Để đáp ứng với yêu cầu kỹ thuật cao, công nhân ngành điện đã được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, bảo đảm duy trì ổn định cung cấp điện an toàn, hiệu quả cho khách hàng.
Theo TTXVN