Năm 2024, các khoản đầu tư cho công nghệ và hạ tầng năng lượng sạch trên phạm vi toàn cầu dự kiến sẽ đạt mốc 2000 tỷ USD, cho dù chi phí đầu tư dự án cao hơn có xu hướng cản trở triển khai các dự án mới, nhất là ở các quốc gia có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Mặc dù khó khăn về nguồn vốn, đầu tư toàn cầu cho năng lượng sạch trong năm nay có thể đạt gần gấp đôi mức đầu tư cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo Báo cáo thường niên về đầu tư năng lượng thế giới của IEA, trong tổng đầu tư cho ngành năng lượng nói chung năm 2024 khoảng 3000 tỷ USD, vốn cho phát triển năng lượng sạch lên tới 2000 tỷ USD cho thấy xu hướng chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ đang thực sự diễn ra trên khắp hành tinh. Khoản vốn này được phân bổ cho cả năng lượng tái tạo, xe điện, điện hạt nhân, phát triển lưới điện, hệ thống tích trữ năng lượng và các dự án, chương trình thúc đẩy cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Còn lại khoảng 1000 tỷ USD, tương đương 1/3 lượng vốn được sử dụng để đầu tư cho điện than, điện dầu và điện khí.
Năm 2023 là năm đầu tiên các khoản đầu tư toàn cầu cho năng lượng sạch vượt mức vốn dành cho các dự án năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, bức tranh đầu tư năng lượng chung vẫn chưa đồng đều và cân bằng giữa các khu vực trên thế giới. Trong đó, ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, mức đầu tư và sản lượng năng lượng sạch vẫn ở mức khá thấp (ngoại trừ Trung Quốc). Tại những quốc gia này, chi phí dự án tăng cao làm cản trở việc triển khai các dự án mới.
Tăng đầu tư vào năng lượng sạch là xu hướng mạnh mẽ tại các nước kinh tế phát triển trong nỗ lực nhằm giảm chi phí và đảm bảo an ninh năng lượng. Vấn đề đặt ra là cần phải đầu tư nhiều hơn nữa ở những nơi thực sự cần thiết, trong đó có các nước đang phát triển, thiếu nguồn năng lượng đảm bảo, bền vững và có chi phí hợp lý.
Năm 2024, điện mặt trời nhận được nhiều đầu tư nhất với tổng vốn lên tới 500 tỷ USD. Cũng trong năm nay, Trung Quốc được cho là quốc gia đầu tư nhiều vào năng lượng sạch nhất với tổng mức vốn khoảng 675 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào xe điện, điện mặt trời và sản xuất pin lưu trữ li-thium.Tiếp theo là châu Âu và Hoa Kỳ với mức đầu tư lần lượt là 370 tỷ USD và 315 tỷ USD. Chỉ riêng vốn đầu tư của ba quốc gia trên cộng lại dự kiến đã chiếm tỷ trọng hơn 2/3 tổng đầu tư cho năng lượng sạch toàn cầu năm 2024.
Đầu tư cho điện dầu và điện khí ước tính cũng tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 570 tỷ USD, tương đương mức tăng của năm 2023 so với năm 2022.
Mặc dù trải qua những khó khăn và thách thức kinh tế, gây ảnh hưởng nhất định tới quá trình chuyển đổi năng lượng, năm 2024 đầu tư cho lưới điện toàn cầu vẫn tăng, ước đạt khoảng 400 tỷ USD. Trong khi đó, số vốn đầu tư cho lưới điện toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2021 chỉ loanh quanh ở mức 300 tỷ USD/năm.
Cũng trong năm 2024, đầu tư cho phát triển pin lưu trữ trên phạm vi toàn thế giới ước đạt khoảng 54 tỷ USD. Tuy nhiên, các khoản đầu tư cũng được phân bổ không đồng đều. Cứ mỗi USD được đầu tư vào pin lưu trữ tại các nước phát triển và Trung Quốc, chỉ có 01 cent USD được đầu tư ở các nước có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Sự cân bằng và đồng đều giữa các quốc gia trong phát triển năng lượng là mong muốn của nhiều nước, nhưng không dễ thực hiện, bởi lẽ vấn đề này còn phụ thuộc vào ý chí chính trị, định hướng chiến lược và nhu cầu riêng của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Việt Phương tổng hợp
(Nguồn: https://www.iea.org/
https://www.bing.com/search)