“EOR24 - Đường đến phát thải ròng bằng không” là ấn phẩm thứ tư trong chuỗi các các Báo cáo được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch và là chương trình hợp tác lâu dài giữa Việt Nam - Đan Mạch trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh.
Báo cáo đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050 và tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không, Việt Nam cần có những nỗ lực nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững. Điều này không chỉ quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi việc tiếp cận năng lượng tái tạo ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư.
Các khuyến nghị:
EOR24 được xây dung công phu và áp dụng một cách tiếp cận mang tính định hướng kịch bản, đưa ra 23 khuyến nghị quan trọng được gộp vào 6 nhóm chính như sau:
1. Khuyến nghị hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống năng lượng xanh và đảm bảo hiệu quả chi phí.
2. Khuyến nghị đảm bảo an ninh cung cấp điện trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
3. Khuyến nghị về giải pháp thúc đẩy hiệu quả tổng hợp của hệ thống năng lượng bằng cách kết hợp nhiên liệu tái tạo và hydrogen.
4. Khuyến nghị về giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải.
5. Khuyến nghị để có một ngành công nghiệp hiệu quả về chi phí và sử dụng ít năng lượng hơn.
6. Khuyến nghị giải pháp hỗ trợ về xã hội và môi trường trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Các khuyến nghị mang tính chất định tính, dựa trên các kết quả nghiên cứu mang tính định lượng của các kịch bản khi kết hợp các mô hình TIMES - BALMOREL - PSS/E. Các khuyến nghị này được tổng hợp bao quát gần như mọi khía cạnh của quá trình chuyển dịch năng lượng xanh của Việt Nam đến năm 2050. Với các khuyến nghị này, các nhà hoạch định chính sách sẽ có được một cái nhìn tổng quan về các định hướng cho hoạch định chính sách trong tương lai và các nghiên cứu cần tiếp tục thực hiện sâu hơn để có thể khẳng định các khuyến nghị này.
Về phương pháp luận:
Một yếu tố cũng rất cần được lưu ý là phương pháp áp dụng mô hình tối ưu chuyên ngành, không phải mô hình kinh tế tổng thể dạng như CGE (Computable General Equilibrium). Do vậy, các kết quả kịch bản theo mô hình ngành của EOR24 sẽ không tính đến hiệu ứng (tác động) kinh tế tổng thể của chính sách trong các kịch bản đưa ra. Chính vì lẽ đó, các kết quả của nghiên cứu đưa ra cần được tiếp nhận và đánh giá một cách thận trọng.
Ngoài ra, mô hình sử dụng trong nghiên cứu là các mô hình tối ưu, dựa trên chi phí tối thiểu của chi phí quy dẫn sản xuất năng lượng/điện (LCOE). Trong điều kiện chuyển dịch năng lượng nhanh (thay đổi cơ cấu), sự phát triển rất nhanh các loại hình công nghệ mới, nhu cầu tăng quá nhanh… thì một mô hình tối ưu dựa trên chi phí tối thiểu theo phương pháp tất định (Deterministic approach) sẽ có xu thế đưa các kết quả dựa theo thông số đầu vào đã xác định và thiết lập bởi người chạy mô hình.
Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, một mô hình mô phỏng [1], hoặc mô hình xác suất [2] có thể bổ sung các khía cạnh và điểm yếu của các kết quả trên khi chúng được tính toán dự trên mô hình tất định, giúp các nhà hoạch định chính sách có được sự vững tin hơn vào các khuyến nghị đưa ra.
Điểm yếu nhất của các dạng mô hình hiện nay (không chỉ riêng của EOR24) là vẫn sử dụng LCOE làm mục tiêu tối ưu. LCOE đã được áp dụng rộng rãi trước đây trong các mô hình khác nhau khi năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng nhỏ không đáng kể, và phù hợp cho các loại hình công nghệ có thể điều khiển được theo nhu cầu phụ tải, hoặc nhiên liệu đầu vào, không phụ thuộc thời tiết.
Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng cao với một hệ thống điện liên kết khu vực kém, chi phí LCOE đơn giản là không còn thích hợp nữa để làm mục tiêu tối ưu (OCDE, The cots of decarbonization: System costs with high shares of nuclear and Renewables, 2019).
Hơn nữa, có một số khía cạnh của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam có vai trò rất quan trọng, nhưng chưa được đề cập đến trong Báo cáo như vấn đề chuyển đổi cơ sở hạ tầng năng lượng (than và LNG), vấn đề thuế carbon và tài chính xanh…
Ngoài ra, còn một vấn đề quan trọng là nguồn vốn đầu tư cho các giải pháp (kịch bản) này là rất lớn, khả năng trong nước là không thể đủ. Do vậy, tính khả thi của các khuyến nghị này là một vấn đề rất khó có lời giải, nếu không muốn nói chỉ để tham khảo.
Kết luận:
Còn nhiều vấn đề cần có sự phân tích mổ xẻ đối với một nghiên cứu nghiêm túc và kỹ càng như EOR24. Việc xây dựng các kịch bản có thể phụ thuộc chủ quan rất nhiều đối với số liệu đầu vào được dự báo cho tương lai. Sự thiếu vắng của một số công nghệ (địa nhiệt công nghệ cao, với triển vọng rất khả thi), sự liên kết lỏng lẻo giữa 3 mô hình không có liên kết ngược lại… là những yếu tố gây quan ngại cho các chuyên gia. Vì vậy, EOR24 cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện thêm.
Tuy nhiên, không thể không ghi nhận sự thành công của EOR24 đã giúp các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách có được một công cụ hữu hiệu trong việc đánh giá ảnh hưởng (chuyên ngành) của các chính sách tổng thể cho tương lai phát triển năng lượng xanh, bền vững cho Việt Nam.
[1] Mô hình mô phỏng (Simulation models, với các đặc tính như mô phỏng hiện trạng thức tế, tương tác trực tiếp trong quá trình mô phỏng các yếu tố hành vi và lựa chọn, kết hợp với sự biến thiên ngẫu nhiên có kiểm soát).
[2] Mô hình xác suất (Probabilistic models, với một trong các đặc thù nhất là thay vì đưa ra một kết quả tối ưu, thì mô hình này có thể đưa ra các kết quả tiềm năng kèm theo xác suất)./.
NGUYỄN ANH TUẤN (B)
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Link Đăng Ký, Đăng Nhập KV999 Casino Mới Nhất 2023
Việt Nam) và Cục Năng lượng Đan Mạch: Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không. (Hà Nội, tháng 6 năm 2024).