Phát triển kinh tế xanh – Phát triển bền vững
Kinh tế xanh là sự tích hợp cả tiến bộ công nghệ và phương thức ứng xử mới của con người. Ảnh: Urban green energy
Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), để kinh tế xanh vận hành đúng nghĩa, cần chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng giảm tỷ trọng năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và năng lượng mới hay gọi chung năng lượng xanh. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tập trung đầu tư đáng kể để nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi xanh năng lượng hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và Việt Nam cũng cần thích ứng phù hợp.
Chuyển đổi xanh là một xu hướng
Chuyển đổi xanh là một xu hướng đang hình thành và dần mang tính chủ đạo trong phát triển. Đây là quá trình phát triển với các yêu cầu phát thải các - bon thấp, phát thải ròng bằng 0 và hòa nhập xã hội.
Chuyển đổi xanh kinh tế đang ngày càng chi phối đến nhiều lĩnh vực trong đó có chuyển đổi xanh năng lượng. Chuyển đổi xanh phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc đề ra từ năm 2015 và đang là động lực thúc đẩy dòng thương mại và đầu tư mới cả từ góc độ hoạch định chính sách và doanh nghiệp cũng như các đối tượng hữu quan khác, Việt Nam đang triển khai thực hiện đồng thời chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và chuyển dịch cơ cấu năng lượng.
“Đây là bước phát triển phù hợp và đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ giữa các tác nhân trong hệ sinh thái chuyển đổi xanh gồm có các ngành, địa phương, nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và đối tác, tổ chức trong nước và quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: VGP/Minh Anh
Vị chuyên gia phân tích, thực tế cho thấy chuyển đổi xanh kinh tế chỉ thành công nếu thực hiện chuyển đổi xanh năng lượng. Bởi chuyển đổi xanh năng lượng sẽ tạo tác động lan tỏa lớn đến các ngành khác vì đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò quyết định đến sự vận hành của tất cả các ngành công nghiệp khác, toàn bộ nền kinh tế và sự sống của con người.
Khi quy mô nền kinh tế gia tăng về dân số, thu nhập bình quân đầu người, sư mở rộng thương mại và đầu tư toàn cầu, công nghệ phát triển nhanh chóng và biến đổi khi hậu diễn ra nhanh chóng, nhiệt độ trái đất ấm lên làm thay đổi hệ sinh thái của nhiều vùng thế giới, đòi hỏi thay đổi phương thức và mô hình phát triển kinh tế.
Theo đó phát triển bền vững về kinh tế, là phát triển kinh tế xanh được lựa chọn thể hiện mức tiêu hao năng lượng giảm, phát thải ròng thấp, chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh - tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và năng lượng mới, giảm tỷ trọng năng lượng truyền thống hóa thạch, phát thải ròng bằng 0, tạo việc làm và tăng cường sự bao trùm xã hội.
Quá trình chuyển đổi trạng thái kinh tế đòi hỏi chuyển đổi xanh đồng bộ trong đó có chuyển đổi xanh năng lượng được ưu tiên hàng đầu. Đây là khâu đột phá phát triển được ưu tiên hàng đầu trong nhân thức, tư duy, chiến lược, chính sách, quy định pháp luật và hành động.
Việt Nam trên con đường phát triển kinh tế xanh
Để thực hiện đầy đủ và hiệu quả cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 theo đúng cam kết quốc tế, việc phát triển kinh tế xanh của Việt Nam là sự lựa chọn tất yếu. Một trong những điều kiện tiên quyết là quyết liệt chuyển đổi xanh năng lượng.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và đưa đất nước từ quốc gia thu nhập trung bình thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình cao 2030 và nước công nghiệp có thu nhập cao 2045.
Việt Nam cũng đã có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 khẳng định mục tiêu phát triển kinh tế xanh là mục tiêu chiến lược bao trùm cần được thực hiện theo đó, cần có sự thay đổi trong phát triển năng lượng lượng nhất là cọi trọng chuyển đổi xanh năng lượng.
Bên cạnh đó Việt Nam có Quy hoạch hệ thống điện quốc gia (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt từ năm 2023, Nghị quyết Trung ương về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Luật Điện lực, Luật sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cũng như các quy định của địa phương đang hướng vào việc chuyển đổi xanh năng lượng để phát triển kinh tế xanh.
“Tuy nhiên, chuyển đổi xanh năng lượng cần đầu tư lớn cả công tác nghiên cứu và phát triển để phát triển các loại năng lượng mới, đầu tư phát triển hệ thống năng lượng gắn với tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải và đổi mới mô hình kinh doanh, tăng dự trữ năng lượng để bình ổn giá năng lượng trước các biện động bất lợi của giá năng lượng toàn cầu, nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng và hoàn thiện cơ cấu, chiến lược và phát huy vai trò nền tảng có hệ thống năng lượng quốc gia đối với tất cả các hoạt động của nền kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng chỉ rõ.