Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm 2024, tập đoàn đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, trong bối cảnh nhu cầu điện liên tục tăng cao.
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2024 đạt 151,74 tỷ kWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu phụ tải, mức tiêu thụ điện cao nhất trong 6 tháng đầu năm đều diễn ra trong tháng 6/2024, cụ thể: sản lượng điện tiêu thụ ngày lớn nhất (ngày 14/6) đạt 1,02 tỷ kWh và công suất lớn nhất đạt 49.533 MW (ngày 19/6) tương ứng tăng 11,05% và 7,87% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023.
Trong các nguồn điện, nguồn nhiệt điện than vẫn đang được huy động với tỷ trọng lớn nhất với gần 57% trong 6 tháng đầu năm, tương đương hơn 86 tỷ kWh, kế tiếp là thủy điện với 18,9%.
Nguồn: DP tổng hợp từ EVN.
Huy động điện tăng cường trong mùa nắng nóng nhưng kết quả kinh doanh của nhóm các công ty ngành điện như thủy điện và nhiệt điện trong quý II/2024 không mấy khả quan. Bức tranh toàn cảnh chung cho thấy, nhóm điện đều đồng loạt báo lợi nhuận giảm sút.
Nhóm nhiệt điện đối mặt áp lực giá than đầu vào trong khi giá bán điện thấp
Hiện tại trên sàn chứng khoán, có 3 công ty nhiệt điện chạy bằng than quy mô lớn và hoàn toàn nằm ở phía Bắc, lần lượt là Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND), Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã: QTP) và Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC).
Quý vừa rồi, doanh thu của Nhiệt điện Hải Phòng tăng 3% lên 3.452 tỷ, CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh báo nguồn thu giảm 2% về 3.628 tỷ. Trong khi đó, Nhiệt điện Phả Lại lại có doanh thu tăng tới 77% lên 2.469 tỷ. Nói thêm, Nhiệt điện Phả Lai đang cung cấp điện cho khu vực Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang – nơi có nhiều khu công nghiệp, tập đoàn lớn.
Dù vậy, điểm chung của cả ba công ty nhiệt điện than trong quý vừa rồi là lợi nhuận sau thuế đều giảm sút. Nếu như Nhiệt điện Hải Phòng giảm 17%, Nhiệt điện Quảng Ninh mất 35% thì Nhiệt điện Phả Lại rơi tới 42% lợi nhuận trong quý II/2024.
Kết quả này cũng đi ngược lại dự báo của nhiều công ty chứng khoán như về kỳ vọng nhóm nhiệt điện sẽ có kết quả kinh doanh quý II tốt nhờ hưởng lợi từ mùa cao điểm nắng nóng và hiện tượng El Nino chưa kết thúc khiến sản lượng từ thủy điện vẫn ở mức thấp.
Áp lực giá nguyên liệu đầu vào (nguồn than) tăng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này bị bào mòn, trong khi giá bán điện cho EVN là theo giá hợp đồng đã được ấn định từ trước. Còn riêng đối với Nhiệt điện Phả Lại, sự sụt giảm còn đến từ hụt thu cổ tức từ các đơn vị góp vốn.
Hiện tại, nguồn than đầu vào để sản xuất điện do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp theo hợp đồng.
Thủy điện thiếu nước
Bức tranh của nhóm thủy điện cũng không khá hơn là bao, thậm chí còn có công ty thua lỗ. Tuy là nguồn cung cấp điện cho EVN với giá rẻ nhất (so với nhiệt điện và năng lượng tái tạo), nhưng nắng nóng đỉnh điểm trong tháng 4 – 5/2024 đã khiến mực nước tại các hồ thủy điện bị hao hụt mạnh, khiến sản lượng điện bán ra giảm.
Đơn cử như lợi nhuận sau thuế của CTCP Sông Ba (Mã: SBA) giảm 6% trong quý II/2024, CTCP Thủy điện Nước Trong (Mã: NTH) giảm 19%, CTCP Thủy điện Sông Vàng (Mã: SVH) giảm 50% và thậm chí, Thủy điện A Vương (Mã: AVC) giảm tới 82%.
Đặc biệt, CTCP Thủy điện Sê San 4A (Mã: S4A) phải ngậm ngùi báo lỗ trong quý II gần 2 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 18 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc sản lượng điện bán ra của công ty giảm mạnh do thời tiết khô hạn.
Trường hợp hiếm hoi là CTCP Đầu tư Phát triển Bắc Minh (Mã: SBM) khi công ty này có doanh thu thuần đạt hơn 64 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế 35 tỷ đồng, gấp 2 lần quý II/2023.
CTCP Đầu tư Phát triển Bắc Minh hiện có 5 nhà máy thủy điện gồm Tà Cọ, Suối Sập, Nậm Công 3, Thoong Gót, Nà Tẩu, cung cấp điện cho các tỉnh Sơn La và Cao Bằng.
Theo giải trình của Bắc Minh, công ty có kết quả kinh doanh khả quan đến từ yếu tố thời tiết khi lượng mưa trong quý II năm nay cao hơn cùng kỳ, giúp sản lượng điện gia tăng.