Mặc dù năng lượng tái tạo phát triển với tốc độ nhanh, sự tăng trưởng nhu cầu điện năng toàn cầu được dự báo có thể làm cho tiêu thụ than sẽ không giảm, mà duy trì ổn định trong năm 2024 và 2025 so với năm 2023.
Năm 2023, sản lượng than tiêu thụ trên toàn thế giới tăng trưởng 2,6%, tỷ lệ rất cao trong nhiều năm do nhu cầu than của một số nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh.
Nhu cầu than tăng lên ở các quốc gia này chủ yếu để phục vụ phát điện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng cao, trong khi sản lượng thủy điện giảm. Trên thực tế, điện than là giải pháp thay thế kinh tế nhất nhằm bù sản lượng điện thiếu hụt do giảm công suất từ các nguồn phát khác.
Tại Trung Quốc, mặc dù sản lượng thủy điện năm 2024 có xu hướng phục hồi, cùng với sự gia tăng mạnh của điện gió, điện mặt trời, tiêu thụ than vẫn không thể giảm được do nhu cầu sử dụng điện năng nước này tăng vọt, dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2024.
Ở Ấn Độ, nhu cầu than tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2024 do sản lượng thủy điện sụt giảm mạnh, trong khi nhu cầu điện vào những tháng nắng nóng đã biến quốc gia này trở thành địa chỉ thường xuyên của than nhập khẩu. Bên cạnh nhu cầu than cho phát điện, Ấn Độ cũng dùng nhiều than cho các ngành sản xuất công nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.
Tại châu Âu, nhu cầu than giảm, tiếp nối xu thế kể từ năm 2000, khi mà Chính phủ các nước nỗ lực giảm phát thải trong ngành điện. Năm 2023, nhu cầu tiêu thụ than châu Âu giảm 25% và dự kiến năm 2024 sẽ vẫn tiếp tục xu hướng đi xuống.
Tại Hoa Kỳ, nhu cầu tiêu thụ than cũng giảm dần trong những năm gần đây. Tuy nhiên, năm nay trước nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh, trong khi đó chuyển đổi từ điện than sang điện khí chưa đảm bảo tiến độ có thể làm cho xu hướng giảm tiêu thụ than chững lại ở quốc gia này.
Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục đạt kết quả tích cực nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào điện than, cho dù mức độ giảm có phần chậm hơn châu Âu và Hoa Kỳ.
Theo nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dựa trên chính sách và xu hướng thị trường năng lượng tại các quốc gia hiện nay thì năm 2025 khả năng nhu cầu tiêu thụ than toàn cầu sẽ vẫn duy trì mức xấp xỉ như năm 2024. Lĩnh vực điện lực vẫn sẽ là yếu tố chính làm cho sản lượng tiêu thụ than khó giảm.
Căn cứ vào cơ cấu sử dụng và mức độ chuyển đổi năng lượng trên toàn thế giới cho đến nay thì nhu cầu tiêu thụ than được đánh giá đang ở thời điểm bản lề và có thể sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới đây.
Về khía cạnh khai thác và cung ứng, sản lượng than khai thác toàn cầu năm 2024 giảm nhẹ. Khai thác than Trung Quốc tăng trở lại sau hai năm giảm sản lượng. Tăng trưởng khai thác than Ấn Độ năm 2024 được dự báo đạt khoảng 10% so với năm 2023. Tại châu Âu và các nền kinh tế phát triển, sản xuất than giảm, phản ánh thực tiễn nhu cầu tiêu thụ.
Về thương mại, sản lượng than kinh doanh trên phạm vi toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao cho dù EU và các quốc gia Đông Bắc Á giảm nhập khẩu. Ở đa số các nước, dự kiến nhu cầu mua bán than sẽ tiếp tục được duy trì so với cùng năm trước.
Tổng sản lượng than tiêu thụ toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 8,6 tỷ tấn. Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là hai quốc gia duy trì nhập khẩu sản lượng than lớn nhất.
Trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên có xu hướng ổn định, giá than cũng được duy trì ổn định trong 6 tháng đầu năm 2024. Về cơ bản, giá than trên thị trường thế giới đã giảm và trở về mức giá trước thời điểm khủng hoảng, nhưng vẫn còn cao do chịu tác động của lạm phát.
Việt Phương
(Nguồn: https://www.iea.org
https://en.wikipedia.org
https://ourworldindata.org
https://www.bing.com/search)