Mối quan tâm của công chúng đối với thiên nhiên đã tăng lên trên toàn cầu: Nghiên cứu do bộ phận tình báo kinh tế (EIU) thực hiện, và được tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF (thành viên GEC) ủy quyền, đã đo lường mối quan tâm của công chúng đối với vấn đề đa dạng sinh học và sức khỏe hệ sinh thái. Việc đo lường sự tham gia và hành động của công chúng vì thiên nhiên được xuất bản bằng 27 thứ tiếng ngôn ngữ tại 54 quốc gia trên toàn cầu, chiếm 80% dân số thế giới, kết quả báo cáo cho thấy nhận thức của công chúng đã tăng 16%, đặc biệt là ở châu Á và khu vực Mỹ Latinh. Tại EU, hơn chín phần mười (93%) công chúng đã coi tổn thất về đa dạng sinh học là một vấn đề nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
Xu hướng toàn cầu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và công bằng (Ảnh minh họa)Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (Hội nghị COP16) sẽ diễn ra tại Cali (Colombia, 11/2024), sẽ là COP đa dạng sinh học đầu tiên kể từ khi Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal được thông qua mang tính lịch sử tại Hội nghị COP 15. Kế hoạch này bao gồm các hành động cụ thể để ngăn chặn và đảo ngược sự tổn thất do thiên nhiên, bao gồm bảo vệ 30% hành tinh và khôi phục 30% hệ sinh thái bị suy giảm. Tại Hội nghị COP 16, việc thực hiện Khuôn khổ Kunming-Montreal sẽ được xem xét cùng với việc điều chỉnh các Chiến lược và Kế hoạch hành động về Đa dạng sinh học quốc gia (national biodiversity strategies and action plans-NBSAP) phù hợp với Khuôn khổ này. Hội nghị COP 16 sắp tới sẽ phát triển hơn nữa khuôn khổ giám sát và thúc đẩy huy động nguồn lực cho Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu.
Các sáng kiến phục hồi hàng đầu đã xuất hiện: Các giải pháp dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như các nỗ lực trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học đang ngày càng trở nên phổ biến trong các phản ứng chính sách công. Năm 2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về các giải pháp dựa vào thiên nhiên; tại UNFCCC COP27, các giải pháp dựa vào thiên nhiên đã nổi lên nhờ tiềm năng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và được nêu trong Kế hoạch thực hiện Sharm el-Sheikh (CH Ai cập) cũng như Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal (cụ thể là các Mục tiêu 8, 11 và 12), đặt ra lộ trình đầy tham vọng nhằm đạt được tầm nhìn toàn cầu về một thế giới hòa hợp với thiên nhiên (2050).
Hiện một số nỗ lực quy mô lớn để khôi phục thiên nhiên đã xuất hiện. Ví dụ như trong vòng mười tháng đầu tiên kể từ khi Tổng thống Lula da Silva quay trở lại nắm quyền, nạn phá rừng tự nhiên ở khu vực Amazon của CH Brazil đã giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước đó. Chính quyền của Tổng thống Lula cũng đã bắt đầu cài đặt lại khuôn khổ chính sách môi trường đã bị dỡ bỏ dưới thời cựu Tổng thống Bolsonaro tiền nhiệm, đồng thời đề xuất các sáng kiến mới để bảo vệ rừng như liên minh với các quốc gia sở hũu rừng nhiệt đới, bao gồm CH Indonesia và CHDC Congo nhằm đảm bảo sự hỗ trợ toàn cầu cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.
Tương tự, Sáng kiến Shan-Shui (Trung Quốc) cũng thể hiện nỗ lực đầy tham vọng nhằm khôi phục hệ sinh thái, từ vùng núi đến cửa sông ven biển, trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới. Sáng kiến này đã kết hợp 75 dự án quy mô lớn, bao gồm các khu vực nông nghiệp, đô thị cũng như hệ sinh thái tự nhiên, tất cả đều nhằm mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Cho đến nay, khoảng 3,5 triệu ha rừng đã được khôi phục với mục tiêu nâng lên tới 10 triệu ha rừng trồng đến năm 2030.
Thị trường tín dụng đa dạng sinh học đang phát triển: Các chương trình tín dụng đa dạng sinh học tự nguyện đã phát triển với tốc độ phi thường suốt hai đến ba năm vừa qua. Mục tiêu 19 của Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal (GBF) công nhận tín dụng đa dạng sinh học (khác với đền bù) là một cơ chế đổi mới để thúc đẩy đầu tư tài chính của khu vực tư nhân vào bảo tồn đa dạng sinh học.
Hiện sự hỗ trợ của chính phủ các nước cho thị trường tín dụng đa dạng sinh học cũng ngày càng gia tăng. Tại Hội nghị thượng đỉnh bảo vệ rừng nhiệt đới “One Forest” CH Gabon với sự tham dự của 10 lãnh đạo quốc gia châu Phi do CH Pháp đồng tổ chức ở thủ đô Libreville (3/2023), các bên tham gia đã đạt được thỏa thuận về việc sử dụng tín dụng đa dạng sinh học như một cơ chế nhằm khuyến khích tài chính cho các quốc gia để bảo vệ nguồn dự trữ carbon và đa dạng sinh học quan trọng nhất của họ thông qua việc thành lập quỹ trị giá 100 triệu euro cho Quỹ Đối tác bảo tồn tích cực với sự đóng góp thêm 100 triệu euro (106 triệu USD) của CH Pháp cho “kế hoạch hành động” bảo tồn rừng nhiệt đới thế giới nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này.
Niềm tin vào các phương pháp tiếp cận dựa trên thị trường để khôi phục thiên nhiên còn thấp: Nghiên cứu của RepRisk, công ty khoa học dữ liệu ESG lớn nhất thế giới, báo cáo về các sự cố tẩy xanh đang gia tăng trên toàn cầu. Hiện cứ bốn sự cố rủi ro ESG liên quan đến biến đổi khí hậu thì có một sự cố có liên quan đến tẩy xanh, tăng hơn so với mức một phần năm của năm ngoái. Những vụ bê bối quy mô lớn vạch trần hoạt động tẩy xanh đã bắt đầu gây chú ý trên cấp độ quốc gia. Ví dụ như vào năm 2023, một cuộc điều tra đã phát hiện ra việc có tới 94% các dự án liên quan đến rừng được xác nhận bởi tổ chức Verra là cơ quan chứng nhận tín chỉ carbon hàng đầu thế giới (verified carbon standard-VCS) (Washington D.C, Hoa Kỳ) đã không thể hiện được mức cắt giảm carbon một cách thực sự. Sau báo cáo được công bố, giá trị tín chỉ carbon từ các dự án đã đăng ký của tổ chức Verra đã giảm gần một nửa.
Nghiên cứu từ McKinsey cũng cho thấy khi các công ty Fortune 500 được phân tích về hoạt động của họ về đa dạng sinh học, trong khi 51% số công ty thừa nhận sự tổn thất về đa dạng sinh học theo một cách nào đó, thì chỉ có 5% đặt ra các mục tiêu định lượng bên cạnh sự thừa nhận đó. Tương tự, Sáng kiến Báo cáo công bố carbon (carbon disclosure reporting-CDP) cho thấy, trong số 7.000 công ty được hỏi thăm dò khảo sát, hơn một nửa số công ty đó đang xem xét đưa đa dạng sinh học vào trong chiến lược của họ, đưa ra các cam kết và áp dụng các cơ chế quản trị, phần lớn không biến những cam kết này thành hành động cụ thể song có với 55% số các công ty khác đã không hành động để thực hiện các cam kết đa dạng sinh học của họ trong năm vừa qua.
Đầu tư của khu vực tư nhân vào bảo tồn thiên nhiên vẫn còn thiếu trầm trọng: Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên, (international union for conservation of nature and natural resources-IUCN) là thành viên GEC đã ước tính cần khoản ngân sách trị giá từ 600 tỷ USD đến 800 tỷ USD mỗi năm để đạt được các mục tiêu phục hồi thiên nhiên toàn cầu như đã thống nhất trong Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal. Hiện tại, nguồn tài trợ đang ở mức dưới 150 tỷ USD mỗi năm song chỉ có một phần đầu tư nhỏ là đến từ khu vực tư nhân.
Theo hãng PwC, có tới 83% chi tiêu đầu tư cho bảo tồn thiên nhiên đến từ quỹ công. Đầu tư của khu vực tư nhân vào các giải pháp dựa trên thiên nhiên chỉ lên tới 26 tỷ USD mỗi năm, một phần nhỏ trong tổng tài sản toàn cầu ước tính trị giá 87 nghìn tỷ USD đang được quản lý.
Tài khoản vốn tự nhiên đang nổi lên một cách chậm chạp: Trong những năm gần đây, cả khu vực công và tư ngày càng quan tâm đến việc báo cáo về vốn xã hội và vốn tự nhiên, một phần được lấy cảm hứng từ tạp chí Dasgupta Review do Giáo sư Partha Dasgupta chủ trì, đã đưa ra đánh giá độc lập về mặt kinh tế đa dạng sinh học dưới sự ủy quyền của Bộ Tài chính Vương quốc Anh. Tháng 3/2021, Ủy ban thống kê Liên hợp quốc đã thông qua Hệ thống kế toán kinh tế-môi trường là một khuôn khổ Hệ sinh thái kế toán, điều này thể hiện bước đi đầu tiên được thực hiện ở cấp độ Liên hợp quốc để vượt ra ngoài GDP và công nhận giá trị của thiên nhiên trong lập kế hoạch, đưa ra quyết sách và báo cáo kinh tế.
Tài khoản vốn tự nhiên cung cấp các tài khoản vật lý và thống kê theo dõi trữ lượng tài nguyên thiên nhiên quốc gia cũng như các dòng dịch vụ và lợi ích cho xã hội. Thông tin bổ sung này rất quan trọng vì hầu hết các hoạt động hoạch định chính sách hiện nay đều bỏ qua hoặc coi nhẹ tầm quan trọng của thiên nhiên, đặc biệt là các quá trình tự nhiên vô hình hoặc phức tạp như biến đổi khí hậu.
Hiện một số quốc gia đang dẫn đầu về tài khoản quốc gia về vốn tự nhiên. CH Mexico từ lâu đã dẫn đầu thế giới về hạch toán vốn tự nhiên và là quốc gia khu vực Mỹ Latinh đầu tiên biên soạn các tài khoản kinh tế môi trường, trong khi Vương quốc Anh, Uganda và đặc biệt là Vương quốc Thụy Điển được công nhận là những quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong việc phát triển các tài khoản toàn diện. Tuy nhiên, ngay cả ở những quốc gia đã phát triển tài khoản vốn tự nhiên quốc gia, thách thức chính là việc tích hợp chúng vào các quyết sách kinh tế và chính sách.
Theo Petrotimes