Một thị trường khí đốt hỗn loạn
Sau khi thảo luận về cách thức hoạt động của cơ sở hạ tầng tài chính, người chơi tham gia và hoạt động thị trường đặt ra phác thảo chung về khuôn khổ pháp lý thị trường TTF và những thay đổi về cung và cầu khí đốt trong vài năm qua. Đó là các xu hướng chung trong (các) năm trước khi chuyển sang các sự kiện vào mùa hè năm 2022 khi mà giá TTF đạt ở mức cao nhất. Trước năm 2021, những biến động giá cả mạnh trong các hợp đồng giao ngày tới có xu hướng bị hạn chế và diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn song thường chỉ ảnh hưởng đến một hoặc hai trung tâm giao dịch. Một ví dụ về điều này là cái gọi là “sự cố Baumgarten” (12/12/2017) khi mà một vụ nổ đã xảy ra tại trung tâm khí đốt Baumgarten (CH Áo) đã dẫn đến sự gián đoạn trong việc truyền tải khí đốt ở châu Âu, gây ra những biến động ngắn song mạnh mẽ đối với hợp đồng giao ngày trước, trước khi tình hình ổn định trở lại.
Một sự phát triển lớn thúc đẩy động lực thị trường và thay đổi sự cân bằng giữa cung và cầu là đại dịch COVID-19. Hoạt động kinh tế giảm sút rên toàn thế giới, điều này làm sụt giảm nhu cầu về năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên khác. Sau đó đã diễn ra sự phục hồi nhu cầu do nền kinh tế phục hồi trở lại, điều này khiến cho giá cả khí đốt tăng lên dần (2021). Một yếu tố khác góp phần khiến giá TTF tăng cao là việc giảm đáng kể và cuối cùng là các mỏ khí đốt lớn ở Groningen (CH Hà Lan) phải đóng cửa. Do đó, do nhu cầu tăng và nguồn cung giảm, nên giá TTF đã tăng cao từ năm 2020 trở đi, ban đầu ổn định song tăng dần theo thời gian. Về mặt số lượng, các hợp đồng kỳ hạn 1 ngày tới và 1 ngày tháng được giao dịch ở mức dưới 25 EUR/MWh vào đầu năm 2020, song sau đó đã tăng lên mức 100 EUR/MWh vào khoảng tháng 10/2021.
Đúng như dự đoán, diễn biến lớn tiếp theo đã xảy đến khi cuộc xung đột CHLB Nga-Ukraine nổ ra (24/2/2022). Nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và EU, đã áp đặt nhiều vòng cấm vận trừng phạt kinh tế đối với cả doanh nghiệp, thực thể và cá nhân CHLB Nga. Những hành động này đã có ảnh hưởng sâu rộng, chẳng hạn như lệnh cấm vận đối với hệ thống dịch vụ thanh toán toàn cầu SWIFT. Ngược lại, CHLB Nga đã cắt giảm xuất khẩu khí đốt và phản ứng mạnh hơn nữa bằng các chương trình như “đổi khí đốt lấy đồng rúp”. Do vậy, khi giá TTF tăng vọt gần 200 EUR/MWh (1/2022), sau tăng vọt lên hơn 220 EUR/MWh (3/2022). Do đó, EU phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng với sự gián đoạn và tác động liên quan đến nền kinh tế. Điều đó cho thấy các nước EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt của CHLB Nga đã dần bắt đầu thực hiện các biện pháp đối phó. Tháng 2/2022, CHLB Đức bắt đầu lên kế hoạch xây dựng hai cụm kho cảng LNG Wilhelmshaven và Brunsbettel nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của CHLB Nga bằng cách thiết lập các tuyến cung cấp thay thế.
Trong một động thái tiếp theo nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào khí đốt của CHLB Nga, Ủy ban châu Âu EC đã đưa ra kế hoạch REPowerEU (5/2022), trong đó bao gồm chiến lược chuyển đổi hệ thống năng lượng của EU theo hai phương cách. Đầu tiên, nó sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ CHLB Nga, bao gồm cả khí đốt. Điều này có thể đạt được thông qua việc mua chung các nhiên liệu hóa thạch và đa dạng hóa nguồn cung bằng cách ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, các nhà cung cấp đang ở thế mạnh để đàm phán lại hợp đồng: Ví dụ như Algeria (Sonatrach) đã tìm cách đàm phán lại giá khí đốt bán cho Tây Ban Nha (Naturgy) và Ý chuyển lấy giá tham chiếu từ dầu Brent sang TTF như một chỉ số. Thứ hai, REPowerEU sẽ tìm cách giải quyết khủng hoảng tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, do đó làm giảm thiểu nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch.
Mặc dù kể từ tháng 3/2022, giá TTF đã dần quay đầu giảm trở lại mức khoảng 100 EUR/MWh song chúng vẫn tiếp tục tăng mạnh theo những diễn biến địa chính trị này từ tháng 7/2022 trở đi, đạt trên 300 EUR/MWh (9/2022) khi chính phủ các nước thành viên EU gấp rút đảm bảo nguồn cung LNG song tình trạng hỗn loạn tiếp theo trên thị trường TTF vẫn chưa xảy ra. Đầu tháng 9/2022, CHLB Nga đã ngừng cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống Nord Stream 1, một trong những đường ống dẫn khí đốt quan trọng đến thị trường CHLB Đức. Đến cuối tháng đó, cả hệ thống đường ống Norm Stream 1 và 2 đều bị rò rỉ, có thể là kết quả của sự phá hoại, và đã bị đưa ra khỏi dịch vụ ổn định. Do vậy, các nước Trung Âu nói riêng đều chịu bị ảnh hưởng do thiếu nguồn cung khí đốt của CHLB Nga. Riêng các nước Đông Âu và Đông Nam Âu đã phải vật lộn với nhu cầu về khí đốt của CHLB Nga. Nhìn lại những diễn biến thị trường khí đốt năm 2023, điều cần lưu ý là việc các nước EU tiếp tục tìm kiếm thay thế nguồn cung khí đốt của CHLB Nga bằng cách ký kết các thỏa thuận mới với các nước khác, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai thực hiện điều đó.
Sáng kiến điều tiết tài chính
Quy định pháp luật mới: Mức giá cao, sự biến động và tỷ suất lợi nhuận của TTF được đưa ra cho các CCP đối với các sản phẩm phái sinh TTF đã gây ra những quan ngại nghiêm trọng đối với các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu. Sự gia tăng đột biến (9/2022) đã thúc đẩy tốc độ thay đổi ở Brussels. Trong thư gửi ESMA, Ủy ban châu Âu EC đã đặt ra các đầu mối yêu cầu đầu vào kỹ thuật cũng như yêu cầu về chức năng tương tự như các thiết bị ngắt mạch điện cũng như sự cần thiết phải thiết lập các giới hạn về giá cả: Cả hai đều nên được sửa đổi và thống nhất hơn trên toàn EU nhằm làm cho biến động giá cả cân bằng hơn một chút? Ngoài ra, ESMA được yêu cầu xem xét các phương cách thay thế để NFC cung cấp tài sản thế chấp khi thanh toán với các CCP có trụ sở tại EU, ví dụ như bằng cách mở rộng danh sách tài sản thế chấp đủ điều kiện, cho phép bảo lãnh của ngân hàng (trung ương) làm tài sản thế chấp, cũng như xem xét tính phù hợp của ngưỡng thanh toán bù trừ (được đề xuất).
Trong lời khuyên kỹ thuật của mình, ESMA cũng đã lưu ý nguyên nhân của sự phát triển thị trường dường như xuất phát từ “tình hình địa chính trị và các biến động thị trường giao ngay liên quan”. Do vậy, ESMA còn nhấn mạnh mối quan ngại của họ về việc chuyển rủi ro từ lĩnh vực năng lượng sang lĩnh vực tài chính, đồng thời cảnh báo khuôn khổ pháp lý tài chính được thiết kế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008) như đã đặt ra trước đó, không nên bị xâm phạm. Tuy nhiên, ESMA cũng còn lưu ý việc trong mùa hè năm 2022, số lần giao dịch bị tạm dừng đạt ở mức thấp khi mà ESMA cho rằng việc “triển khai trên cơ sở tạm thời và chỉ dành riêng cho các thị trường phái sinh năng lượng, một loại cơ chế tạm dừng giao dịch mới” như một phần của các biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng. ESMA cũng đã bày tỏ sự thận trọng trong việc sửa đổi các yêu cầu ký quỹ bởi vì điều này có thể chuyển rủi ro cho các CCP và các thành viên của nó. Do đó, ESMA cũng đã do dự trong việc mở rộng loại tài sản thế chấp được phép, ví dụ như đối với bảo lãnh ngân hàng (không thế chấp), không có điều kiện nghiêm ngặt và chỉ tạm thời sửa đổi các văn bản liên quan. Trongg khi đánh giá đầy đủ tình hình kinh tế thực tế và kêu gọi hành động, các đề xuất mang tính lập pháp không được gây ra bất lợi cho sự ổn định tài chính cũng như không gây ra những hậu quả không mong muốn (hoặc thậm chí là tác động bất lợi) do cách thức vận hành của thị trường tài chính.
Hiện quá trình chính trị diễn ra ở Brussels dường như đã gặp nhiều khó khăn. Bà Chủ tịch von der Leyen đã công bố và được Hội đồng châu Âu đề xuất, một loạt biện pháp can thiệp khẩn cấp đã được soạn thảo để giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao (14/9/2022) với những đề xuất bao gồm nhiều bước đi, ví dụ như cắt giảm nhu cầu, đa dạng hóa khỏi nhiên liệu hóa thạch của CHLB Nga, tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo và hỗ trợ thanh khoản cho các công ty năng lượng khi cần thiết cũng như giới hạn doanh thu và lợi nhuận đột biến cho các công ty năng lượng và nhiên liệu hóa thạch với việc tất cả những nội dung này đều đã được thông qua (10/2022). Mặc dù gói quy định pháp luật này có thể được coi là có tầm ảnh hưởng sâu rộng một cách chính đáng song nó không bao gồm mức giá trần đối với giá khí đốt trên thị trường bán buôn mặc dù một số lượng lớn các quốc gia thành viên EU đang thúc đẩy vấn đề này. Trong bức thư chung của nhiều nước thành viên EU đã nêu rõ mức giá trần như vậy sẽ giúp “mọi quốc gia thành viên giảm thiểu áp lực lạm phát, quản lý kỳ vọng và đưa ra khuôn khổ trong trường hợp nguồn cung có thể bị gián đoạn và hạn chế lợi nhuận tăng thêm trong lĩnh vực này”. Điều có thể trở lên hữu ích nếu nhớ lại nhiều điều trong số này khi mà các quốc gia thành viên hiện đã có các hợp đồng khí đốt dài hạn được lập danh mục theo giá TTF: Do đó, mức giá trần sẽ đặt ra giới hạn trên đối với chi phí cung cấp năng lượng của họ. Hiện các quốc gia thành viên khác, chẳng hạn như CHLB Đức đã lập luận việc bất kỳ mức giá trần nào do EU đơn phương áp đặt đều sẽ gây rủi ro cho nguồn cung năng lượng (ngắn hạn) cần thiết để thay thế khí đốt của CHLB Nga, đặc biệt, nó có thể dẫn đến việc vận chuyển LNG đi nơi khác với mức giá cao hơn mức giá mà EU có thể đưa ra, bao gồm cả việc đưa sang Trung Quốc khi nền kinh tế nước này phục hồi. Kết quả là, một số nhà hoạch định chính sách đã đưa ra cáo buộc về hành vi mang tính cá nhân đối với những quốc gia thành viên đã phản đối mức giá trần nêu trên.
Do đó, tiếp theo là diễn ra các cuộc đàm phán căng thẳng về hình thức và mức độ của bất kỳ mức giá trần tiềm năng nào đối với giá khí đốt trên thị trường bán buôn. Ngày 22/11/2022, Ủy ban châu Âu EC đã đề xuất Cơ chế điều chỉnh thị trường (Market Correction Mechanism-MCM) và đã được gia hạn đến 31/1/2025 (12/2023), hay nói một cách đơn giản là mức giá trần linh hoạt cho TTF, bổ sung cho các biện pháp trước đó và là một công cụ được thiết kế để hạn chế giá cả leo thang trên thị trường khí đốt EU khi mà nó được kích hoạt khi giá cả tại các điểm giao dịch ảo của EU dịch chuyển trên mức giá nhất định và khi giá cả này cũng cao hơn đáng kể so với mức giá nhập khẩu LNG. MCM ban đầu chỉ áp dụng cho giá khí đốt của Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF) và chỉ được kích hoạt nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định. Quy định (EU) 2023/736 (31/3/2023) cũng đã mở rộng MCM sang các điểm giao dịch ảo khác của EU, ngoài TTF Hà Lan. Những đề xuất này đã trở thành chủ đề đàm phán trong một loạt cuộc họp của Hội đồng năng lượng, sau đó, văn bản cuối cùng cũng đã được thống nhất (Quy định MCM) vào ngày 19/12/2022. Điều cần lưu ý, cùng ngày này, nhiều nội dung khác các biện pháp đồng bộ thực hiện đã được thống nhất, bao gồm cơ chế quản lý biến động giá trong ngày (intraday volatility management mechanism-IVMM: Các bộ ngắt mạch giao dịch phái sinh trong ngày bổ sung hiệu quả trên TFF), phối hợp mua khí đốt và khuôn khổ để đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo (Quy định IVMM.
Bộ ngắt mạch giao dịch phái sinh: Trước khi thảo luận cụ thể về IVMM, có lẽ nên trình bày ngắn gọn các quy định hiện hành về bộ ngắt mạch này. RM hoạt động theo các ràng buộc và quy định cụ thể, được cung cấp cùng với các quy định khác trong MiFID II, như đã nêu trước đây. Ví dụ như Điều 47 MiFID II đưa ra các yêu cầu về tổ chức, bao gồm quản lý rủi ro đầy đủ, các quy tắc đảm bảo giao dịch công bằng và có trật tự, và đủ nguồn lực để đảm bảo hoạt động có trật tự của nó. Điều 48 MiFID II quy định cách hệ thống giao dịch phải có đủ khả năng phục hồi bao gồm các yêu cầu đối với bộ ngắt mạch (circuit breaker) cho giao dịch phái sinh trong ngày. Bộ ngắt mạch này là một cơ chế theo Điều 48(5) để tạm thời dừng hoặc hạn chế giao dịch nếu có biến động giá cả đáng kể trong công cụ tài chính liên quan. Cơ quan chứng khoán và thị trường châu Âu ESMA đã ban hành hướng dẫn, trong đó một địa điểm cho phép hoặc cho phép giao dịch theo thuật toán trên hệ thống của họ. Những nguyên tắc này tuy còn khá chung chung song vẫn cung cấp các yếu tố rõ rệt cần tính đến khi hiệu chỉnh bộ ngắt mạch giao dịch phái sinh trong ngày. Ví dụ như chúng bao gồm bản chất của các công cụ, mức báo giá cả, hồ sơ thanh khoản và biến động cũng như chế độ và quy tắc của địa điểm giao dịch.
Nói chung, việc sử dụng và hiệu quả của bộ ngắt mạch giao dịch phái sinh trong ngày chắc chắn không phải là điều không thể bàn cãi trong giới học thuật khi mà những người ủng hộ nhận thấy điều này giúp những người tham gia thị trường có thời gian để phản ánh và giữ bình ổn thị trường, do đó làm giảm sự biến động giá cả thị trường, trong khi những người phản đối thì lại cho rằng nó cản trở quá trình phát hiện giá cả leo thang. Hiện nghiên cứu của ESMA cho thấy sự biến động giá cả giảm đi sau khi kích hoạt mà không làm ảnh hưởng đến quá trình xác định giá cả song việc giao dịch các sản phẩm được niêm yết chéo trên “các địa điểm vệ tinh” đã hoàn toàn kết thúc. Tóm lại, cuộc tranh luận về việc sử dụng và tác động của bộ ngắt mạch nêu trên cho các giao dịch phái sinh trong ngày là do không có nghĩa là giải quyết được mọi vấn đề đặt ra.
Thực tế là những biến động giá cả khí đốt trong tháng 8 và tháng 9/2022 có thể đã không kích hoạt nhiều bộ ngắt mạch giao dịch phái sinh trong ngày như một số người kỳ vọng đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách khi họ đặt đặt ra câu hỏi: Nếu kịch bản này không kích hoạt nhiều bộ ngắt mạch giao dịch phái sinh trong ngày hơn thì kịch bản nào sẽ xảy ra? Do đó, Điều 15, 16, 17 của Quy định IVMM đã đưa ra “cơ chế quản lý biến động tạm thời trong ngày trên thị trường phái sinh năng lượng” (hoặc bộ ngắt mạch) nhằm giảm thiểu biến động giá cả và cố gắng hạn chế biến động giá tăng cao. Theo Điều 15 trên, giá cả phải nằm trong hành lang giá, ranh giới của hành lang này phải được đặt theo giá tham chiếu gần đây và có thể cần được cập nhật ngay cả trong ngày. Việc triển khai được yêu cầu kể từ ngày 31/1/2023, trong khi đó, Điều 16 thì lại nêu rõ các cơ quan quản lý quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện, trong khi ESMA sẽ có vai trò điều phối theo Điều 17 với việc đề xuất cũng thừa nhận các cơ chế đó phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể về địa điểm giao dịch và sản phẩm. Do đó, tùy thuộc vào địa điểm giao dịch và cơ quan giám sát quốc gia tương ứng để thực hiện triển khai các cơ chế mới.
ESMA có vai trò điều phối trong vấn đề này và được yêu cầu báo cáo về bất kỳ sự khác biệt nào, song rõ ràng là không có nhu cầu cụ thể để hài hòa giữa nhiều địa điểm và sản phẩm khác nhau, cho nên, cách tiếp cận này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhu cầu khác nhau ở các địa điểm khác nhau và các sản phẩm khác nhau.
Cơ chế điều chỉnh thị trường: Theo Lời mở đầu (12), Quy định MCM đã đưa ra “cơ chế điều chỉnh thị trường tạm thời” (temporary market correction mechanism -MCM) cho các giao dịch khí đốt tự nhiên trên các thị trường chính đối với các công cụ phái sinh và phái sinh TTF được liên kết với các VTPs khác có kỳ hạn giữa các tháng tới và năm tới như là một công cụ chống lại các đợt giá xăng dầu tăng quá cao có hiệu lực ngay lập tức. MCM chỉ mang tính tạm thời vì Quy định MCM có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 trong thời hạn một năm theo Điều 12(1). MCM phải đáp ứng hai mục tiêu cơ bản, theo Lời mở đầu (15): Nó phải có hiệu quả trước giá khí đốt cao bất thường và nó cũng phải được kích hoạt nếu những mức giá này cao hơn so với mức giá của thế giới. Hơn thế nữa, nó cũng thừa nhận sự tồn tại nhiều mối quan ngại khác nhau của một số quốc gia thành viên EU khi mà Lời mở đầu (14) đã phải liệt kê một số biện pháp bảo vệ, bao gồm việc nó không được gây nguy hiểm đối với việc cung cấp khí đốt cho EU, điều này dẫn đến việc gia tăng mức tiêu thụ khí đốt hoặc ảnh hưởng đến sự ổn định và hoạt động có trật tự của các thị trường phái sinh năng lượng. Đồng thời lưu ý, theo Điều 1, MCM hoạt động trên thị trường và sản phẩm phái sinh TTF chứ không phải trên thị trường giao ngay.
Đối với MCM trên TTF năm đầu được kích hoạt theo Điều 4(1) trong trường hợp giá TTF tháng đầu đều vượt quá mức 180 EUR/MWh trong ba ngày làm việc và cao hơn 35 euro so với giá tham chiếu được chỉ định trước đó. Giá tham chiếu này phản ánh giá khí đốt cấp độ thế giới, bao gồm các khu vực Tây Bắc Âu (NEW), Địa Trung Hải (MED), NBP (Vương quốc Anh) và các điểm giao dịch ở châu Á theo Điều 2(6). Những thông tin này phải được ACER công bố hàng ngày theo Điều 3(4), sau khi MCM được kích hoạt, giá cả của các sản phẩm TTF trong phạm vi được giới hạn ở mức tối đa là 180 EUR/MWh và giá tham chiếu cộng thêm 35 EUR/MWh, tức là giá trần linh hoạt và tuân thủ theo giá tham chiếu. MCM phải ngừng hoạt động trở lại sau 20 ngày kể từ sự kiện hoặc muộn hơn, khi giá tham chiếu dưới 145 EUR/MWh trong ba ngày liên tiếp theo Điều 4(7). Đối với những trường hợp khác mà MCM có thể bị vô hiệu hóa (hoặc bị đình chỉ) như được liệt kê trong Điều 6, ví dụ như khi có trường hợp khẩn cấp được tuyên bố về nguồn cung khí đốt trong EU hoặc một trong các khu vực của EU. Đối với các trường hợp khác sẽ bao gồm những xáo trộn thị trường ngoài ý muốn và rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Điều cần lưu ý phạm vi của hợp đồng TTF bị giới hạn bởi Điều 12(4), đáng chú ý nhất là bằng cách loại trừ các hợp đồng phòng ngừa rủi ro của hợp đồng TTF tồn tại trước ngày 1/2/2023 và các hợp đồng TTF là một phần của quy trình quản lý vi phạm của CCP.
Triển khai thực hiện: Hiện các địa điểm giao dịch nơi giao dịch hàng hóa phái sinh liên quan đến năng lượng phải triển khai IVMM trước ngày 31/1/2023. ESMA đã tiến hành đánh giá và công bố báo cáo cuối cùng về việc triển khai nói trên theo Điều 17 Quy định IVMM với kết luận chính là, mặc dù IVMM đã được triển khai song có vẻ như nó không góp phần làm giảm mức độ biến động giá cả trong ngày ngoài những gì mà cơ chế quản lý biến động tạm thời trong ngày trên thị trường phái sinh năng lượng (bộ ngắt mạch) MiFID II đã tự cung cấp. Hơn thế nữa, đối với các địa điểm giao dịch nhỏ hơn, việc triển khai IVMM có vẻ phức tạp vì chúng phụ thuộc vào nguồn cấp giá tham chiếu từ các địa điểm giao dịch lớn hơn và có tính thanh khoản cao hơn cũng như gặp những khó khăn liên quan trong việc xác định mức độ có ý nghĩa để kích hoạt, do vậy, có lẽ kết quả có lợi nhất là các địa điểm giao dịch lớn hơn buộc phải xem xét lại việc hiệu chuẩn bộ ngắt mạch của họ một cách nghiêm túc.
MCM hiện đang được triển khai bởi cả ICE Endex và EEX trên đó các sản phẩm TTF được giao dịch. EEX đã sửa đổi quy tắc của mình bằng cách cấm các thành viên sàn giao dịch của họ đặt các lệnh vi phạm Quy định MCM. Ngoài ra, EEX cũng đã cho phép giao dịch các sản phẩm TTF trên Cơ sở giao dịch thông thường (OTF) của họ song nằm ngoài phạm vi của Quy định MCM. Điều này sẽ đem lại cho những người chơi tham gia thị trường một địa điểm thay thế để giao dịch các sản phẩm TTF nếu việc kích hoạt MCM dẫn đến giao dịch mất kiểm soát trên EEX RM. Do vậy, ICE Endex cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự. Việc thực hiện Quy định MCM được thực hiện bằng sách quy tắc. Và tương tự như EEX, ICE đã tạo ra một giải pháp thay thế để giao dịch các sản phẩm TTF nếu giao dịch trở nên mất kiểm soát, trong trường hợp này là trên sàn ICE Futures Europe-một RM ở London, do đó nó nằm bên ngoài EU cũng như phạm vi của Quy định MCM.
Link nguồn:
https://academic.oup.com/jwelb/article/17/3/184/7641518
Theo Tuấn Hùng (Academic.oup.com)