Trong phạm vi bài viết này, xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả những nội dung chính ấn phẩm số 5 với tựa đề “Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh bền vững ở Ả rập Xê-út (KSA): Đặc điểm khuôn khổ chính sách, mối quan hệ và hướng nghiên cứu tiếp theo” do nhóm tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu liên lĩnh vực về hệ thống năng lượng bền vững (IRC-SES), Đại học Dầu khí và Khoáng sản King Fahd (KSA) biên soạn và đã được đăng tải trên tạp chí điện tử https://www.sciencedirect.com/ trực thuộc Công ty xuất bản học thuật Elsevier BV (CH Hà Lan), dự kiến cũng sẽ được phát hành trên tạp chí xuất bản điện tử chuyên lĩnh vực năng lượng “Next Energy” cũng thuộc Elsevier BV số ra vào tháng 10 tới, để tham khảo.
*****
Bức tranh năng lượng tổng quan của Ả rập Xê-út
Năng lượng là nền tảng cho nền văn minh hiện đại và sự phát triển bền vững. Việc sản xuất năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân gây ra tác động của biến đổi khí hậu tại từng quốc gia và trên toàn cầu, do vậy, các cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris được coi là cơ chế hướng dẫn nhằm hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới ngưỡng 1,5°C nhờ những tiến bộ công nghệ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực cắt giảm tiêu thụ năng lượng, nâng cao hiệu quả phát điện và thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng bền vững đã nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn thế giới. Hiện nhiều quốc gia đang sửa đổi chính sách năng lượng và phát triển các khuôn khổ chính sách mới để gia tăng độ tin cậy trong sản xuất năng lượng, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu bằng các hệ thống năng lượng tái tạo (renewable energy systems-RES), đồng thời đáp ứng bền vững nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Ngoài ra, các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp có tác động nhiều nhất đến hồ sơ phát thải khí khi mà việc giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu đòi hỏi một cách tiếp cận phối hợp với cả hành động giảm thiểu và thích ứng, trong đó chú trọng hơn vào các nỗ lực hội nhập chiến lược để đạt được lợi ích tối đa và tăng cường khả năng phục hồi.
Hiện Ả rập Xê-út là thành viên của các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council-GCC), với GDP hàng năm là 1,109 nghìn tỷ USD (2022) và cũng là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch dẫn đến phát thải CO₂ quy mô lớn. Theo nghiên cứu của Patalong, Ả rập Xê-út đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho năng lượng tái tạo (RE) với kỳ vọng đạt 27,3 GW công suất (2024) và 58,7 GW công suất (2030), thậm chí phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất 130 GW RE hàng năm (2030). Nhu cầu điện quốc gia sẽ là 366 terra watt giờ (TWh) với mức tăng trưởng kinh tế vừa phải và không thay đổi giá cả. Hiện các quốc gia GCC khác như Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Kuwait cũng cam kết thực hiện các mục tiêu về năng lượng tái tạo. UAE có kế hoạch tạo ra 50% điện năng từ năng lượng mặt trời dưới dạng nguồn không có carbon (2050). Đến năm 2026, UAE có kế hoạch phát triển công suất điện mặt trời 5,6 GW, trong khi Kuwait đặt mục tiêu đạt 8.000 MW công suất năng lượng tái tạo sử dụng tài nguyên năng lượng mặt trời và gió. Hiện các nước Oman và Qatar cũng đang có những tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với công suất dự kiến lần lượt là 5.500 MW và 3.100 MW. Từ năm 2013 đến năm 2022, những tiến bộ chung của UAE về năng lượng tái tạo là chưa từng có, điều này đã khiến các nước GCC khác tụt lại phía sau sau năm 2016, với công suất lắp đặt 142 MW và đạt 3.058 MW công suất (2022). Cùng năm đó, Ả rập Xê-út, Qatar và Oman cũng đã lắp đặt với công suất lần lượt là 443 MW, 824 MW và 688 MW.
Mặt khác, về mặt công nghệ đổi mới sáng tạo, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), vào năm 2030, Ả rập Xê-út sẽ dẫn đầu về công nghệ dựa trên năng lượng mặt trời tập trung (concentrated solar power-CSP) với công suất 9.500 MW, trong khi công nghệ quang điện mặt trời quy mô tiện ích sẽ là công nghệ khai thác năng lượng mặt trời hàng đầu ở UAE, sẽ đạt công suất lắp đặt 18.900 MW. Ả rập Xê-út cũng sẽ dẫn đầu về công suất năng lượng gió, đạt 3.500 MW. Điều đáng ngạc nhiên là riêng về lĩnh vực năng lượng sinh học sẽ vẫn kém phát triển tại các nước GCC.
Hiện Ả rập Xê-út cũng đang phải đối mặt với một thách thức trái ngược trong tham vọng đạt được mục tiêu net-zero (2060) khi mà đang tập trung giải quyết vấn đề này bằng cách đầu tư nguồn lực tài chính vào RE, thay đổi cơ cấu giá cả năng lượng và chuyển đổi từ dầu sang khí đốt. Ngoài ra, việc thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) và khả năng chuyển sang sử dụng hydrogengen làm nguồn RE (tức là các dự án đấu thầu với công suất khoảng 20 GW vào năm 2024) đang được xem xét. Phù hợp với chương trình chuyển đổi năng lượng quốc gia, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang đem lại cơ hội tạo công ăn việc làm mới và tăng trưởng kinh tế. Hiện lĩnh vực công nghiệp năng lượng ở Ả rập Xê-út đang trải qua một biến động lớn sẽ tác động đáng kể đến quốc gia này cũng như phần còn lại của thế giới.
Hiện Ả rập Xê-út đang đánh giá chiến lược giảm thiểu CO₂ có tính đến năng lượng địa nhiệt khi mà nhận thấy những thay đổi trong chính sách năng lượng, loại bỏ hàng rào thuế quan và áp dụng cơ chế phát triển sạch (clean development mechanism-CDM) là một số đường hướng được coi là biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, từ góc độ chính sách, những thách thức và cơ hội đầy hứa hẹn liên quan đến năng lượng của Ả rập Xê-út đã được bài viết này nghiên cứu với một cách tiếp cận tương tự đã được thực hiện bởi nhận thấy tiềm năng của gió, sinh khối và năng lượng nhiệt cần được đánh giá thêm và có phạm vi để phát triển chính sách năng lượng kịp thời nhằm đạt được an ninh năng lượng và cắt giảm chi phí năng lượng tái tạo và năng lượng, giúp sản xuất năng lượng bền vững. Tính bền vững và hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà thương mại và dân sự cũng đã được phân tích nhằm cải thiện hơn nữa xung quanh chính sách bảo tồn năng lượng và ứng dụng các công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng. Trước đó, bài viết nghiên cứu này cũng còn xem xét các nỗ lực toàn cầu đối với giá cả ưu đãi năng lượng tái tạo, điều này đi đến kết luận việc áp dụng cơ chế này sẽ tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo từ quan điểm chính sách. Gần đây, hiện trạng thâm nhập quang điện mặt trời PV vào người tiêu dùng khu dân cư, thương mại và trong nông nghiệp hiện đại đã được xem xét nghiêm túc khi mà tài chính đóng vai trò quan trọng trong các nhà máy quang điện PV quy mô nhỏ và việc sử dụng các tấm quang điện mặt trời PV trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế.Hiện chưa có nghiên cứu nào trong số này tập trung hoàn toàn vào quan điểm chính sách của lĩnh vực năng lượng (tức là cách tiếp cận cấp hệ thống) đối với Ả rập Xê-út, thay vào đó sử dụng cách tiếp cận theo chủ đề cho trọng tâm nghiên cứu cụ thể, ví dụ như các biện pháp cắt giảm phát thải CO₂ tập trung vào địa nhiệt, điều này cho thấy khoảng trống nghiên cứu rõ ràng trong tài liệu.
Để lấp đầy khoảng trống nghiên cứu như vậy, bài viết này nhằm mục đích cung cấp một cái nhìn tổng quan và toàn diện về toàn bộ lĩnh vực năng lượng, bắt đầu từ sản xuất năng lượng đến sử dụng năng lượng và đưa các tiêu chí bền vững vào cuộc thảo luận chính sách năng lượng rộng hơn (tức là xã hội, kinh tế, môi trường) và quan trọng hơn là phát triển khuôn khổ khái niệm xung quanh chính sách năng lượng của Ả rập Xê-út phù hợp với Tầm nhìn 2030 đầy tham vọng và tất cả các khía cạnh liên quan chẳng hạn như hòa nhập xã hội, động lực và rào cản, sự liên kết của chính sách năng lượng với các hiệp định quốc tế, công nghệ và đổi mới, nghiên cứu và các mối quan hệ liên lĩnh vực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Bài viết này cũng lần đầu tiên giới thiệu các lĩnh vực nghiên cứu mới nổi, như nền kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh doanh tuần hoàn, vào cuộc thảo luận về chính sách năng lượng trong tài liệu về chính sách năng lượng của Ả-rập Xê-út.
Xu hướng chuyển dịch năng lượng
Vào đầu những năm 1938 đến những năm 1970, việc sản xuất dầu thông qua đối tác nước ngoài chủ yếu là với Hoa Kỳ, công ty dầu mỏ đầu tiên mang tên “Công ty dầu khí Ả rập – Hoa Kỳ (Arabian American Oil Company-Aramco) được thành lập với tư cách là một công ty quốc hữu hóa. Kể từ đó, sự phụ thuộc vào dầu mỏ cho cả nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu trên thị trường quốc tế ngày càng tăng lên rất đáng kể. Hiện Ả rập Xê-út đang sở hữu 17% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Năm 2022, thu nhập ròng của hãng dầu khí Aramco đạt 161,1 tỷ USD; dầu mỏ và khai thác dầu chiếm khoảng 45% GDP cả nước. Tiêu thụ năng lượng ở Ả rập Xê-út chủ yếu dựa vào dầu khí, đạt mức đỉnh (2016), sau đó giảm vào năm 2020 do đại dịch COVID-19. Trong những năm gần đây, mô hình tiêu thụ cho thấy xu hướng ngày càng tăng tương tự, với tỷ trọng rất nhỏ của các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, mặc dù chúng rất phong phú ở quốc gia này.
Cơ cấu năng lượng của đất nước vào năm 2021 lần lượt bao gồm 61% khí đốt tự nhiên và 39% dầu. Tỷ trọng điện mặt trời và điện gió được sản xuất gần như không có. Trong số các nước thành viên G20, Ả rập Xê-út là quốc gia duy nhất gần như sản xuất toàn bộ điện từ nhiên liệu hóa thạch và đạt được rất ít tiến bộ trong mười năm qua, điều này đặt quốc gia này cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu về tỷ lệ sản xuất hóa thạch là 62% và thậm chí cao hơn CH Nam Phi (86%). Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tuyên bố Ả rập Xê-út phải loại bỏ carbon hoàn toàn khỏi ngành điện lực (2035) và đạt được lượng phát thải net-ro (2050) để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng lên quá ngưỡng 1,5°C. Đến năm 2030, Ả rập Xê-út kỳ vọng sẽ sản xuất 58,7 GW năng lượng tái tạo, trong đó 40 GW công suất đến từ quang điện mặt trời (solar PV), 16 GW công suất (năng lượng gió) và 2,7 GW công suất (năng lượng mặt trời tập trung-CSP).
Về tiêu thụ năng lượng, Ả rập Xê-út là một trong những thị trường điện lớn nhất ở khu vực vùng Vịnh và đến năm 2030, nhu cầu này dự kiến sẽ tăng hai con số. Tương tự như hệ thống sản xuất và phát điện, mô hình tiêu thụ năng lượng chủ yếu phụ thuộc vào dầu khí là nguồn năng lượng chính với ước tính đến năm 2022, tổng mức tiêu thụ năng lượng đã đạt 238.173 tấn dầu tương đương (toe). Trong cùng năm đó, mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người đạt tới 6,5 tấn dầu tương đương (toe), bao gồm khoảng 9,2 MWh năng lượng. Tính theo lĩnh vực, tính đến năm 2021, khu vực dân cư tiêu thụ 47% tổng năng lượng (tức là nằm trong số những khu vực tiêu thụ cao nhất), tiếp theo là công nghiệp (19%), thương mại (15%), chính phủ (13%), nông nghiệp (2%) và khu vực khác (4%). Mặt khác, nghiên cứu của Babelli đã đề cập lĩnh vực xây dựng chiếm tới 79,5% mức tiêu thụ năng lượng, trong đó bao gồm sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí tiêu thụ 70% năng lượng. Tuy nhiên, nếu xét mức tiêu thụ năng lượng trên cơ sở thuê bao thì khu vực chính phủ là khu vực tiêu thụ điện nhiều nhất. Hiện Ả rập Xê-út có tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn và cần phải đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ và xem xét các nguồn năng lượng tái tạo. Theo nghiên cứu của Gheraia và Abdelli đã nhận thấy những xáo trộn tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế chính thức (formal economy-FGDP), nền kinh tế tổng thể (total economy-TGDP) và nền kinh tế phi chính thức (informal economy-IFGDP) có tác động có lợi đến việc tiêu thụ năng lượng.
Theo PVN