Chuyển đổi số trong ngành điện hướng tới sự thuận lợi cho người dân. Ảnh: Trần Hùng. Từ nhiều năm nay, công việc của anh Hoàng Thanh Bình, Đội trưởng đội Kinh doanh dịch vụ Điện lực Hàm Yên (Tuyên Quang) đã nhanh hơn rất nhiều bởi việc ghi số điện đã không còn thực hiện bằng hình thức thủ công như trước.
"Việc thay thế công tơ thường bằng công tơ điện tử đo xa đã giúp được giảm số công nhân đọc chỉ số công tơ, đảm bảo chính xác trong việc ghi chốt chỉ số điện năng tiêu thu và lập hóa đơn tiền điện cho khách hàng, giảm thiểu những sai sót do lỗi chủ quan của con người", anh Bình cho hay.
Không chỉ đối với ngành điện, chính người dân cũng là đối tượng hưởng những tiện ích của việc chuyển đổi số này. Công tơ điện tử đo xa cập nhập số liệu điện tiêu thụ liên tục hàng ngày hàng giờ về hệ thống và người dân có thể xem được mức độ tiêu thụ điện của mình để điều chỉnh phù hợp.
Những công tơ điện tử đo xa đã góp phần thay đổi thói quen sử dụng điện của người dân. Ảnh: Trần Hùng.
Bà Nông Thị Tô tại huyện miền núi Na Hang (Tuyên Quang) cho biết, trước kia có thông báo bằng hòa đơn giấy thì mời biết tiền điện, số điện hàng thàng. Bây giờ mỗi ngày chỉ cần qua ứng dụng của bên điện lực trên điện thoại là biết được rồi.
"Tiện hơn nhiều chứ, tôi đặt mục tiêu mỗi tháng chỉ dùng bằng này điện nên việc theo dõi được chỉ số điện hàng ngày của gia đình trên điện thoại giúp tôi điều chỉnh được. Từ đó tiết kiệm được khá nhiều tiền điện", bà Tô chia sẻ.
Theo Công ty Điện lực Tuyên Quang, hiện nay đơn vị đang quản lý hơn 283 nghìn khách hàng. Trong đó số khách được lắp đặt công tơ điện tử đo xa đạt trên 221 nghìn đạt hơn 78%, phần lớn trong số này tại các vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.
Dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu thông tin hiện đại, khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh miền núi Tuyên Quang đã có thể tra cứu sản lượng điện tiêu dùng hàng ngày trên điện thoại thông mình qua phần mềm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.
Người dân có thể biết rõ được chỉ số điện tiêu thụ, lịch cắt, bảo trì điện ngay trên điện thoại. Ảnh: Trần Hùng.
Ông Nguyễn Phú Phượng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết, hiện tại Công ty đã đưa 7/7 TBA 110kV sang chế độ không người trực. Từ trung tâm điều khiển xa có thể theo dõi, giám sát các chế độ vận hành, thực hiện điều khiển đóng/cắt, thay đổi chế độ làm việc của thiết bị tại các trạm biến áp.
Về lâu dài, hệ thống lưới điện thông minh sẽ làm giảm áp lực nguồn vốn đầu tư cho ngành điện thông qua việc nâng cao hiệu quả vận hành, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm điện, giảm lao động trực tiếp. Đảm bảo cung cấp điện ổn định tới khách hàng.
“Phát triển lưới điện thông minh là xu hướng tất yếu khách quan của thời đại công nghệ 4.0. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự động hóa lưới điện phân phối, mở rộng và khai thác hiệu quả hệ thống tự động hóa lưới điện trung áp", ông Phượng cho hay.
Theo Lao động