TS Ngô Thường San Kỳ 1: Chưa bao giờ ngừng nghiên cứu
Năm 1962, sau khi tốt nghiệp Đại học Địa chất Moskva, ông Ngô Thường San được phân công về công tác ở Ủy ban Khoa học Nhà nước. Tại đây ông cùng một số anh em là những nghiên cứu sinh đầu tiên về địa chất được cử đi đào tạo chính thức ở Liên Xô về bắt đầu quá trình nghiên cứu khoa học. Đề tài nghiên cứu đầu tiên của ông là kiến tạo vùng Đông Bắc, tập trung nghiên cứu những khoáng sản, đặc biệt là dầu khí ở khu vực này.
Sau đó Ủy ban Khoa học Nhà nước chia tách thành Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học Việt Nam, theo nguyện vọng, ông Ngô Thường San được ông Trần Quỳnh khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước phân công về Viện Khoa học Việt Nam.
Khi Tổng cục Địa chất thành lập đoàn nghiên cứu địa chất dầu khí ở Đông Bắc Việt Nam, nghiên cứu về cấu trúc và tiềm năng dầu khí ở vùng trũng An Châu, với chuyên môn cũng như những nghiên cứu trước đó về vùng Đông Bắc gắn với khu vực An Châu, ông Ngô Thường San được phân công phối hợp với Tổng cục Địa chất để nghiên cứu về An Châu suốt từ năm 1965 đến năm 1970, 1971. Thời đó, do điều kiện nghiên cứu, phương tiện kỹ thuật còn hạn chế, An Châu lại là vùng rừng núi, nên việc tiến hành tìm kiếm dầu khí bằng các phương pháp địa vật lý, khoan rất phức tạp, khó khăn, chủ yếu là khảo sát địa chất bề mặt, kết hợp nghiên cứu địa hóa, thạch học, cơ lý, môi trường trầm tích... từ đó đưa ra những dự đoán về tiềm năng dầu khí ở khu vực này. Những kết quả nghiên cứu để lại vẫn là cơ sở, tài liệu quan trọng để những nhà khoa học dầu khí hiện nay tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn về tiềm năng của vùng trũng này. Gắn với công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của mình, ông Ngô Thường San đã đặt tên cho con gái đầu lòng là An Châu.
Sau khi kết thúc nghiên cứu về An Châu, ông Ngô Thường San chuyển sang nghiên cứu ở vùng biển ven bờ Vịnh Bắc Bộ, trong đó có Vịnh Hạ Long. Song song với thời điểm đó, giai đoạn 1973-1974, Ủy ban thống nhất đặt vấn đề với ông Ngô Thường San về việc tham gia nghiên cứu, tập hợp tài liệu về triển vọng dầu khí của thềm lục địa phía Nam, để chuẩn bị phát triển công nghiệp dầu khí sau giải phóng miền Nam.
Khi đất nước thống nhất, năm 1975, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng có chủ trương chọn những cán bộ miền Nam về xây dựng quê hương. Cùng với một số cán bộ lúc bấy giờ là ông Đào Duy Chữ (cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), ông Vũ Trọng Đức (cán bộ của Tổng cục Hóa chất), ông Hồ Đắc Hoài (cán bộ của Tổng cục Địa chất), ông Ngô Thường San được điều vào miền Nam để thu thập tất cả các tài liệu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn về dầu khí để đánh giá tổng hợp về tiềm năng dầu khí thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, đoàn công tác đã hoàn thành nhiệm vụ và khoảng cuối tháng 7/1975, ông Ngô Thường San được giao thay mặt đoàn công tác báo cáo trước Bộ Chính trị về đánh giá tiềm năng, phân chia khu vực triển vọng dầu khí thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Đây cũng là báo cáo được Trung ương sử dụng và làm cơ sở để có quyết định thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt. Đó cũng là cơ sở để Bộ Chính trị quyết định về phát triển ngành Dầu khí, xem như là động lực kinh tế để xây dựng đất nước sau chiến tranh.
Năm 1976, theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn Biên - Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt - ông Ngô Thường San được chuyển từ Viện Khoa học Việt Nam sang Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, ở phía Nam gọi là Công ty Dầu khí Nam Việt Nam, phụ trách kỹ thuật của công ty. Sau đó, khi thành lập Vietsovpetro, ông được chuyển sang làm Phó Tổng Giám đốc Vietsovpetro, đến năm 1990 làm Tổng Giám đốc Vietsovpetro, năm 1993 làm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam), đến năm 1996 làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Tôi thắc mắc: Khi giữ các chức vụ quản lý cấp cao ở Vietsovpetro đến sau này, quá trình nghiên cứu khoa học của ông Ngô Thường San có còn tiếp diễn hay không?
TS Ngô Thường San trả lời ngay rằng: Ngay cả khi ở Vietsovpetro hay là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, ông chưa bao giờ ngừng nghiên cứu khoa học, bởi ông xác định rằng, hoạt động dầu khí để có hiệu quả bắt buộc phải xuất phát từ khoa học công nghệ (KHCN). “Khi đảm nhận các chức vụ quản lý, tôi không có nhiều thời gian đi sâu vào chi tiết các nghiên cứu nhưng luôn định hướng và tham gia cùng cán bộ, kỹ sư, người lao động dầu khí trong việc thực hiện các giải pháp công nghệ. Công tác quản lý tôi dành 60%, còn 40% dành cho chuyên về nghiên cứu khoa học”, ông Ngô Thường San nói. Thực hiện song hành giữa công việc quản lý và nghiên cứu khoa học, ông nhận thấy rằng, KHCN cũng gắn với quản lý, góp phần làm tăng hiệu quả quản lý, trong khi đó, quản lý không thể tách rời khỏi KHCN mà còn hỗ trợ cho công tác nghiên cứu khoa học, hiện thực hóa những ý tưởng khoa học.
Giàn khoan Ekabi thử vỉa dầu trong tầng móng mỏ Bạch Hổ (ảnh tư liệu)Đến khi nghỉ hưu, ông Ngô Thường San vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy và truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho sinh viên, người lao động dầu khí, đặc biệt trong lĩnh vực chuyên môn sâu về địa chất, thăm dò, khai thác dầu khí. Trong giáo trình của mình, ông dày công kết hợp lý thuyết với kinh nghiệm thực tiễn, đúc kết những thất bại, thành công trong thực tiễn thành kinh nghiệm để truyền đạt lại cho thế hệ hậu duệ của ngành Dầu khí.
Cả cuộc đời ông Ngô Thường San là chuỗi những cống hiến, gắn liền với những bước thăng trầm của ngành Dầu khí. Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng thói quen nghiên cứu giúp cho trí óc ông cực kỳ minh mẫn, ông nhớ như in từng chi tiết, cả ngày tháng những sự kiện của ngành Dầu khí mà ông là một trong những nhân chứng lịch sử. Những bài viết, báo cáo, tư vấn của ông cho ngành Dầu khí thể hiện ông vẫn không ngừng nghiên cứu, cập nhật những thông tin mới về công nghiệp dầu khí trong nước và thế giới. Không chỉ là sự uyên bác, trong ông là cả sự tận tâm, ngọn lửa nhiệt huyết với ngành Dầu khí không ngừng cháy trong tim, mong muốn mang đến những giá trị tốt đẹp cho đời.
(Còn tiếp....)
Theo Petrotimes