Những thành tựu nổi bật của ngành Công Thương trong việc phát triển công nghiệp, thương mại và năng lượng những năm qua có thể nói đều mang dấu ấn của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong điều hành, quản lý. Minh chứng rõ nét cho các dấu ấn ấy chính là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng thương mại điện tử, nội địa hoá các sản phẩm công nghiệp, cải tiến quy trình xuất khẩu nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở mức độ ứng dụng nữa mà thực sự ngành Công Thương đã thực sự coi khoa học công nghệ như một lực lượng sản xuất và trong quá trình điều hành quản lý đã hướng mạnh tới việc giải phóng lực lượng sản xuất.
Ở đây có thể thấy, khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò quan trọng thay đổi tư duy quản lý các cấp, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, thiết bị, qua đó, làm tăng năng suất lao động, đạt bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,88%, cao nhất khối ASEAN và trong nhóm các quốc gia có tăng trưởng cao ở châu Á.
Ảnh minh hoạĐiều đáng quan tâm là việc khoa học công nghệ được ngành Công Thương đặc biệt quan tâm thời gian qua mà còn cả trong giai đoạn tới. Đây chính là cơ sở để Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nhấn mạnh quan điểm tái cơ cấu để thực hiện phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Đây được coi là quan điểm hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực quản trị ngành Công Thương những năm sắp đến. Đồng thời cũng là sự khẳng định mạnh mẽ việc gắn bó mật thiết và trực tiếp của khoa học công nghệ phục vụ cho quá trình đổi mới ngành Công Thương.
Ở một góc độ khác, việc khẳng định mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đồng nghĩa với việc chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng định hướng, chính sách phát triển ngành Công Thương trong tình hình mới; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi, khai thác có hiệu quả cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Đồng thời thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai tại doanh nghiệp theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo. Cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương theo hướng hiện đại.
Theo Báo Công Thương